Hội Báo Xuân xứ Lạng 2019 - Ảnh: TTXVN
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, vùng cao biên giới, địa bàn như vậy thuận lợi và khó khăn luôn cân bằng và đan xen. Cấp ủy và chính quyền tỉnh ở mọi thời kỳ đều quan tâm phát triển kinh tế gắn với văn hóa, nâng cao đời sống đồng bào. Riêng hoạt động báo chí, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở có những quan tâm thỏa đáng, chẳng những chủ động thông tin mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phượng.
Chỉ thị 37 ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về "Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới" đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh triển khai đồng bộ và thiết thực; góp phần thay đổi nhận thức và hành động đối với việc thực hiện Chỉ thị quan trọng này.
Ngay sau khi tiếp nhận Chỉ thị, ngày 20/5/2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 04 ngày 20/5/2004 của Tỉnh ủy Lạng Sơn, trong đó giao cho Ban Tuyên giáo cùng tổ chức Hội Nhà báo xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn, từng năm. Khi triển khai thực hiện Chỉ thị 37, cấp ủy tỉnh yêu cầu Hội Nhà báo tỉnh phải chỉ rõ cho hội viên những đặc thù của địa phương, coi đó là lợi thế đồng thời là đặc thù để xác định việc thực hiện Chỉ thị 37 hiệu quả. Đó là: Ở một địa bàn có 231km đường biên giới, 5 huyện biên giới, gần chục cửa khẩu, hàng chục chợ đường biên...
Cấp ủy tỉnh yêu cầu Hội Nhà báo tỉnh phải chỉ rõ cho hội viên những đặc thù của địa phương, coi đó là lợi thế đồng thời là đặc thù để xác định việc thực hiện Chỉ thị 37 hiệu quả - Ảnh: Nguồn báo Lạng Sơn
Như thế, hoạt động báo chí cũng như hoạt động Hội có một mảng quan trọng là thông tin đối ngoại và ngoại giao nhân dân. Hơn nữa, hội viên của HNBVN hoạt động tại Lạng Sơn còn phải là cầu nối gắn kết giữa thông tin hữu nghị Trung Quốc và ASEAN. Hội Nhà báo tỉnh, từng cá nhân hội viên có vai trò quan trọng trong định hướng dư luận xã hội, để chẳng những nhân dân trong tỉnh hiểu rõ mà nhân dân cả nước cũng hiểu rõ về các sự kiện tại đây... Khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 37, Hội Nhà báo Lạng Sơn cũng đã có 15 năm hoạt động, đã khẳng định vai trò nên cũng gặp thuận lợi khi triển khai. Sau 15 năm nhìn lại, kết quả rõ nét và nổi lên ở mấy điểm nhấn sau:
Thứ nhất, không ngừng đổi mới, kiện toàn tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo. Kết quả, khi mới thành lập chỉ có 23 hội viên, hiện tại đã có 128 hội viên, trong đó trình độ đại học là 97, cao đẳng, trung cấp là 20, thạc sỹ 11; 30 người có trình độ cao cấp chính trị... Cơ quan chuyên trách luôn có 3 - 4 biên chế và tỉnh hỗ trợ kinh phí bảo đảm cho hoạt động. Ban Chấp hành Hội luôn có 9 người, có Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch. Hội Nhà báo tỉnh quy tụ được sự đóng góp trí tuệ của Câu lạc bộ nhà báo cao tuổi, sự phối hợp của các tổ chức hội nghề nghiệp, của lãnh đạo cơ quan báo chí nên ngoài hoạt động chất lượng còn tích cực giúp tỉnh trong quản lý báo chí và thông tin.
Thứ hai, Tỉnh ủy giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai và giám sát việc thực hiện Chỉ thị 37, do vậy công tác chỉ đạo và thực hiện xuyên suốt từ tỉnh đến huyện, thành phố...
Thứ ba, với hướng dẫn 04, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã phân định rất cụ thể đối với các cấp, các ngành quan tâm hoạt động của Hội Nhà báo... Từ việc xây dựng quy chế phối hợp hoạt động đến việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết nền nếp và thiết thực.
Cấp ủy, chính quyền Lạng Sơn khẳng định trong thời gian tiếp theo sẽ chỉ đạo thực hiện tốt hơn Chỉ thị 37 của Ban Bí thư, góp phần để báo chí phục vụ nhiều hơn cho xứ Lạng giàu mạnh - Ảnh: TTXVN
Thứ tư, do nhận được sự quan tâm, các nhiệm vụ như nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; rèn luyện đạo đức nghề nghiệp; bảo vệ quyền lợi... cho hội viên đều được thực hiện đầy đủ và chất lượng...
Trong những ngày này Hội Nhà báo tỉnh Lạng Sơn đang tích cực chuẩn bị và tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư. Những nhận định được lãnh đạo tỉnh và Hội Nhà báo đồng thuận đánh giá là: Nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Hội Nhà báo đã được nâng lên; từ đó, việc quản lý báo chí trên địa bàn, việc xây dựng các chế độ chính sách đối với báo chí được thực hiện tốt hợn.
Hội Nhà báo tỉnh Lạng Sơn từ đó cũng đã có những chuyển biến rõ nét trong củng cố tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động ngày càng đổi mới, thu hút sự tham gia tích cực của hội viên. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm điểm còn thấy bất cập cần khắc phục. Cấp ủy, chính quyền Lạng Sơn khẳng định trong thời gian tiếp theo sẽ chỉ đạo thực hiện tốt hơn Chỉ thị quan trọng này, góp phần để báo chí phục vụ nhiều hơn cho xứ Lạng giàu mạnh./.
Theo: Hữu Minh/ Báo Nhà báo và Công luận