Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Thay đổi nhận thức để xóa bỏ sự mất cân đối (17/12/2019-10:34)
    (NLBTH) - Căn bệnh chạy theo điểm số ở các khối thi dẫn đến việc học lệch tiếp tục trở nên lo lắng khi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 đã đến rất gần.
Ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Cùng với đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021 ở Thanh Hóa dự kiến cũng sẽ có thêm một môn thi phụ ngẫu nhiên ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Tiếng Anh. Môn thi sẽ được thực hiện qua bốc thăm trước kỳ thi.

Nếu không thay đổi cách dạy và học, nhiều học sinh sẽ mất đi cơ hội vào trường đại học và THPT ngay trong năm học đầu. Đây là điều hoàn toàn có cơ sở.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVII, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa Phạm Thị Hằng đưa ra những minh chứng cho tình trạng học lệch này. Nổi lên là tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 một học sinh ở Trường THPT Quảng Xương 1 dù có điểm số 3 môn học ở khối A đạt thủ khoa toàn quốc nhưng lại có môn thi để công nhận tốt nghiệp chỉ 1,4 điểm, chút nữa là trượt tốt nghiệp. Năm 2018 một thí sinh khác ở Thanh Hóa dù giành tới 27 điểm cho 3 môn học ở khối xét tuyển đại học, nhưng em đã không thực hiện được ước mơ vì có môn thi để công nhận tốt nghiệp dưới 1 điểm, là điểm số liệt.

Đây là tình trạng đáng lo lắng, xảy ra ở không ít trường học khi nhà trường, học sinh và phụ huynh có suy nghĩ chạy theo điểm số nhằm lấy thành tích cao ở các kỳ thi, mà ít chú trọng đến giáo dục đại trà. Đặc biệt các môn học trang bị kiến thức, kỹ năng cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực như Tiếng Anh càng ít được học sinh chú ý.

Học vừa đủ để đậu tốt nghiệp, còn lại tập trung cho các môn học theo khối thi đang là tư tưởng chủ đạo ở nhiều học sinh. Nhiều gia đình cũng có suy nghĩ đầu tư tối đa cho con em học để vào được trường đại học mong ước. Một đích đến có phần ngắn hạn nhưng lại được tập trung bằng mọi giá, vô tình làm thui chột đi tương lai của học sinh. Chúng sẽ trở nên lúng túng khi sau này phải làm việc trong môi trường cần đến những kỹ năng xã hội và giao tiếp bằng Tiếng Anh.

Thành tích ở những kỳ thi Quốc gia, quốc tế được giao cho các trường chuyên, học sinh được tạo điều kiện để học vào các môn chuyên. Các trường học còn lại đều phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các môn học theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hệ lụy từ việc học lệch dù nhiều người nhìn thấy, nhưng không phải ai cũng ứng xử phù hợp. Tình trạng này dự báo còn có xu hướng nghiêm trọng hơn.

Để giải bài toán mất cân đối này phải tổ chức thực hiện giáo dục đại trà một cách nghiêm túc, cơ quan quản lý giáo dục giao chỉ tiêu về chất lượng cho các đơn vị. Đồng thời tăng cường nhận thức về giáo dục toàn diện cho phụ huynh, học sinh và giáo viên. Chỉ khi nào nhận thức thay đổi mới chuyển hóa thành hành động.

Tuệ Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Để vơi bớt tâm tư (16/12/2019-22:48)
  • Kiên quyết với tham nhũng (14/12/2019-20:36)
  • Trọng thái độ làm việc (11/12/2019-15:16)
  • Để nỗi lo không còn ảm ảnh (10/12/2019-9:10)
  • Lựa chọn cảm tính (07/12/2019-7:43)
  • Thiện tâm trên phố (05/12/2019-6:33)
  • Thay đổi cách thức, đón nhận sự hài lòng (03/12/2019-14:53)
  • Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định (01/12/2019-17:49)
  • Không mặc định về giới (27/11/2019-18:02)
  • Xây dựng môi trường đầu tư du lịch an toàn, hiệu quả (26/11/2019-22:23)