Vận dụng những kiến thức, kỹ năng vào tác nghiệp từ những buổi tập
huấn nghiệp vụ là vô cùng quan trọng.
Nhà báo Trịnh Văn Ánh - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang, Tổng Biên tập báo Bắc Giang đã chia sẻ những kinh nghiệm từ chính thực tế bồi dưỡng nghiệp vụ của các hội viên, nhà báo tại địa phương thời gian qua.
Cử phóng viên, biên tập viên đi học tập dưới dạng “biệt phái” dài ngày
Chủ tịch HNB Bắc Giang Trịnh Văn Ánh chia sẻ: Công tác bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ được Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí rất quan tâm. Thể hiện rõ nhất là hằng năm, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội đều có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gửi các cơ quan báo chí; nêu rõ từng nhóm vấn đề, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cụ thể, coi đó như những “đơn đặt hàng” để các cơ quan báo chí, trong đó có báo Bắc Giang chủ động trong việc cử cán bộ, phóng viên tham dự các lớp, khóa học phù hợp. Trên thực tế, chúng tôi thường xuyên cử phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tham gia các lớp do Trung tâm mở và nhiều nội dung, kiến thức lĩnh hội được đều được áp dụng vào thực tế các khâu công việc. Báo Bắc Giang hiện có các ấn phẩm báo hằng ngày, báo thứ Bảy, cuối tháng, báo điện tử tiếng Việt và tiếng Anh; hiện nay cơ quan báo đã bước đầu thực hiện xử lý thông tin theo “Tòa soạn hội tụ”.
Báo Bắc Giang hằng năm đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Việc tổ chức được thực hiện dưới nhiều hình thức như mở lớp tại cơ quan, mời giảng viên là những nhà báo có kinh nghiệm ở các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương như: Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân dân, báo điện tử Vietnamnet, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền về truyền đạt, trao đổi; phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh mở các lớp bồi dưỡng theo chuyên đề; cử phóng viên tham dự các lớp bồi dưỡng ngắn ngày do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam mở; cử phóng viên, biên tập viên đi học tập dưới dạng “biệt phái” dài ngày (ít nhất 1 tháng liên tục) tại một số đơn vị thuộc Thông tấn xã Việt Nam.
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện theo hướng cán bộ, phóng viên yếu khâu gì bồi dưỡng khâu đó hoặc bồi dưỡng sát với nhiệm vụ trọng tâm cơ quan đang triển khai thực hiện. Ví như hai năm gần đây, báo Bắc Giang tập trung xây dựng tòa soạn hội tụ, công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện đi sâu vào xử lý thông tin trong môi trường hội tụ, tác nghiệp báo chí đa phương tiện, như kỹ năng tác nghiệp cho các loại hình báo chí, kỹ năng phát hiện - phát triển nguồn tin, tổ chức nội dung, ảnh báo chí; kỹ năng thực hiện tác phẩm báo chí đa phương tiện, nhiều cửa sổ thông tin; mô hình tổ chức tòa soạn; làm báo bằng các thiết bị di động…
Đặc biệt, đã có sự đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyển từ thông tin một chiều sang tọa đàm, trao đổi, truyền thụ kinh nghiệm, kỹ năng xử lý thông tin, thể hiện tác phẩm. Cùng đó, kết hợp với tổ chức đi cơ sở tác nghiệp hoặc xử lý thông tin tại chỗ để cùng rút kinh nghiệm ngay từ thực tế hoạt động nghiệp vụ. Với cách làm trên, trung bình mỗi năm báo Bắc Giang mở từ 3 đến 4 lớp bồi dưỡng tập trung tại cơ quan; cử hàng chục lượt phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tham dự các lớp do Hội Nhà báo tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Đổi mới cách thức xử lý thông tin cho báo điện tử
Bên cạnh đó, để những người làm báo có thể áp dụng được kiến thức, kỹ năng qua bồi dưỡng, tập huấn vào thực tiễn công việc, báo Bắc Giang có nhiều hình thức. Trước hết là đổi mới mô hình tổ chức tòa soạn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình xuất bản các ẩn phẩm, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để những người làm báo tác nghiệp, thể hiện tác phẩm. Trên tinh thần đó, từ năm 2014 báo Bắc Giang nghiên cứu xây dựng tòa soạn điện tử, năm 2016 xây dựng bước đầu mô hình xử lý thông tin theo “Tòa soạn hội tụ”. Với ấn phẩm báo in, các phòng nghiệp vụ có trách nhiệm tổ chức các trang tuyên truyền theo lĩnh vực được phân công. Qua đó, các cấp phòng và mỗi phóng viên nâng cao được năng lực tổ chức nội dung, chủ động thông tin đầu vào theo hướng đa dạng, hấp dẫn hơn.
