Nhà báo Kim Nhũ (phải) trong buổi ra mắt tập thơ “Khúc ru lại về” (Ảnh: NVCC)
Ở tuổi 65, nhà báo quê gốc Hưng Yên Kim Nhũ (nguyên Phó Tổng biên báo Nông thôn Ngày nay) tập mới ra mắt tập thơ đầu tiên trong bối cảnh người người làm thơ, nhà nhà xuất bản thơ. Khi biết bà bắt đầu đến với thơ thì cũng có người ngăn cản, nhưng cũng có đàn anh, đàn chị trong giới khuyến khích. Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, nhà báo Kim Nhũ đã quyết định xuất bản tập thơ riêng đầu tiên mang tên “Khúc ru lại về”.
Người biên tập và viết lời bình cho tập thơ này chính là nhà thơ “Hương thầm” Phan Thị Thanh Nhàn. Những bài thơ giản dị, chân thành của Kim Nhũ đã dành trọn được tình cảm, sự yêu mến của bạn đọc, trong đó có nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang (hội viên Hội Văn học- Nghệ thuật Bà Rịa - Vũng Tàu). Cũng là một người con gốc Hưng Yên, nhạc sĩ đã đồng cảm với tác giả thơ khi chắp thêm “đôi cánh âm nhạc” cho 4 bài thơ của nhà báo Kim Nhũ.
“Mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm, đã được rất nhiều nhà thơ nhắc đến nhưng với nhà báo Kim Nhũ cũng đã có những cảm nhận rất riêng về mùa Thu: “ ... giọt sương mồ côi” hay “Giật mình... trong vòm lá/ Hương thu nồng nàn quá/ Thổi hồn thơ nhẹ bay”.... Còn bài thơ “Mẹ đang ở đâu” là tiếng gọi xé lòng của đứa con nhỏ khi bố mẹ chia tay nhau. Cháu sống với bố nhưng vẫn luôn mong có mẹ, thèm được mẹ mắng, mẹ đánh đòn như ngày nào.
Bài thơ như một lời nhắc nhở những đôi vợ chồng: Hãy biết gạt bỏ cái tôi cá nhần để giữ một gia đình hoà thuận, êm ấm để con cái luôn được sống trong tình yêu thương của cả cha và mẹ. Còn bài thơ “Dặn con” là những lời dặn dò của một người mẹ chất chứa ở đó là tình mẫu tử thiêng liêng, bao la, cao đẹp. Qua đây mới thấy được dù con có lớn khôn đến thế nào đi chăng nữa thì với một người mẹ thì con vẫn mãi là đứa con bé bỏng, thơ dại ngày nào”, nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang xúc động chia sẻ về 4 bài thơ mà ông phổ nhạc từ thơ của nhà báo Kim Nhũ.
“Khúc ru lại về” mang lại không khí bình yên, tĩnh lặng của những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ trước, khi mọi người đều tươi tắn, hào sảng, tinh tế và lãng mạn. Những bài thơ trong tập thơ được sáng tác trong khoảng năm 2016 và 2017 khi nhà báo Kim Nhũ về hưu được vài năm, sau khi đã rời bỏ những bộn bề trong công việc quản lý tại báo Nông thôn Ngày nay.
Tập thơ “Khúc ru lại về”
Khi được hỏi vì sao đến cái tuổi này mới làm thơ thì nhà báo Kim Nhũ cho biết: Thực ra ngay từ nhỏ bà đã là người yêu văn chương, cuối những năm 1960 - 1970 khi có rất ít sách, bà đã từng đọc đến nhàu nát quyển truyện thơ “Con chim vành khuyên” và thuộc nằm lòng đến tận bây giờ. Đến những năm học cấp 2, bà đã nổi tiếng là người hay viết những đoạn văn, mẩu thơ châm chọc bạn bè, chuyện thầy, chuyện trường, chuyện lớp trên báo tường của trường, được bạn bè truyền tay nhau đọc. Năm 1968 bà đã được giải nhất toàn thành phố trong cuộc thi học sinh giỏi văn.
Tình yêu văn chương đã ngấm vào máu thịt cô gái đất nhãn khiến thi thoảng bà cũng có viết vài bài thơ. Rồi đi làm, có gia đình, cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền khiến nhà báo Kim Nhũ không còn nhiều thời gian cho niềm đam mê thơ ca.
Sau khi về hưu, có thời gian tập tọe chơi facebook, bà bắt đầu trở lại với việc viết lách. Nhưng đó không phải là thơ mà là truyện ngắn. Chính nhà văn Nguyễn Văn Thọ là người đã phát hiện, động viên, khuyến khích bà bằng việc biên tập một truyện ngắn của bà để gửi đăng trên báo Nhân dân Hằng tháng. Đó cũng chính là lần đầu tiên cái tên Kim Nhũ xuất hiện trong giới văn chương. Và những cảm giác ngất ngây của buổi đầu ấy khiến bà mong muốn được dấn thân với con đường văn chương sâu hơn.
Nhưng rồi, bà bắt đầu viết thơ vì thơ viết được nhanh hơn, gặp chuyện vui chuyện buồn đều viết thơ, được bạn đọc cổ vũ nhận xét khiến bà càng thêm hào hứng. “Khúc ru lại về” chính là những cảm xúc đã từng ngấm sâu, đã trở về sau khi “ngủ quên” trong một thời gian dài của nhà báo Kim Nhũ.
Toàn bộ tập thơ “Khúc ru lại về” toát lên sự tinh tế, dịu dàng của người phụ nữ khi đã trải qua biết bao giông tố cuộc đời. Đúng như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nhận xét, tập thơ của Kim Nhũ rất đàn bà với những đề tài về đời thường, về mẹ, về chồng, con cháu, đồng nghiệp và cả những người đồng chí ngã xuống trên chiến trường.
Nhà báo Kim Nhũ tự thể hiện ca khúc “Dặn con” do nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang phổ nhạc
và đệm đàn trong buổi ra mắt tập thơ “Khúc ru lại về” (Ảnh: NVCC)
“Yêu người đến mức thành thơ” là câu những bạn bè dành tặng cho nhà báo Kim Nhũ. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát tỏ ý ghen tỵ với sự hạnh phúc toát lên trong thơ của “Người đàn bà hạnh phúc” Kim Nhũ với nét tinh tế, dịu dàng, yêu người và được cuộc đời trả lại đầy đủ. Nhà văn Trần Thị Trường phát hiện ra tập thơ không chỉ có những cảm xúc nhẹ nhàng, nhà báo Kim Nhũ còn có những bài thơ mang tính “thả thính” như bài “Lỗi nhịp” với những ngôn từ da diết như: “Người mang đến theo cơn gió dịu êm/ Thổi bùng cháy lửa đam mê đã tắt” hay trong “Tìm người”: “Biết có trong ấm ngoài êm/Cho lòng ta được nhẹ yên một bề/ Người ơi! Có biết ta về”.
Nhà báo Kim Nhũ bày tỏ: Dù đã đi nước ngoài nhiều, nhưng chất Á Đông đã ngấm sâu trong con người bà, nên đối với bà gia đình, mẹ con, bà cháu, vợ chồng, bạn bè đồng nghiệp là những tình cảm rất thiêng liêng. Bà không phủ nhận lối sống phương Tây hiện đại nhưng sự lựa chọn của bà là những điều thân thương bên cạnh mình và bà muốn làm thơ về nó.
Hy vọng rằng với tập thơ đầu tay này, nhà báo Kim Nhũ sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cảm xúc để cho ra đời những “đứa con tinh thần” có giá trị tiếp theo.
Theo H.L/Báo Nhà báo và Công luận