Họa sĩ sáng tạo hay “công nhân” vẽ tranh? (18/07/2019-17:16)
Phiên xử phúc thẩm vụ kiện bản quyền 4 hình tượng nhân vật “Thần đồng đất Việt” vẫn không thể kết thúc như chờ đợi của nhiều người và của họa sĩ Lê Linh. Tất cả đều phải chờ đợi tới ngày 29/7/2019 khi phiên tòa này tiếp tục diễn ra.
Nguyên đơn khởi kiện trong vụ tranh chấp bản quyền đầu tiên ở Việt Nam - tác giả 4 hình tượng nhân vật trong bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” là họa sĩ Lê Phong Linh (sinh năm 1974); bị đơn là Công ty Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục & Giải trí Phan Thị (Công ty Phan Thị), Giám đốc là bà Phan Thị Mỹ Hạnh (sinh năm 1965).
Tại phiên xử phúc thẩm sáng 16/7, bà Phan Thị Mỹ Hạnh đã bất ngờ xuất hiện sau 12 năm tranh chấp. Họa sĩ Lê Linh cũng khá bất ngờ và cho biết: “Bà ấy đến tòa cũng làm tôi hơi bất ngờ vì từ khi xảy ra tranh chấp 12 năm, tôi chưa hề được gặp”.
Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu công nhận mình chính là “cha đẻ” sáng tạo ra bốn hình tượng nhân vật “Trạng Tí”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo” là các nhân vật trung tâm của bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” và yêu cầu Công ty Phan Thị dừng việc tiếp tục sản xuất các biến thể (ví dụ như “Thần đồng đất Việt Khoa học”, “Thần đồng đất Việt Toán học”, “Thần đồng đất Việt Mỹ thuật” v.v...) làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của tác phẩm.
Theo đại diện pháp luật của Công ty Phan Thị thì tác phẩm được sáng tác trong thời gian họa sĩ Lê Linh đang là nhân viên của Công ty Phan Thị và ông Linh vẽ dưới sự chỉ đạo của bà Hạnh, nên toàn bộ sở hữu bản quyền tác phẩm thuộc Công ty Phan Thị. Vì lý do này, Công ty Phan Thị kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Luật sư Trương Thị Thu Hồng (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng giữa hai quan hệ tranh chấp này thì đơn yêu cầu của ông Lê Phong Linh là có cơ sở, căn cứ theo Khoản 4 điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).
Theo đó, luật sư Hồng khẳng định: “Kháng cáo của bị đơn cho rằng TAND Quận 1 đã “tùy tiện áp dụng điều ước quốc tế” là sai vì Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam không có quy định nào khác với Công ước Berne, nên việc áp dụng Công ước Berne là hoàn toàn có cơ sở pháp lý”.
Luật sư Trương Thị Thu Hồng cung cấp: “Chứng cứ chứng minh quyền tác giả là ông Lê Phong Linh đã có đăng ký bản quyền tác giả từ tập 1 đến tập 78 tất cả các ấn bản đều có ghi: Họa sĩ Lê Linh. Tập 37 còn có phần: Đôi nét về tác giả Lê Linh”. Luật sư cũng lập luận: “Luật quy định rằng tác giả phải là người trực tiếp thực hiện tác phẩm. Những điều nằm trong ý tưởng không thể hiện ra bằng hình thức vật chất thì không được bảo hộ. Giả sử ông Lê Phong Linh có thực hiện các nhân vật này theo sự mô tả của bà Phan Thị Mỹ Hạnh, thì ông Linh vẫn là tác giả của tác phẩm đã được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định”.
Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn (Đoàn Luật sư Hà Nội) thì phân tích: “Luật SHTT quy định quyền nhân thân là không thể chuyển đổi. Nên giả sử ông Linh có muốn chuyển nhượng quyền này cho bà Hạnh thì luật cũng không cho phép. Công ty Phan Thị đã làm biến thể các nhân vật nên phải có sự đồng ý của họa sĩ Lê Linh”.
Họa sĩ Lê Linh phản đối hoàn toàn việc bà Hạnh cho rằng có mô tả về nhân vật. “Bà Hạnh chỉ gợi ý về việc sản xuất một bộ truyện, và còn đưa yêu cầu tên nhân vật là cu Bia nhưng tôi không đồng ý với tên này. Tôi muốn tạo ra một bộ truyện thuần Việt hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi truyện tranh Nhật nên mới đặt tên cho các nhân vật là “Trạng Tý”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo”. Thậm chí, lúc đó hợp tác tốt đẹp nên tôi đã đặt kế hoạch dài lâu cho bộ sách chứ không chỉ dừng lại ở các nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo như đã ấn bản”.Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của họa sĩ trong suốt 12 năm qua.
Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn nói: “Từ tập 79 trở đi bất cứ trang nào có xuất hiện 4 hình tượng nhân vật này đều là xâm phạm đến bảo vệ sự toàn vẹn của nhân vật. Tất cả những hình ảnh đó đều là “quái thai”.
Người sáng tạo hay là “công nhân” vẽ tranh?
Đại diện Công ty Phan Thị, ông Nam cho biết:“Bốn nhân vật định hình rõ trong đầu óc của bà Hạnh nhưng vì không phải là họa sĩ nên bà Hạnh đã thuê một số họa sĩ trong đó có họa sĩ Lê Linh để vật chất hóa các nhân vật đúng như trong thế giới tinh thần của bà Hạnh”. Tuy nhiên ông Nam cũng thừa nhận bà Hạnh không phải người trực tiếp vẽ ra tác phẩm.
Trong phần hỏi đáp căng thẳng, ông Nam không trả lời được việc bà Hạnh đã chỉ cho ông Linh vẽ bằng cách nào, nhưng ông nói: “Tất nhiên không phải với cách thức cầm tay ông Linh đặt vào bản vẽ”.
“Như vậy bà Hạnh chỉ cho tôi bằng cách sử dụng lời nói, yêu cầu tôi bỏ các bản vẽ chưa đạt, tới khi nào đạt thì bà Hạnh là tác giả à? – Họa sĩ Lê Linh chất vấn – Một người không biết vẽ, không có tư duy hình họa mà miêu tả cho người khác thực hiện thì rất phản khoa học”.
Sau 12 năm xét xử, lần đầu tiên có mặt tại phiên tòa tranh chấp này, Giám đốc Công ty Phan Thị - bà Phan Thị Mỹ Hạnh cho biết: “Trong quá trình xuất bản, nếu đơn vị cấp phép xuất bản yêu cầu chỉnh sửa về hình vẽ thì tôi quyết định hết, không cần trao đổi lại với họa sĩ”.
“Từ tập 79 trở đi, Công ty Phan Thị tiếp tục xuất bản không chỉnh sửa gì các hình tượng nhân vật này nhưng không đề tên ông Linh nữa vì họa sĩ khác vẽ nên chúng tôi đề tên họa sĩ khác” – Bà Hạnh cung cấp.
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh thừa nhận chỉ là người có ý tưởng và đặt tên cho bộ truyện, còn người trực tiếp thực hiện hành vi vẽ là họa sĩ Lê Linh.
Bà Hạnh cho biết không có hợp đồng nào ký riêng với ông Linh về các phần công việc nào khác hoặc thỏa thuận đứng tên chung là đồng tác giả mà chỉ có hợp đồng lao động ghi “làm việc theo yêu cầu của công ty”.
Nhưng cũng tại phiên tòa, bà Hạnh một mực khẳng định: “Bộ truyện “Thần đồng Đất Việt” thuộc Công ty Phan Thị, do tôi đồng sáng tạo và việc ghi tên ông Linh chỉ là để giao lưu với công chúng. Tôi là người đưa ra ý tưởng. Tôi đã cùng bàn bạc trao đổi (bằng lời nói và bằng đồ họa vi tính) với họa sĩ Lê Linh từ tập 1 đến tập 7”.
Về quy trình, bà Hạnh thừa nhận họa sĩ Lê Linh là người vẽ phác thảo tác phẩm bằng tay, đúng như những bản phác thảo mà họa sĩ đã trình bày trước tòa, rồi sau đó mới chuyển lên làm đồ họa trên máy vi tính. Trước tòa, Công ty Phan Thị xác nhận: “Từ tập 1 đến tập 79 công chúng ghi nhận truyện và tranh là họa sĩ Lê Linh”.
Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, bà Hạnh xác nhận: “Từ tập 79 trở đi, Công ty Phan Thị đã làm tác phẩm phái sinh, các nhân vật không khác đi so với bản gốc”. Đồng thời bà Hạnh cũng khẳng định hoàn toàn không biết quyền sở hữu và quyền tác giả có đồng nhất (là một quyền) hay không.
Phải tới ngày 29/7 tới, phần tranh luận giữa hai bên mới được tiếp tục.
Trước đó, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân Quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) đã ra phán quyết công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện “Thần đồng đất Việt” và 4 hình tượng nhân vật trong truyện là “Trạng Tý”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo”. Tòa cũng buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc tiếp tục sáng tác những biến thể của nhân vật; xin lỗi công khai họa sĩ Lê Linh 3 kỳ liên tiếp trên các báo; chịu phí thuê luật sư phía Lê Linh là 15 triệu đồng
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com