Thứ bảy, ngày 27/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Công tác hội
"Người làm công tác Hội phải là ngọn cờ quy tụ và tập hợp hội viên" (02/01/2020-12:37)
    Khép lại năm 2019 với nhiều hoạt động hiệu quả, năm 2020 sẽ là năm nước rút của nhiệm kỳ 2015 - 2020 Hội Nhà báo Việt Nam, tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam .


Bối cảnh mới, tình hình mới của đất nước, của đời sống báo chí đang đặt ra cho Hội Nhà báo Việt Nam những thách thức mà để làm tròn được sứ mệnh của mình là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với những người làm công tác Hội. Nhìn lại chặng đường 5 năm đã đi và gần cán đích, ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam có nhiều điểm sáng thật sự hữu ích nhưng cũng có những thách thức phải nỗ lực vượt qua.

Năm 2020 sẽ là một năm đầy bận rộn đối với Hội Nhà báo Việt Nam khi mà công tác chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã cận kề. Đây cũng là dịp để Hội Nhà báo Việt Nam nhìn lại việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam đã đề ra. Đến thời điểm này, ông có đánh giá thế nào, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch HNBVN Thuận Hữu: Có thể nói, chặng đường 5 năm không quá dài đối với một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp như Hội Nhà báo Việt Nam. Tôi cho rằng, với những nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ, cho đến thời điểm này, chúng ta đã thực hiện thành công và có hiệu quả Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020. Sự thành công này thể hiện ở các mặt sau:

Thứ nhất, các cấp Hội thực hiện và tuyên truyền hội viên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong 5 năm qua;

Thứ hai, tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí. Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội, các cơ quan báo chí đã quan tâm đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh, nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, nhất là trong việc tiên phong thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí;

Thứ ba, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đã chỉ đạo các cấp Hội, các cơ quan báo chí triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, đặc biệt có văn bản chỉ đạo các cấp Hội quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác giáo dục, bồi dưỡng về nhận thức chính trị - xã hội, đạo đức nghề nghiệp và kiến thức pháp luật cho các hội viên được các cấp Hội quan tâm với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả;

Thứ tư, triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động báo chí thông việc tổ chức tốt Giải Báo chí Quốc gia và các giải chuyên ngành; thực hiện tốt Đề án Hỗ trợ Sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020;

Thứ năm, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng nhằm hướng tới nền báo chí hiện đại,  chuyên nghiệp và nhân văn. Trong 5 năm (2014-2018), bên cạnh nguồn kinh phí Nhà nước cấp, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam đã tìm kiếm các nguồn lực bằng cách phối hợp với các cơ quan báo chí, các Hội Nhà báo địa phương, các tổ chức quốc tế tổ chức được 510 lớp học cho 15.020 lượt học viên của các loại hình báo chí trên cả nước ở ba mảng chính: kỹ năng, chuyên đề báo chí và bồi dưỡng phẩm chất đạo đức của nhà báo;

Thứ sáu, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí của Đảng, Nhà nước cùng tham gia có hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí… công tác kiểm tra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; tham mưu xây dựng cơ chế chính sách để phát triển và quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo;

Thứ bảy, củng cố tổ chức Hội và xây dựng bộ máy làm công tác Hội các cấp;

Thứ tám, tăng cường hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế. Cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng và ngoại giao của Nhà nước, các hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục được triển khai một cách chủ động, tích cực, trong đó có nhiều hoạt động có nội dung chính trị đối ngoại quan trọng và ý nghĩa thiết thực, góp phần triển khai các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác của báo giới và nhân dân cả nước, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam nói chung và giới báo chí Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Những năm gần đây, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoạt động Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, với nhiều sự kiện nổi bật khẳng định được vai trò, vị trí của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu kém, thiếu sót, tồn tại như: Một số tổ chức Hội chưa thể hiện rõ vai trò, vị thế của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, chưa có nhiều hoạt động đặc thù, một số hội viên - nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, báo chí vẫn còn mắc những sai phạm về quy định thông tin. Hoạt động của một số cấp Hội còn mờ nhạt. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ lãnh đạo Hội chưa được quan tâm đúng mức, nên luôn bị thiếu lãnh đạo chuyên nghiệp và tâm huyết với công tác Hội.

+ Có thể nhận thấy: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam đã chủ động đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, củng cố và nâng cao vai trò, vị trí của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới. Đặc biệt là công tác củng cố tổ chức Hội và xây dựng bộ máy làm công tác Hội các cấp dường như được Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm đặc biệt, thưa Chủ tịch?

- Chủ tịch HNBVN Thuận Hữu: Thực hiện Nghị quyết Đại hội X với 11 nhiệm vụ trọng tâm, hoạt động của tổ chức Hội có nhiều chuyển biến tích cực đi vào chiều sâu; vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội ngày càng nâng cao, tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội. Bộ máy tổ chức các cấp Hội được kiện toàn và phát triển, số lượng hội viên tăng nhanh, điều kiện hoạt động được cải thiện.

