Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Câu chuyện lời hứa (30/12/2019-16:34)
    (NLBTH) - Cuối năm là dịp cao điểm cả nước chung tay ủng hộ vì người nghèo, cũng là thời điểm nhiều ngành, địa phương tổng kết phong trào, vinh danh thành tích.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Mỗi dịp như thế bên cạnh những hình ảnh đẹp, tấm lòng thơm thảo, chúng ta lại không khỏi nhoi nhói nỗi niềm bởi sự ứng xử chưa văn hóa liên quan đến phát ngôn tiền thưởng, tiền ủng hộ cũng như sự “biến mất” của những lời hứa sau đó.

Mới đây cộng đồng mạng đã bày tỏ sự đồng tình và thi nhau chia sẻ status của một phóng viên kêu gọi đồng nghiệp thận trọng khi đưa tin liên quan đến các tổ chức, cá nhân hứa tiền thưởng mà chưa được cơ quan chức năng xác nhận.

Theo phóng viên này, thông tin thưởng cho các vận động viên bóng đá chỉ trở thành chính thức khi đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Còn việc thưởng cho học sinh đoạt thành tích cao phải thông qua phát ngôn của Hội khuyến học hoặc do các em và nhà trường xác nhận, chứ không nên chỉ nghe nói rồi đưa tin vô tình tiếp tay cho những mục đích không trong sáng.

Những vận động viên và học sinh đoạt thành tích cao xứng đáng có những phần thưởng từ các nguồn lực bên ngoài ngân sách Nhà nước. Nhưng không phải vin vào điều đó mà trong men say chiến thắng hay bởi sự thiếu kiểm soát, thậm chí là tính toán, mà ai đó lại dễ dãi đưa ra những con số tiền thưởng, rồi khi bình tĩnh lại dễ dãi nuốt lời. Đằng sau con số vật chất là niềm tin, phẩm cách dành cho cả người thưởng và người được nhận thưởng. Hãy để niềm tin ấy được nuôi dưỡng, trở thành động lực để thổi bùng lên khát vọng, ước mơ lớn hơn.

Đồng tiền, lời hứa và nhân cách con người lúc nào cũng thế, luôn có sự liên hệ đến nhau, và không phải ai cũng ứng xử được một cách văn hóa để nâng tầm giá trị của đồng tiền. Câu chuyện tiền “hơi” thời gian qua không chỉ gắn với lời hứa thưởng, mà cũng đang trở nên rất tâm tư với người nghèo.

Thông qua cuộc vận động ủng hộ vì người nghèo, một bộ phận người giầu có lại đang có tư tưởng bám vào để trục lợi nhằm đánh bóng tên tuổi. Họ hứa ủng hộ hoặc tham gia đấu giá hiện vật gây quỹ ủng hộ người nghèo để tạo sự chú ý của dư luận, nhưng sau đó lại nuốt lời hoặc tìm cách trì hoãn, thay đổi mức tiền đã hứa.

Người nghèo là đối tượng yếu thế trong xã hội và rất dễ bị tổn thương khi ứng xử với họ không phù hợp. Người nghèo cần vật chất, nhưng hơn thế họ mong chờ những tấm lòng biết sẻ chia, đồng cảm với hoàn cảnh của mình.

Vậy nên hãy trao cho người nghèo cơ hội và sự động viên để họ vươn lên, hơn là quá chăm chú vào lợi ích của mình mà làm tổn thương thêm cho họ.

Gắn liền với cách ủng hộ và hứa thưởng chính là phẩm giá con người. Điều này cần được nhận thức đầy đủ hơn, để việc trao và nhận ngày càng thể hiện được sự nhân văn, phát huy hết giá trị của đồng tiền.

An Nhiên

 

Các tin khác:
  • Thực hiện nghiêm chỉ đạo, để tạo chuyển biến thật sự (27/12/2019-21:24)
  • Cần kiên trì và bài bản (25/12/2019-9:42)
  • Thúc bách hành động (23/12/2019-20:19)
  • Khi trao quyền tự chủ (21/12/2019-16:04)
  • Thay đổi nhận thức để xóa bỏ sự mất cân đối (17/12/2019-10:34)
  • Để vơi bớt tâm tư (16/12/2019-22:48)
  • Kiên quyết với tham nhũng (14/12/2019-20:36)
  • Trọng thái độ làm việc (11/12/2019-15:16)
  • Để nỗi lo không còn ảm ảnh (10/12/2019-9:10)
  • Lựa chọn cảm tính (07/12/2019-7:43)