Hội làng (ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)
Tôi thích không gian ấy bởi nó chân thật, chuyển tải rõ thành ý của dân làng đối với người có công khai khẩn lập làng. Mỗi dịp như thế ngoài cỗ làng, nhiều nhà cũng nấu cỗ. Nghĩa là tôi có thể ăn xôi, bốc thịt ở đình làng một cách tự nhiên, sau đó vào bất cứ nhà ai có cỗ mà tôi gặp để ăn. Nhà nào càng đông khách đến càng vui. Họ chắt đến chén rượu cuối cùng trong chum để đãi khách. Đó là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cố kết xóm làng, để người đi xa như tôi thêm nhớ.
Với cách tổ chức ấy đã khiến nhiều người muốn trở về làng, chứ không chỉ riêng tôi. Sau hội làng có người còn cảm hứng muốn ở lại.
Cỗ làng do dân làng góp, nhà có điều kiện thì một hai trăm nghìn, nhà ít thì vài chục, nhà không có cũng chẳng ai cấm ăn cỗ làng. Có năm mỗi họ góp một cỗ, gồm mâm xôi và thủ lợn dâng cúng thành hoàng sau đó cùng nhau ngả ra giữa đình thụ lộc. Một không gian đình đám tự nguyện, tất thảy hướng đến cái vui.
Mỗi lần về làng ăn cỗ, tiếng là người làm ăn trên phố nhưng tôi chỉ góp một vài trăm nghìn gọi là có tấm lòng, chứ chẳng ai bắt cả. Nhớ ngày hội làng để về là dân làng quý rồi. Tôi cứ nghĩ hội làng vui như thế phải lưu giữ nét đẹp mới phải. Thế nhưng gần đây chả biết ai lại nghĩ ra cái cách tổ chức không phù hợp với suy nghĩ và mong muốn của người làng. Người ta đưa vào hội làng những tiết mục chẳng liên quan gì đến văn hóa làng, thuê diễn viên chuyên nghiệp hẳn hoi về diễn.
Chẳng biết việc ấy trưởng làng có báo cáo lên xã và được cơ quan quản lý văn hóa cho phép không, nhưng tôi cứ thấy ngồ ngộ thế nào. Có người làng bảo là trò diễn ấy giống ở nhiều làng lắm. Diễn viên đi diễn hết làng nọ đến làng kia, mỗi suất diễn mươi mười lăm triệu đồng.
Hôm rồi nhận được giấy mời của trưởng làng về dự hội, tôi thấy là lạ bởi xưa nay hội làng cứ đến hẹn lại lên, có ai mời ai đâu mà vẫn đông đủ cả. Hỏi ra mới biết năm nay làng bổ bán kinh phí tổ chức hội làng theo gia đình, trưởng làng gửi thông báo đến từng nhà.
Theo cách giải thích thì tiền ấy để tổ chức văn nghệ, thuê sân khấu và nhiều thứ khác. Tôi cũng được trưởng làng thông báo mức ủng hộ của người xa quê ít nhất nên từ 500.000 đồng cho xứng với thu nhập ở thành phố. Tôi không tiếc tiền, nhưng tiếc một hội làng đẹp như thế mà bắt đầu nhuốm màu tiền bạc.
Hội làng do dân làng sáng tạo ra, thì hãy cứ để dân làng làm chủ có hơn không. Sao bây giờ nhiều hội làng giống nhau đến thế, trống hội chưa dóng, đã lo thu tiền.
An Nhiên