Đồng chí Võ Văn Thưởng- Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cùng đồng chí Thuận Hữu- Chủ tịch HNBVN thăm gian trưng bày của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Hội báo Toàn quốc 2018.

Đồng chí Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cùng đồng chí Thuận Hữu- Chủ tịch HNBVN thăm gian trưng bày của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Hội báo Toàn quốc 2018.

Hội nghị tổng kết công tác Hội hằng năm được đổi mới về nội dung và hình thức theo chủ đề trọng tâm của từng năm, được các cấp Hội và hội viên đồng tình cao. Cụ thể, năm 2016 lấy chủ đề rà soát, kiện toàn tổ chức Hội và đội ngũ hội viên; năm 2017 triển khai Luật Báo chí và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; năm 2018 là nâng cao vai trò tổ chức Hội trong tham gia chỉ đạo, quản lý báo chí; năm 2019 đặt trọng tâm vào công tác giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ của người làm báo.

Đảng Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành để chỉ đạo các cấp Hội tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TƯ của Ban Bí thư T.Ư Đảng. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, rộng rãi từ T.Ư xuống các địa phương, đơn vị, tiếp tục khẳng định và nâng cao vị trí, vai trò của Hội Nhà báo với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp duy nhất của người làm báo Việt Nam.

Đảng Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã trình xin Ban Bí thư cho phép Hội Nhà báo Việt Nam được giữ nguyên hệ thống tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, hoạt động theo Điều lệ chung thống nhất đã được Chính phủ phê duyệt. Với một số địa phương có kế hoạch sáp nhập tổ chức Hội Nhà báo với các tổ chức Hội khác, Đảng Đoàn đã gửi công văn về Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị dừng lại chờ kết quả cụ thể của Ban Bí thư.

Nhiều hoạt động, công tác trọng tâm chủ yếu đã được triển khai thực hiện tốt, như: Tăng cường công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của hội viên, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của phóng viên - nhà báo và tập hợp, đoàn kết đội ngũ những người làm báo... Qua việc triển khai thực hiện các hoạt động trên, cho thấy các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương đã có bước chuyển biến tích cực với những kết quả rõ nét, các cấp Hội không ngừng đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của Hội Nhà báo trong hệ thống chính trị, góp phần tích cực và hiệu quả vào công cuộc đổi mới đất nước cũng như sự phát triển của báo chí Việt Nam. Đến nay, cả nước có gần 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, 19 Liên Chi hội và 215 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội. Sự gia tăng số lượng hội viên chứng tỏ vị trí, vai trò, chất lượng, hiệu quả của Hội Nhà báo Việt Nam đã được nâng cao một bước, tạo ra sức hấp dẫn, thu hút những người làm báo Việt Nam tham gia sinh hoạt Hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận dù nội dung, phương thức, chất lượng hoạt động của Hội mặc dù có đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, chưa có nhiều hoạt động đặc thù tạo sức thu hút  của hội viên và cộng đồng. Một số tổ chức Hội Nhà báo chưa chủ động, sáng tạo trong hoạt động nên chất lượng và hiệu quả chưa cao, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong thời kỳ mới, chưa theo kịp sự phát triển của báo chí.

+ Sự gia tăng số lượng hội viên chứng tỏ vị trí, vai trò, chất lượng, hiệu quả của Hội Nhà báo Việt Nam đã được nâng cao một bước, tạo ra sức hấp dẫn, thu hút những người làm báo Việt Nam tham gia sinh hoạt Hội. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng hoạt động Hội vẫn chưa có tính đặc thù. Mặc dù Giải Báo chí Quốc gia của Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục là giải thưởng danh giá để vinh danh nhà báo, mặc dù Hội Báo toàn quốc đang từng ngày lan tỏa trong đời sống báo chí Việt Nam, nhưng dường như vẫn chưa theo kịp dòng chảy báo chí ngày càng sôi động và thay đổi mỗi giờ. Phải chăng, chúng ta đang thiếu những người làm công tác Hội thật sự chuyên chú và nhiệt tâm?

- Chủ tịch HNBVN Thuận Hữu: Tôi cho rằng, ở một số địa phương, đơn vị, sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí và tổ chức Hội chưa chặt chẽ. Vai trò lãnh đạo của người đứng đầu tổ chức Hội chưa thật sự phát huy; tính chuyên nghiệp của một số cán bộ chuyên trách Hội chưa cao; ý thức xây dựng Hội của một số hội viên còn hạn chế; công tác nhân sự, quy hoạch cán bộ Hội thiếu chủ động;

Thứ hai là vấn đề kinh phí. Nhiều Hội Nhà báo tỉnh, thành phố bị cắt giảm kinh phí, biên chế, các cơ quan báo chí hầu hết phải tự chủ thu, chi nên hoạt động các cấp Hội gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua.

