Thứ sáu, ngày 27/12/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Công tác hội
Giữ gìn đạo đức, uy tín của nghề báo, người làm báo (21/04/2020-17:32)
    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người từng căn dặn: “Mỗi bài báo là một tờ hịch cách mạng”, “Người không có đạo đức tốt thì không thể là nhà báo tốt”. Trải qua 95 năm phụng sự nền báo chí cách mạng Việt Nam, 70 năm chúng ta có tổ chức Hội nghề nghiệp về báo chí, lời dạy của Người vẫn giữ nguyên tính thời sự, tính cấp thiết trong thời đại mới.
 Các nhà báo tác nghiệp - (Ảnh minh họa)
 

Báo chí có vai trò và vị trí to lớn trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng đất nước. Vừa là hoạt động chính trị xã hội, vừa là hoạt động sáng tạo - nghề báo là một loại hình nghề nghiệp đặc biệt. Người làm báo với tư cách là chủ thể sáng tạo cần có đạo đức, phẩm chất chính trị và kỹ năng nghề nghiệp. Thế nhưng, trong thời đại 4.0, dưới sức ép của sự phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại, đạo đức báo chí, đạo đức người làm báo lại được nói đến nhiều. Vì sao vậy? Nguyên nhân từ đâu và giải pháp khắc phục như thế nào? Đây là câu hỏi thường trực được đặt ra đối với các cơ quan báo chí nói chung và các phóng viên, nhà báo nói riêng.

Trên thực tế, những năm gần đây, nền báo chí Việt Nam không ngừng phát triển về số lượng, quy mô cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. Hoạt động báo chí cho thấy nhiều ưu điểm khi tạo được hiệu ứng tích cực, thực sự đồng hành với công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới hệ thống chính trị và thực hiện tốt vai trò dẫn dắt định hướng dư luận xã hội. Đội ngũ những người làm báo trong cả nước đã trưởng thành, vững vàng, tự tin làm chủ công nghệ, vận dụng kinh nghiệm trong thực tiễn cuộc sống cũng như nền tảng lý luận để tạo ra những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiều người làm báo thể hiện trách nhiệm, tinh thần dấn thân, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm để có được những tác phẩm báo chí hay, có tính chiến đấu cao và tính nhân văn sâu sắc. Không ít tấm gương nhà báo - hội viên trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, lao động cần cù, sẵn sàng hi sinh, cống hiến vì lợi ích của nhân dân và đất nước.

Tuy nhiên, do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường thời mở cửa, hội nhập nên xuất hiện những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí, diễn ra dưới nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi như lách luật đối phó trước sự quản lý của các cơ quan chức năng nhằm mục đích tống tiền, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật với mục đích không trong sáng. Biểu hiện thương mại hóa là muôn hình muôn vẻ nhưng dễ nhận thấy là những bài báo giật gân, câu khách, chú trọng tới việc miêu tả rùng rợn, ly kỳ, khêu gợi, dung tục, kích thích những thị hiếu thấp kém, tầm thường... Không ít cơ quan báo chí chưa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích; lãng quên việc cần phải tuyên truyền biểu dương những mô hình hay, điển hình tiên tiến hoặc cổ vũ các nhân tố mới. Bên cạnh đó, hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” diễn ra với các báo điện tử đã gây không ít bức xúc đối với bạn đọc và dư luận xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến những hành vi tống tiền, trục lợi vì các động cơ không trong sáng. Không ít người làm báo bị “vấp ngã”, thậm chí rơi vào vòng lao lý.

Các biểu hiện tiêu cực này diễn ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chính xuất phát từ nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đạo đức người làm báo trong điều kiện thu nhập của họ không tăng. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí còn nhiều kẽ hở khiến những vi phạm trong đạo đức nghề báo chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một nguyên nhân nữa phải nhắc tới đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị - văn hóa, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của một bộ phận người làm báo; thiếu kiến thức cơ bản về nghiệp vụ báo chí.

Luật Báo chí và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã được cuộc sống đón nhận. Để góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế này, thực hiện Điều 8 Luật Báo chí 2016; Chương trình hoạt động toàn khóa của Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức triển khai đến tất cả các cấp Hội, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 và góp ý kiến sửa đổi, bổ sung, xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và thực tiễn báo chí cũng như đời sống xã hội hiện nay. Tính từ ngày phát động (15/12/2016) đến nay, gần như toàn bộ hội viên, nhà báo, phóng viên đều được học tập Luật Báo chí và 10 Điều quy định đạo đức người làm báo thông qua tổ chức Hội và cơ quan báo chí. Đặc biệt, chương trình giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo cũng được lồng ghép trong các hội nghị và tập huấn nghiệp vụ.

Có thể khẳng định, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức rất tốt việc quán triệt, học tập Luật Báo chí và 10 Điều quy định đạo đức người làm báo tới toàn thể nhà báo - hội viên và không ít độc giả. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ở Trung ương và các cấp Hội địa phương hoạt động hiệu quả. Trước những đòi hỏi cấp thiết của công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên cũng như để theo dõi ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi của hội viên vi phạm Điều lệ Hội và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam một cách triệt để, ngày 30/3/2017, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký ban hành Quyết định số 533/QĐ-HNBVN thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Có 255/285 tổ chức Hội có Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo. Bên cạnh xử lý vi phạm, Hội đồng còn có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi phóng viên tác nghiệp. Có thể nói, 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo chính là bộ khung để Hội đồng có căn cứ xử lý những vi phạm.

