Thứ sáu, ngày 15/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
"Rất nhiều tin giả, tin suy diễn về doanh nghiệp là tin có chủ đích" (20/01/2020-15:00)
    Ở một góc độ nào đó, tin giả còn nguy hiểm hơn cả nạn hàng giả. Vì hàng giả thì gây thiệt hại cho từng người và khó gây hại hơn khi người ta phải mất tiền mua nó; còn tin giả có thể gây “thương tích hàng loạt” một cách rất nhanh và rộng vì nó được lan truyền trên mạng và... miễn phí!
Nhà báo Phạm Nguyễn Toan – Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất
động sản Việt Nam (Reatimes.vn).

Tin giả và câu chuyện triệt hạ thương hiệu quốc gia, “đánh” các doanh nghiệp có chủ đích từ sự chắp cánh của mạng xã hội, sự góp sức của truyền thông bẩn, từ KOLs (tạm gọi là người định hướng dư luận đám đông) “mũ đen”... được nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) đánh giá, phân tích thẳng thắn trong cuộc trò chuyện với báo Nhà báo & Công luậnDoanh nghiệp là một trong những “nạn nhân” chịu tác động lớn nhất

+ Thưa ông, quá nhiều tin tức giả (fake news) về hoạt động của doanh nghiệp, hoặc liên quan doanh nghiệp đang tràn lan trên mạng xã hội. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

- Chuyện quả đúng là như thế. Vài tuần trước gia đình tôi có về thăm bố tôi, ông bảo, “chúng mày đừng cho trẻ con uống sữa Vinamilk nữa, toàn sữa Tàu”. Tôi hỏi “Ai bảo bố thế” thì ông nói là “báo mạng viết đầy”. Tôi có giải thích với ông rằng đó là tin giả, tin suy diễn nhưng ông vẫn nhất quyết tin vào “báo mạng” chứ không tin vào ông con “làm báo nhà nước” của mình. Tôi hiểu rằng, có hàng triệu người trên nước mình đang tin vào tin giả như cách mà bố tôi đang tin bởi ông là một cán bộ về hưu, có học thức cao mà còn tin như thế.

Cũng dễ hiểu thôi, bởi tin giả luôn “dễ tin hơn tin thật”, bởi nó luôn là những thứ nóng, hấp dẫn, phần đa mang tính tiêu cực (thứ mà con người luôn có tâm lý tìm kiếm, tiếp nhận), nó là thứ vũ khí đánh thẳng vào cảm xúc mỗi người và lại được mạng xã hội “chắp cánh”. 

Trở lại với câu hỏi của bạn, thực sự, vấn nạn tin giả hiện nay đang là mối nguy cơ toàn cầu. Ở một góc độ nào đó, theo tôi nó còn nguy hiểm hơn cả nạn hàng giả. Vì hàng giả thì gây thiệt hại cho từng người và khó gây hại hơn khi người ta phải mất tiền mua nó; còn tin giả có thể gây “thương tích hàng loạt” một cách rất nhanh và rộng vì nó được lan truyền trên mạng và... miễn phí!

Tin giả tác động và có ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, theo tôi, doanh nghiệp chính là một trong những “nạn nhân” chịu tác động lớn nhất. Không biết đã có thống kê nào chưa, nhưng có lẽ, hiện nay, mỗi năm các doanh nghiệp trên thế giới đang phải chịu thiệt hại hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD về vấn nạn tin giả. Đơn cử như vụ Vinamilk vừa qua thôi, từ khi xuất hiện tin doanh nghiệp này nhập “sữa Tàu” về làm sữa học đường thì cổ phiếu của họ đã giảm hàng chục nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể sự giảm sút về uy tín thương hiệu.

+ Tình trạng giả mạo tin tức còn được đẩy lên đến mức cao hơn khi người tạo, đưa tin giả lập cả fanpage giả mạo doanh nghiệp. Thậm chí còn có cả sự dẫn dắt của KOLs (tạm gọi là người định hướng dư luận đám đông)?

