Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ VOV
Tôi muốn có cái nhìn thực tế về cơn sốt đất ở làng mình tới mức nào, nên ra tận nơi để xem. Đó là một công trường ngổn ngang, cánh đồng làng một thưở của tuổi thơ tôi giờ ồn ào máy móc, chuẩn bị cho một chu trình phân lô bán đất nền.
Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ rằng đất làng mình lại có ngày đắt giá đến thế dù biết người đẻ, chứ đất thì không đẻ. Rồi tôi nhẩm tính, cứ cho là dân số cơ học của làng trong khoảng 30 năm qua tăng gấp rưỡi, thì nhu cầu đất ở của làng cùng lắm cũng chỉ gấp đôi, chứ không thể đến mức như thế được. Nhiều cành đồng của làng đã được xã xin chuyển đổi mục đích sử dụng, trong đó có ba khu đất đã bán hết.
Anh họ như hiểu được suy nghĩ ấy nên bảo rằng chú chả hiểu biết gì cả. Người đâu mà lắm thế, cốt là đất để dành thôi.
Hóa ra là vậy. Anh họ tôi có hai đứa con thì một đang lao động ở Hàn Quốc, một ở Nhật Bản. Cứ như anh nói thì mỗi lần các cháu gửi tiền về cũng góp được ngót trăm triệu đồng. Tiền chả biết làm gì cả, giữ trong nhà thì lo trộm cướp, gửi ngân hàng thì lãi suất thấp, đành đầu tư vào đất cho ăn chắc.
Ở làng tôi nghe nói có tới hơn hai chục thanh niên đang lao động xuất khẩu ở nước ngoài, và gần như tất cả gia đình các cháu đều chọn cách đầu cơ vào đất.
Trong câu chuyện với Chủ tịch UBND xã mới biết đất làng bây giờ đâu chỉ có người làng mua. Có rất nhiều người ở xã lân cận, thậm chí xa hơn cũng đến mua. Phần lớn là những gia đình có hoàn cảnh giống anh họ tôi.
Đầu tư vào đất là cách không tồi, nhưng cũng dễ tạo ra cơn sốt đất ảo. Sẽ ra sao nếu như lúc nào đó không còn người mua nữa mà chỉ còn người có nhu cầu bán khi con em họ hoàn thành lao động trở về nước?
Tôi không dám nói ra điều đó vì sợ anh mình cụt hứng, nhưng rõ ràng đất làng tôi không thể có giá lên tới vài trăm triệu đồng một lô như thế được.
Đằng sau cơn khoái chí của những người mua được thêm những lô đất làng, là chất chứa nỗi lo. Nỗi lo về nguy cơ của một “cơn bong bóng” đất làng. Hơn thế nó còn phản ánh một thực trạng đầy bế tắc về hướng phát triển kinh tế địa phương.
Ở rất nhiều nơi nông dân phải tìm đủ cách để vay vốn đầu tư vào các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi lớn. Nhưng ở không ít làng quê người ta chỉ nghĩ đến con đường duy nhất là xuất khẩu lao động. Hết thời hạn lao động họ trốn ra ngoài cư trú bất hợp pháp để lao động chui. Tiền gửi về người thân chẳng biết cách để tiền tiếp tục “đẻ” ra tiền, mà chỉ có một niềm tin duy nhất là mua đất xong lại tiếp tục chờ con gửi tiền về.
Một cơn sốt đất làng đem đến cho chúng ta nỗi lo nhiều hơn.
An Nhiên