Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Tạo môi trường phấn đấu bình đẳng (16/07/2019-9:40)
    (NLBTH) - Có lần ở cơ quan cũ được một cán bộ cấp dưới mời đi ăn uống, cả buổi cậu chỉ gắp rót cho tôi là chính, không giống với tính cách của cậu chút nào
Tranh minh họa, từ internet

Hỏi vì sao, cậu thật thà rằng em muốn anh ủng hộ trong đợt xét khen thưởng sắp tới. Tôi nói luôn rằng: Cậu đề xuất nhiều sáng kiến, làm việc chăm chỉ, chấp hành kỷ luật, không khen cậu hóa ra làm hỏng cả phong trào thi đua của cơ quan à?

Như được cởi bỏ khối đá trong đầu, cậu trần tình: Thì em cũng biết thế, nhưng mấy người trong cơ quan cứ bảo phải có lời lẽ mới được việc. Em là người kém ăn nói, nhỡ các anh không hiểu thì thiệt cho em quá.

Lối suy nghĩ khéo ăn nói, ưa nịnh bợ, nói không quá đang là suy nghĩ ở một bộ phận không hề nhỏ trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Người ta buộc phải ứng xử như thế bởi lâu nay có lãnh đạo cơ quan đã cất nhắc cán bộ cảm tính, nhìn vào khả năng ăn nói của cấp dưới mà ít chú ý đến năng lực thực sự của họ. Đó là điều khiến cho không ít người làm được việc, người có năng lực nhưng kém ăn nói trở nên lo lắng, cuối cùng rời bỏ.

Ngày 27/12/2018 Thủ tưởng Chính phủ đã phê duyệt Đề án văn hóa công vụ trong đó có quy định công chức không được "nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng". Đây là vấn đề rất được chờ đợi, tuy nhiên lại đang có nhiều ý kiến cho rằng quy định này dù đã có trong Đề án văn hóa công vụ, nhưng sẽ không dễ gì để luật hóa được.

Lâu nay chúng ta đã có nhiều quy định dưới luật, nhiều nội dung mang tính đề nghị, vận động, nhưng thường là không phát huy tác dụng khi đi vào cuộc sống.

Phải nhận thức rằng, đội ngũ cán bộ hiện nay đều được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ, có nhận thức, danh dự và nhân phẩm, bởi thế cần đặt lòng tự trọng lên trên lợi ích cá nhân, cùng nhau thượng tôn các quy định để xây dựng môi trường văn hóa công sở thật sự lành mạnh, thể hiện sự văn minh.

Chỉ khi nào thật sự xây dựng được một môi trường văn hóa công sở bình đẳng mới tạo ra động lực để cán bộ thỏa sức phấn đấu, khẳng định năng lực bản thân.

Chưa bao giờ vấn đề trọng dụng người tài lại được Đảng, Nhà nước ta kêu gọi nhiều như bây giờ. Nhưng để người tài được cống hiến đầy đủ, trước tiên cần dẹp bỏ “vũng bùn” nịnh bợ trong công sở trước đã.

Vấn đề khó lâu nay của chúng ta không nằm ở việc thiếu các quy định hay những khẩu hiệu kêu gọi vấn đề đạo đức và liêm chính, mà chính là ở khâu thực thi chúng ta còn quá yếu và nặng tính ngẫu hứng. Phải nhận thức đầy đủ, cùng nhau khắc phục được điều đó mới mong đẩy lùi được căn bệnh nịnh bợ trong công sở, đưa Đề án văn hóa công vụ thực sự đi vào cuộc sống.

An Nhiên

 

Các tin khác:
  • Chờ đợi sự ứng phó cần thiết (15/07/2019-8:20)
  • Doanh nghiệp và nỗi lo tăng trưởng “nóng” (12/07/2019-8:22)
  • Sự vô dụng của quy định (10/07/2019-19:42)
  • Ý thức rõ trách nhiệm giải phóng mặt bằng (08/07/2019-9:20)
  • Phát động đợt cao điểm sáng tác, quảng bá “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (06/07/2019-15:20)
  • Tăng trưởng cần gắn với bình ổn (05/07/2019-15:14)
  • Ứng xử với hồn sen (02/07/2019-8:18)
  • Coi trọng vai trò của người dân trong phòng, chống tham nhũng (01/07/2019-8:52)
  • Nâng niu mái ấm (27/06/2019-22:59)
  • Nguy cơ “bom” nước (25/06/2019-22:50)