Đồng thời, trước sự phát triển của báo chí, truyền thông, mạng xã hội, để đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao của bạn đọc, báo Bắc Giang tập trung đổi mới cách thức xử lý thông tin cho báo điện tử. Nếu như khoảng 3 năm trở về trước, báo Bắc Giang điện tử chủ yếu khai thác thông tin từ báo khác và đưa lại thông tin đã đăng báo in thì nay, tất cả thông tin trong ngày đều được xử lý đăng báo điện tử, sau đó căn cứ vào tính chất, mức độ tổng hợp đưa báo in. Với sự đổi mới này, về cơ bản tác nghiệp của phóng viên là tác nghiệp theo các vấn đề thời sự và kỹ năng xử lý thông tin có sự thay đổi bảo đảm kịp thời hơn, hình thức thể hiện đa dạng hơn, thậm chí một sự kiện có thể đưa nhiều tin và chuyển tải qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm tin, nhóm ảnh, clip, từ đó hiệu quả tuyên truyền nâng lên. Báo Bắc Giang từng bước cơ cấu lại các phòng chuyên môn. Báo đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, đẩy mạnh bồi dưỡng chuyên môn, điều chuyển nhân lực làm báo điện tử về các phòng nghiệp vụ; đồng thời chỉ đạo, khuyến khích phóng viên tác nghiệp theo hướng đa năng, một người có thể đồng thời đảm nhận nhiều khâu công việc từ chụp ảnh, viết tin bài cho đến quay dựng clip.
Chủ tịch HNB Bắc Giang Trịnh Văn Ánh.(Ảnh: Nguyên An)
Tăng yếu tố thiết thực, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng
Có thể thấy, sự đổi mới trong tổ chức tòa soạn cũng như cách thức xử lý thông tin cho các ấn phẩm đã tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ người làm báo vận dụng được những kiến thức, kỹ năng được đào tạo, bồi dưỡng vào thực tế. Điều này cũng làm tăng yếu tố thiết thực, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng, tác động tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền. Hiện, báo Bắc Giang được đánh giá là một trong những tờ báo Đảng địa phương có lượng phát hành báo in, bạn đọc truy cập báo điện tử cao; trong đó các ấn phẩm báo in phát hành từ 8.500 đến 9.000 tờ/kỳ; bạn đọc truy cập báo điện tử có ngày đạt hơn 160.000 lượt.
Từ thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở báo Bắc Giang có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Trước hết là trong bối cảnh công nghệ thông tin, hoạt động báo chí, truyền thông phát triển mạnh mẽ, hằng ngày, thậm chí hằng giờ như hiện nay, lãnh đạo cơ quan báo phải xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức làm báo mới, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ người làm báo là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Trên cơ sở đó chủ động chuẩn bị nguồn lực (cơ sở vật chất, trang thiết bị tác nghiệp, kinh phí đào tạo, giảng viên…) để triển khai thực hiện.
Hai là công tác đào tạo, bồi dưỡng phải có sự đổi mới về nội dung, phương pháp tổ chức sao cho sát với yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển báo chí, sát với thực tế cơ quan báo chí; đồng thời đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi tự thân của số đông người làm báo; những vấn đề số đông người làm báo còn yếu, hoặc đang gặp khó khăn hạn chế.
Thứ ba là tạo ra môi trường nghiệp vụ sôi động. Gắn học với hành, kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan báo chí với tự nghiên cứu, học tập của mỗi cá nhân và rút kinh nghiệm hằng ngày. Thực tế ở báo Bắc Giang cho thấy, qua giao ban hằng ngày, những vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ như đề xuất đề tài thời sự, cách thức đưa tin, tổ chức nội dung cho các ấn phẩm; ảnh và đưa tin hội nghị; làm clip ngắn theo tin… đều được đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể. Qua đánh giá, rút kinh nghiệm thường xuyên chính là biện pháp hữu ích để đội ngũ người làm báo trưởng thành hơn về trình độ, năng lực và vận dụng những kiến thức được đào tạo, bồi dưỡng vào thực tiễn các khâu công việc làm báo.
Theo: Sông Mây/Báo Nhà báo và Công luận