Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Lễ hội đầu xuân và sự thất bại của những bản cam kết (22/02/2019-12:50)
    (NLBTH) - Lễ hội thường đem lại lợi ích cho nhiều người nên rất khó để chờ sự tự giác ở họ. Để đảm bảo trật tự lễ hội cần phải có sự mạnh tay của cơ quan chức năng.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ Tuổi trẻ

Từ sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi tràn ngập trên phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội là tình trạng thiếu văn hóa và các biểu hiện trục lợi trong việc tổ chức lễ hội. Gần như ở lễ hội nào cũng có sai phạm, và đáng nói là vi phạm cứ liên tiếp xảy ra sau khi ban quản lý di tích đưa ra cam kết và ký cam kết không vi phạm.

Nhiều người phản ánh ở một số lễ hội ban quản lý đã đặt ra các loại phí vô lý được giải thích để tôn tạo di tích, bảo đảm môi trường, giữ gìn trật tự và nhiều lý do khác nữa, nhưng trên thực tế thì lại không như vậy. Rác thải vẫn tràn ra môi trường, hàng quán nhốn nháo, tranh cướp bán mua, nhiều mặt hàng, việc làm phi pháp vẫn được chào bán và tổ chức chơi công khai, gần như không gặp phải cản trở nào từ cơ quan chức năng. Nguồn thu từ phí và các loại dịch vụ này là không hề nhỏ, các ban quan lý di tích đã sử dụng nó như thế nào?

Cùng với chất thải rắn, “rác” thải văn hóa đang làm cho môi trường ở nhiều lễ hội trở nên quá tải, dung tục và tầm thường hơn. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có sự thông đồng lợi ích hay nương nhẹ nào khiến cho tình trạng này dễ dàng được làm ngơ và bỏ bê đến vậy?

Dù nhiều ban quản lý di tích đã đưa ra những lý do nhưng không thuyết phục. Một khi lễ hội còn bị những người đứng ra tổ chức xem như một nguồn lợi để khai thác, thì giá trị của nó sẽ ngày càng bị bào mòn, sai phạm này sinh.

Thời gian gần đây một số nhà nghiên cứu văn hóa đã đề xuất trả lại không gian lễ hội truyền thống cho chủ thể sáng tạo ra nó là người dân, để người dân đứng ra tổ chức, nhưng lại chưa được cơ quan chức năng quan tâm.

Cơ quan quản lý thường đưa ra lý do lo lắng về an ninh - trật tự, cảnh quan, môi trường và các giá trị khác của di tích sẽ bị xâm hại nếu “thả” cho người dân tổ chức lễ hội. Những trên thực tế, ở một số nơi dù có sự tham gia rất “nhiệt tình” của chính quyền địa phương thì nhiều di tích vẫn bị xâm hại, lễ hội vẫn bị biến tướng và thương mại.

Những cam kết về đảm bảo môi trường văn hóa của lễ hội dường như chỉ tồn tại trên giấy, và rất khó để chiến thắng được một cam kết về nguồn thu mà các ban quản lý di tích đã nhận từ phía chính quyền địa phương.

Một khi lợi ích kinh tế trong tổ chức lễ hội còn bị xem nặng, đưa ra để đấu thầu, thì những sự thất bại trong cam kết về văn hóa, môi trường và an ninh - trật tự cũng là chuyện không quá bất ngờ.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Sự xấu xí ẩn nấp (18/02/2019-21:10)
  • Giữ hình ảnh thơ (17/02/2019-21:20)
  • Lắng nghe để điều chỉnh (15/02/2019-14:41)
  • Bỏ thói quen xấu (11/02/2019-09:03)
  • Khuyến học phải từ tâm (08/02/2019-17:25)
  • Lợi ích vụn vặt, nguy cơ lớn (29/01/2019-7:53)
  • Đằng sau những đứa trẻ thạo việc (27/01/2019-11:16)
  • Không để tái diễn tình trạng... “xe công - xe ông, xe tôi” (24/01/2019-20:59)
  • Nhận diện thêm một kiểu nịnh bợ (23/01/2019-15:48)
  • Quyết tâm chống pháo nổ (21/01/2019-8:53)