Thứ ba, việc cấp có thẩm quyền chưa phê chuẩn Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam đã được Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam thông qua cũng gây nhiều khó khăn, trở ngại cho hoạt động của các cấp Hội.

Chủ tịch HNBVN Thuận Hữu cùng các đại biểu tại Lễ Khánh thành Bia di tích lịch sử Quốc gia Lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Chủ tịch HNBVN Thuận Hữu cùng các đại biểu tại Lễ Khánh thành Bia di tích lịch sử Quốc gia Lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

+ Bác Hồ đã từng nói “Việc đầu tiên là con người”. Phải thừa nhận, Ban Chấp hành khóa X (2015-2020) của Hội Nhà báo Việt Nam cùng đội ngũ hạt nhân các cấp Hội trong cả nước đã làm được nhiều việc thiết thực, hữu ích và hiệu quả, để lại ấn tượng khó quên, tạo nền tảng, tiền đề quan trọng để  bước vào nhiệm kỳ mới yêu cầu cao, tầm nhìn xa, rộng, phát triển bền vững. Điều mục về công tác nhân sự, Văn bản số 177/HD-HNBVN với nội dung hướng dẫn tổ chức Đại hội các cấp hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng nhấn mạnh “Nhân sự các cấp Hội phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, kinh nghiệm trong hoạt động báo chí và hoạt động Hội, đặc biệt là năng động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm”. Nhưng làm thế nào để có được đội ngũ làm công tác Hội năng động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm thực sự thì không phải là dễ. Về vấn đề khó khăn và đầy nhạy cảm này, chắc hẳn ông có nhiều trăn trở, thưa Chủ tịch?

- Chủ tịch HNBVN Thuận Hữu: Thời điểm này, Đại hội Hội Nhà báo các cấp đang diễn ra ở hầu hết các địa phương. Việc lựa chọn nhân sự làm công tác Hội cũng đã được quy định và hướng dẫn cụ thể trong Văn bản số 177/HD-HNBVN với nội dung hướng dẫn tổ chức Đại hội các cấp hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tất nhiên, để chọn được nhân sự đáp ứng được kỳ vọng chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Với nhiều thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh làm báo, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Hội Nhà báo các cấp “bắt nhịp” với thời cuộc, đặc biệt là nguồn nhân lực cho người làm chuyên trách Hội Nhà báo, không có phương án nào hay hơn là chọn lựa từ trong đội ngũ những người làm báo biết nghề, yêu nghề.

Ở trên, tôi có nhắc đến vai trò của người đứng đầu. Hoạt động Hội có tốt, có tính đặc thù, có sự lan tỏa, hấp dẫn được hội viên phụ thuộc rất nhiều vào người thuyền trưởng này. Tôi xin nhấn mạnh, với người đứng đầu - đứng mũi chịu sào ở cấp Hội địa phương, ở các Liên Chi hội, ở cấp Hội Trung ương, tùy từng cấp mà có vai trò, vị trí khác nhau.Tôi cho rằng, bên cạnh sự vững vàng, có  bản lĩnh chính trị, vẫn phải là người có uy tín cao và tâm huyết để “thu phục nhân tâm”, “ngọn cờ quy  tụ và tập hợp hội viên”, quy tụ các cơ quan báo chí. Có như vậy mới tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam, năng động hơn, sáng tạo hơn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới.

+ Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Theo: Lan Anh/Báo Nhà báo & Công luận (Thực hiện)

 

Các tin khác:
  • Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái tổ chức kỷ niệm 35 năm thành lập (13/12/2019-9:59)
  • Tăng cường trao đổi đoàn các cấp giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Báo chí Thái Lan (03/12/2019-8:49)
  • Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Hàn Quốc tăng cường quan hệ hợp tác (27/11/2019-14:00)
  • Ấm áp một vùng biên ải (22/11/2019-15:35)
  • Bảo tàng báo chí Việt Nam trưng cầu ý kiến từ các chuyên gia bảo tàng (13/11/2019-8:50)
  • Bồi dưỡng kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí dự giải (08/11/2019-10:52)
  • Lạng Sơn: Triển khai hiệu quả, thiết thực sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư (16/10/2019-7:12)
  • Hội Nhà báo và Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tiếp đoàn Hội Nhà báo toàn Trung Quốc (22/04/2019-17:45)
  • Xây dựng sự chính trực, nhân văn, tăng tính thuyết phục để xây dựng Hội Nhà báo Thanh Hóa phát triển hơn (23/01/2019-7:59)
  • Năm 2018 - dấu ấn từ các Hội Nhà báo địa phương (22/01/2019-7:22)