Lam Kinh những ngày đầu năm mới.
Thành Nhà Hồ, cả những phần kiến trúc đã phát lộ, lẫn những di sản còn nằm sâu dưới lòng đất, vẫn luôn là một ẩn số lớn đối với giới nghiên cứu và những người say mê vốn cổ. Nằm ở trung tâm thế đất “Thạch bàn – Long xà” (thế đất như bàn đá, có rồng chầu rắn cuộn), sự ra đời của Thành Nhà Hồ là biểu trưng cho khát vọng về sự bền vững lâu dài của vương triều nó đại diện. Đặc biệt, qua nghiên cứu, so sánh các mặt lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, người ta đã tìm thấy sự tương đồng nhiều mặt giữa Tây Đô và Đông Đô (Thăng Long), giữa Thành Nhà Hồ và Kinh thành Huế. Điều đó góp phần khẳng định, sự ra đời của Thành Nhà Hồ nằm trong “mạch” văn hóa truyền thống và chính thống. Đồng thời, di sản còn “biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền tập trung ở cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV”.
Sau khi ghi danh vào kho tàng di sản văn hóa thế giới, Thành Nhà Hồ đã nhận được nhiều sự quan tâm của trung ương, của tỉnh trong việc nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá và khai thác các giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt, để thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho du khách khi đến tham quan di sản những ngày đầu xuân năm mới Canh Tý, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã miễn phí tham quan từ 26 tháng chạp đến hết ngày mùng 1 tết. Đồng thời, chú trọng chỉnh trang cảnh quan môi trường, bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, niêm yết giá cả. Cùng với đó, tại Cổng Nam di sản trong những ngày tết, đơn vị cũng tổ chức trưng bày tranh ảnh, hiện vật với chủ đề “Kinh thành Tây Đô – lịch sử và văn hóa”; tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống vùng di sản. Ngoài ra, phối hợp với các xã lân cận tổ chức lễ hội Chùa Thông, lễ hội làng Đông Môn... Nhờ nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi gắn với di sản, mà từ Tết Nguyên đán đến nay, đã có khoảng 10.000 lượt khách đến tham quan.
Về miền di sản những ngày xuân, sẽ thật không phải với mình nếu du khách không ngược lên Lam Kinh. Thả mình vào không gian xanh của nền trời, cỏ cây và nước biếc; hay men theo từng lối nhỏ để thăm thú các khối kiến trúc duyên dáng, hoài cổ và đậm sắc màu văn hóa truyền thống, là cái thú không thể bỏ qua khi du khách về với di sản này. Lam Kinh, dù nhìn trên tổng thể hài hòa cả tự nhiên lẫn kiến trúc, hay nhìn từng phiến đá, thớ gỗ cũng đều cho ta biết thế nào là cầu kỳ, tinh tế và hoa mĩ. Đồng thời, nó kể cho ta nhiều câu chuyện về quá khứ lịch sử, về chiều sâu văn hóa, về những ẩn ức tâm linh và những xúc cảm tự hào, ngưỡng vọng.
Vẻ đẹp, giá trị và tầm quan trọng của di sản trong đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa - tinh thần - tâm linh đã được khẳng định qua thời gian, với vô số thăng trầm. Để rồi, ngót 6 thế kỷ tồn tại, Lam Kinh đã trở thành một cội nguồn tiên tổ, để con dân đất Việt hướng về chiêm bái. Để di sản “sống” với đời sống, Lam Kinh đã được đầu tư nguồn kinh phí lớn cho công tác trùng tu, tôn tạo; xây dựng hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất kỹ thuật; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, phát hành các công trình nghiên cứu, các ấn phẩm liên quan đến di tích... Nhờ đó, Lam Kinh ngày càng thu hút du khách. Chỉ tính riêng từ mùng 2 Tết Nguyên đán đến nay, Lam Kinh đã đón gần 40.000 lượt khách đến tham quan.
Với mật độ dày đặc các di tích (1.535 di tích) và được phân bố ở khắp các vùng miền trong tỉnh, có thể nói, Thanh Hóa đang sở hữu một kho tàng văn hóa vật thể tương đối đồ sộ và giàu giá trị. Để gìn giữ và từng bước phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc biệt này phục vụ cho phát triển, những năm qua tỉnh ta luôn chú trọng đến công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích, di sản. Đồng thời, chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh như một trong những sản phẩm thế mạnh. Trong đó phải kể đến sản phẩm tham quan, nghiên cứu lịch sử, văn hóa tại Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, quần thể di tích văn hóa Hàm Rồng, đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn...; sản phẩm du lịch lễ hội tín ngưỡng tâm linh gắn với các di tích nổi tiếng Lam Kinh, Am Tiên, Phủ Na, đền Cửa Đặt, đền Sòng, đền Bà Triệu...
Bước đầu, việc xây dựng sản phẩm du lịch di sản đã góp phần tạo dựng thương hiệu và sức hấp dẫn cho du lịch Thanh Hóa. Theo đó, lượt khách đến các điểm du lịch văn hóa, tâm linh chiếm khoảng 20% tổng lượt khách và chủ yếu tập trung ở các thời điểm lễ hội, Tết Nguyên đán. Cùng với việc quan tâm đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích; thời gian qua tỉnh ta đã tiến hành công nhận cho 50 khu, điểm du lịch (trong đó có nhiều khu, điểm là các di tích lịch sử - văn hóa) là khu du lịch cấp tỉnh và điểm du lịch. Việc công nhận các di tích, danh thắng là khu, điểm du lịch sẽ tạo cơ sở để tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư, nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu của khách du lịch. Đồng thời, nâng cao chất lượng quản lý, khai thác và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến; từng bước tạo sự kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia, cũng như đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Theo: Khôi Nguyên/Báo Thanh Hóa điện tử