- Có thể nói, rất nhiều các tin giả, tin suy diễn về doanh nghiệp là những tin có chủ đích, xuất phát từ các mâu thuẫn nảy sinh trong hoạt động hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Khi đã là tin giả có chủ đích, được lên kế hoạch nội dung và lan tỏa bài bản, nhất là lại được các KOLs dẫn dắt thì hậu quả sẽ rất khôn lường nếu doanh nghiệp không chủ động và không có kinh nghiệm ứng phó. Hằng ngày chúng ta có thể bắt gặp trên mạng xã hội hàng nghìn thông tin nói xấu doanh nghiệp với nhiều hình thức khác nhau; thậm chí có cả Fanpage lập ra chỉ để “đánh” vào một doanh nghiệp/thương hiệu nhất định. Họ lợi dụng “tâm lý đám đông” để kích động, gây nhiễu loạn thông tin; nói xấu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh trên thương trường. Ở đây, chúng ta ít thấy sự góp ý, phê bình có thiện chí.

Khi “người ta” chủ động cấp tin giả thì cũng “khó đỡ” lắm

+ Câu chuyện của Vinamilk, có không ít KOLs trên mạng xã hội làm tin ngụy tạo, bịa đặt, dẫn dắt cách hiểu sai lạc cho nhiều người tiêu dùng. Những kiểu tin giả triệt hạ thương hiệu quốc gia như thế cho thấy tin giả mà ảnh hưởng thật. Trong câu chuyện này, vai trò của người làm báo, đặc biệt là nhà báo viết về kinh tế như thế nào thưa ông?

- Tiện bạn nhắc về KOLs nên tôi xin chia sẻ một chút số liệu tập hợp được, thế này: Hiện có khoảng 86% các nhà tiếp thị đang thực hành tiếp thị KOLs dưới nhiều hình thức; 48% nhà tiếp thị có kế hoạch tăng ngân sách tiếp thị qua KOLs; có 92% người tiêu dùng tin tưởng các đề xuất từ ​​bạn bè, gia đình và KOLs và hiện có 74% người tiêu dùng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để đưa ra quyết định mua hàng...

Kể thế để thấy vai trò quan trọng của KOLs trong chiến lược truyền thông tiếp thị của doanh nghiệp. Và kể thế cũng để thấy, nếu xuất hiện KOLs “mũ đen” thì tình trạng sẽ nguy hiểm cho doanh nghiệp đến nhường nào. Bên cạnh những mặt tích cực, trong thực tế truyền thông hiện nay, đã xuất hiện hiện tượng các KOLs liên minh với nhau và “nhận đặt hàng” từ cá nhân, tổ chức/doanh nghiệp này để triệt hạ thương hiệu, doanh nghiệp khác (về mặt truyền thông), bất chấp dẫm đạp lên sự thật. Mọi người hay đùa là muốn làm việc nhàn nhã mà kiếm nhiều tiền thì chỉ cần ngồi ở nhà với một chiếc máy tính cộng thêm chút năng khiếu bịa chuyện sao cho hấp dẫn. Họ khơi gợi những cảm xúc tiêu cực, lạm dụng chữ nghĩa và quyền lực bàn phím để tìm cách điều hướng dư luận; tấn công doanh nghiệp nhằm trục lợi... Cũng xin chia sẻ là không chỉ Vinamilk như bạn nhắc tới đâu, rất nhiều những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam hiện nay đang phải chịu “búa rìu”, chịu thiệt hại nặng nề từ tin giả, từ truyền thông bẩn, từ KOLs “mũ đen”.

Còn về phía những người làm báo, trách nhiệm của chúng ta nhiều lắm: Phải đấu tranh với tin giả; phải tăng độ hấp dẫn và lan tỏa của tin thật; phải đồng hành cùng doanh nghiệp trong vấn đề bạch hóa thông tin và đặc biệt là đừng... làm giả tin! (cười). Chúng ta đang bàn về tác hại của tin giả với doanh nghiệp, nên tôi cũng muốn nói thật, các doanh nghiệp hiện nay đang rất lúng túng về việc đối phó với tin giả. Trong thế giới siêu phẳng về thông tin như hiện nay, chúng ta buộc phải luyện cho mình tác phong phản ứng cực nhanh và thái độ minh bạch. Thường thì tin giả, tin suy diễn về doanh nghiệp đều xuất phát từ những vụ việc, vấn đề cụ thể và cũng thường... có thật (về hiện tượng) nhưng không được doanh nghiệp minh bạch hóa nên đã tạo cơ hội để “thiên hạ” bé xé ra to, thậm chí bôi đen, hạ nhục. Doanh nghiệp thường hay kêu ca khi đã bị bôi xấu nhưng nói thật sẽ chẳng ai có thể “cứu” các bạn khi các bạn thích che giấu, thỏa hiệp hơn là chủ động lên tiếng để cứu mình!

