Tại kế hoạch số 175-KH/TU hành động thực hiện kết luận số 54-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa đưa ra những yêu cầu thực hiện mang tính căn cốt với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế ở khu vực này nhằm phát triển nhanh nền nông nghiệp chất lượng, hiêu quả, từ đó phục vụ tốt nhất đời sống nông dân.
Trong đó, việc tích tụ, chuyển đổi, tập trung đất đai để phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao được đặt lên hàng đầu. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cây có hiệu quả thấp sang những cây trồng có hiệu quả cao hơn. Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang đất công nghiệp và dịch vụ nông thôn phải được thực hiện theo nguyên tắc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất công khai, minh bạch. Chỉ đạo thực hiện khi khu đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng sạch, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân, của Nhà nước và nhà đầu tư, không để xảy ra khiếu kiện.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai; cân nhắc kỹ, thận trọng, đảm bảo hiệu quả cả về kinh tế, xã hội, môi trường, phát triển bền vững, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng khi thực hiện chuyển đổi một phần đất quy hoạch rừng phòng hộ sang làm đất rừng sản xuất, đất rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp.
Trong quá trình thực hiện phải thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và Quốc hội về quản lý, sư dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh.
Đặc biệt, phải tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý kiên quyết, triệt để các vi phạm pháp luật về đất đai; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, bức xúc của người dân về đất đai…
Đất đai là gốc của nông nghiệp, tài sản lớn nhất của nông dân. Để tư liệu sản xuất này phát huy tối đa giá trị là điều mong muốn, nhưng trong thực tế nhiều nơi lại thường gặp lúng túng trong quá trình tích tụ, chuyển đổi. Cách làm có tính “đón đầu” ở một số nơi lại ít nhiều thể hiện sự nóng vội, gây bất bình trong nhân dân.
Minh bạch trong quá trình chuyển đổi đất đai nhằm thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn, nông dân phát triển là tất yếu. Nhưng phải lưu ý rằng đất đai là lĩnh vực nhạy cảm, gắn với nhiều lợi ích, dễ tạo ra xung đột. Vì thế thực hiện chuyển đổi phải minh bạch về chủ trương, rõ đường hướng, cách làm, mới có thể phát huy tốt nhất giá trị của đất cũng như làm yên lòng nông dân, thúc đẩy khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn thực sự phát triển.
Tuệ Vũ