Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Tăng trưởng niềm tin (31/03/2019-20:44)
    (NLBTH) - Thanh Hóa vừa tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 để đứng thứ 25 toàn quốc.

Dù chưa phải là thứ hạng hài lòng, nhưng đã cho thấy nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân trong việc cải cách hành chính, thu hút đầu tư. Đây là năm thứ hai liên tiếp Thanh Hóa có sự cải thiện về chỉ số CPI.

Xếp hạng Chỉ số CPI là hoạt động thường niên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện, được xem như “thước đo” để các tỉnh, thành phố soi chiếu lại mình nhằm phục vụ tốt hơn doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Mỗi lần công bố bảng xếp hạng Chỉ số CPI vì thế đều mang đến những cảm xúc trái ngược. Năm 2014 Thanh Hóa xếp thứ 12, đến năm 2015 gia nhập tốp 10 trên bảng xếp hạng PCI, nhưng sự “lao dốc” trong năm 2016 xuống vị trí thứ 31 khiến chúng ta hụt hẫng.

Thứ hạng CPI cao hay thấp chính là thể hiện mức độ hài lòng hay không của doanh nghiệp. Vị trí này cũng cho thấy mức độ kiến tạo và phục vụ của chính quyền cũng như cơ quan liên quan như thế nào.

Chính vì thế nỗ lực “leo dốc” với mức tăng 3 bậc mỗi năm trong năm 2017 và 2018 cho thấy chúng ta nhận thức rõ tầm quan trọng của thứ hạng PCI như thế nào.

Chắc chắn là như thế rồi, riêng trong năm 2018 Thanh Hóa tiếp tục có nhiều đổi mới, “phá băng” trong xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư.

Chỉ riêng tại Khu kinh tế Nghi Sơn đã có hàng chục dự án lớn đi vào hoạt động, thêm nhiều dự án được cấp phép, chưa kể ở các khu công nghiệp trong tỉnh.

Tinh thần đổi mới, nhất là cải cách hành chính được tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện với khả năng tốt nhất, nhanh nhất, trách nhiệm cao nhất.

Trong năm UBND  tỉnh đã ban hành 30 văn bản quy phạm pháp luật; ban hành Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quy định việc thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; chấp thuận địa điểm đầu tư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, gia nhập thị trường, đào tạo lao động, chi phí thời gian, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, thiết chế pháp lý, an ninh - trật tự được cơ quan chức năng cung cấp kịp thời với chất lượng tốt.

Những chỉ số này được đánh giá cao, là cơ sở để khơi dậy cảm hứng, niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư sâu và mạnh mẽ hơn vào Thanh Hóa.

Thực tế cho thấy PCI là công cụ thúc đẩy các tỉnh, thành phố phải thấy “sốt ruột” để nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của mình. Sự tăng bậc thứ hạng trong hai năm gần đây cho thấy chúng ta đã có một sự “sốt ruột” trách nhiệm và bước đi chắc chắn. Tiếp tục đà này chúng hoàn toàn có thể trở lại tốp 10 trên bảng xếp hạng CPI ngay trong những năm tới.

Lam Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Tránh “bắt nhái bỏ đĩa” (29/03/2019-15:25)
  • Đừng vì cảm xúc của người lớn (28/03/2019-11:04)
  • Không u mê, tiếp tay (25/03/2019-8:55)
  • Đừng để việc thanh niên tình nguyện nhặt rác chỉ tồn tại như một trào lưu (21/03/2019-22:10)
  • Giải quyết xung đột lợi ích trong tiêu dùng (21/03/2019-10:49)
  • Đừng nhìn vào bữa ăn như cơ hội để kiếm chác (20/03/2019-8:11)
  • Kiểm soát cảm xúc (19/03/2019-8:47)
  • Mị mị hối lộ bề trên (16/03/2019-22:23)
  • “Đánh nhau” với bê tông (13/03/2019-22:02)
  • Lắng nghe và tham gia có trách nhiệm (12/03/2019-21:41)