+ Tôi e ngại rằng, có thể tin giả lại phát tán từ chính những người làm báo. Chẳng hạn lĩnh vực kinh tế, nếu những kiến thức về thị trường kém, những bài viết chưa kiểm chứng, những câu chuyện chỉ một nửa sự thật... Phải chăng, trước khi lên tiếng phản đối tin giả, người làm báo hãy “làm sạch” chính mình, ông nghĩ sao về điều này?

- Có mấy khía cạnh, một là ở phía các cơ quan báo chí, tôi nghĩ không tòa soạn nào lại chủ động và “cả gan” tung ra tin giả cả. Có chăng là bị “đánh bẫy” để cung cấp tới độc giả thông tin “không chính xác” thôi. Nhưng thế đã là đủ “chết” rồi. Chính chúng tôi cũng bị vài lần. May là hậu quả không nặng lắm. Khi “người ta” đã chủ động để cấp tin giả cho mình thì cũng “khó đỡ” lắm; toàn tin hấp dẫn và “đầy đủ hồ sơ”; giống như một cô gái định “cưa” một chàng trai ấy, khó thoát (cười).

Vì chuyện này mà tại sao bên cạnh khái niệm “tin giả” mà bạn hỏi, tôi hay dùng thêm khái niệm “tin suy diễn”. Nhà báo mình, cảm xúc, cảm tính quá sẽ dễ suy diễn; thiếu kiến thức chuyên sâu là cũng dễ suy diễn; vội vàng, áp lực chạy theo trend, theo tâm lý đám đông cũng dễ suy diễn; đặc biệt là nếu nhận “đặt hàng” thì suy diễn là... “phương cách an toàn nhất” nên càng suy diễn. Hậu quả của tin suy diễn nặng nề, nguy hiểm không kém gì tin giả. Và tin suy diễn xuất hiện trên báo chí nhiều hơn rất nhiều lần tin giả.

Chúng ta đều biết, có rất nhiều anh em nhà báo nhà mình cũng đồng thời là những KOLs trên mạng xã hội. Tôi nghĩ đây là đội ngũ rất quan trọng để điều chỉnh thông tin, đấu tranh với tin giả. Và cuối cùng, tôi nghĩ, đấu tranh với tin giả là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó, nhà báo giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Quan trọng vì chúng ta là những người giữ vai trò chủ đạo, chủ động để sản xuất ra... tin thật, phản bác lại tin giả và đôi khi là đấu tranh với chính “đồng nghiệp” của mình.

+ Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo: Vân Nguyễn/ Báo Nhà báo và Công luận

 

 

Các tin khác:
  • Toàn cảnh Lễ trao giải Búa liềm Vàng 2019 (16/01/2020-14:54)
  • Trao quyết định của Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc VOV (16/01/2020-13:46)
  • Báo chí có vai trò to lớn trong thành công chung của công tác đối ngoại (15/01/2020-17:07)
  • Đồng chí Tống Văn Thanh được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (15/01/2020-17:02)
  • Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (14/01/2020-22:05)
  • Giải Búa liềm Vàng - Hiến kế tháo gỡ nút thắt trong xây dựng Đảng (13/01/2020-22:17)
  • Dẹp loạn Trang thông tin điện tử tổng hợp: Ứng xử của báo chí Không thể chần chừ! (13/01/2020-3:01)
  • Các cơ quan báo chí luôn đồng hành cùng hoạt động của Quốc hội (10/01/2020-9:12)
  • Dân vận trên không gian mạng (09/01/2020-15:10)
  • Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa": Nghiêm túc thượng tôn pháp luật (09/01/2020-14:07)