Việc Hội Nhà báo Việt Nam ban hành và triển khai thực hiện 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo và thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp từ Trung ương tới các địa phương đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Số vụ phóng viên - nhà báo khi tác nghiệp vi phạm pháp luật cũng như đạo đức nghề nghiệp đã giảm đáng kể.

Thời gian gần đây, dư luận công chúng, bạn đọc hết sức bức xúc trước hiện tượng các báo điện tử gỡ bài sau khi đăng với mức độ khá phổ biến. Những tin, bài gỡ chủ yếu là loại hình điều tra, có nội dung phản ánh tiêu cực, bức xúc của dư luận xã hội. Để đấu tranh chống lại hiện tượng “sáng đăng - trưa gặp - chiều gỡ” của báo điện tử, Hội Nhà báo Việt Nam đưa phần mềm theo dõi việc gỡ bài trên báo điện tử vào hoạt động. Việc làm này đã tác động đến phóng viên viết bài có trách nhiệm hơn, tòa soạn biên tập, kiểm duyệt chặt chẽ hơn; góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa những hiện tượng tiêu cực, trục lợi trong hoạt động nghiệp vụ báo chí.

Sau khi Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, nhiều nhà báo đã đánh giá cao về những nội dung đã được đưa ra trong Quy định với nhiều điểm mới. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến Điều 5 của Quy định: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Đây là một vấn đề đang được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. Bởi lẽ, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ của mạng xã hội và phổ biến là Facebook, ở diễn đàn tự do của hàng triệu con người này, các thông tin được cập nhật đa chiều giúp chúng ta có cái nhìn khách quan hơn, đa diện hơn. Tuy nhiên, chính mạng xã hội cũng có ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến đời sống báo chí, đặc biệt là những tờ báo gánh vác nhiệm vụ chính trị, định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội. Do bị áp lực về số lượng tin bài, thời gian và chạy đua để tin của mình được xuất bản đầu tiên khiến nhiều phóng viên bỏ qua khâu quan trọng nhất là kiểm chứng độ xác thực của thông tin. Điều đó đã gây hệ lụy không nhỏ tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin của độc giả đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Trước các hạn chế về đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo khi tham gia mạng xã hội và từ yêu cầu trực tiếp, cụ thể đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã và đang xây dựng Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam bao gồm: 03 Chương, 07 Điều quy định một số nguyên tắc, chuẩn mực những việc/điều cần làm và những việc/điều không được làm trong việc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn và bảo vệ đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong 3 năm qua, Ban Kiểm tra - Hội Nhà báo Việt Nam đã nhắc nhở 45 trường hợp và xử lý trên 30 trường hợp sai phạm quy tắc.

Một nền báo chí phát triển lành mạnh, trung thực, có uy tín, luôn nhận được sự tin cậy của bạn đọc là mục tiêu hướng tới của những người làm báo chúng ta. Nếu lãnh đạo các cơ quan chủ quản luôn nêu cao trách nhiệm trong tổ chức, quản lý để bảo đảm cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và chịu trách nhiệm trước sai phạm, thì mỗi người làm báo cũng cần xác định rõ trách nhiệm của mình. Hiệu quả công việc và uy tín của mỗi người làm báo luôn luôn phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa giữa trình độ nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cùng với sự say mê nghề nghiệp. Vì thế, việc tu dưỡng, rèn luyện theo 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam là hết sức quan trọng. Đây là yếu tố cấu thành nên phẩm cách của mọi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, giúp mọi nhà báo - hội viên đủ bản lĩnh, tự tin vượt qua mọi thử thách cám dỗ của đời sống xã hội, giữ vững đạo đức nghề nghiệp và bảo vệ uy tín danh dự của những người làm báo, hoàn thành xuất sắc trọng trách của người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hóa mà Đảng và nhân dân giao phó.

Theo Nhà báo Phan Hữu Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam/Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam

 

 

Các tin khác:
  • Tiếp tục đổi mới, coi trọng đổi mới phương thức hoạt động của hội (20/04/2020-14:07)
  • Hội Nhà báo Chiang Mai (Thái Lan) thăm và làm việc với Hội Nhà báo TP. Hà Nội (09/01/2020-18:28)
  • "Người làm công tác Hội phải là ngọn cờ quy tụ và tập hợp hội viên" (02/01/2020-12:37)
  • Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái tổ chức kỷ niệm 35 năm thành lập (13/12/2019-9:59)
  • Tăng cường trao đổi đoàn các cấp giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Báo chí Thái Lan (03/12/2019-8:49)
  • Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Hàn Quốc tăng cường quan hệ hợp tác (27/11/2019-14:00)
  • Ấm áp một vùng biên ải (22/11/2019-15:35)
  • Bảo tàng báo chí Việt Nam trưng cầu ý kiến từ các chuyên gia bảo tàng (13/11/2019-8:50)
  • Bồi dưỡng kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí dự giải (08/11/2019-10:52)
  • Lạng Sơn: Triển khai hiệu quả, thiết thực sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư (16/10/2019-7:12)