Hình ảnh minh họa, từ internet
Thực hiện chương trình đòi hỏi doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch không chỉ phải tái cơ cấu sản phẩm du lịch, giá cả dịch vụ sao cho phù hợp phân khúc khách hàng, mà còn phải đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới đáp ứng thị hiếu khách du lịch trong nước.
Không ai mong muốn dịch bệnh để thay đổi thói quen kinh doanh, nhưng rõ ràng đây được xem là cơ hội tốt để doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch có sự ứng xử phù hợp hơn, chiếm lĩnh niềm tin và kích thích nhu cầu du khách trong nước.
Cùng với đó đòi hỏi công tác quản lý Nhà nước về du lịch phải quyết liệt hơn nữa. Tình trạng “chặt chém”, cạnh tranh thiếu lành mạnh là phần nổi cộm của bức tranh du lịch trong nước thời gian qua. Không ít du khách còn phàn nàn về thái độ phục vụ, chất lượng dịch vụ, giá cả ở một số khu, điểm du lịch còn bất cập.
Để kích cầu, thôi thúc tăng trưởng du lịch nội địa, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với một số địa phương trọng điểm về du lịch phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Các cơ quan quản lý du lịch tại địa phương tham mưu cho UBND tỉnh phát động chương trình gắn với việc thông tin rộng rãi về việc mở cửa các khu, điểm du lịch cũng như đảm bảo mức độ an toàn tại đây.
Các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ miễn, giảm phí, lệ phí tham quan tại các di tích, danh thắng, bảo tàng, điểm du lịch do địa phương quản lý góp phần giảm giá thành, tăng tính hấp dẫn các gói kích cầu du lịch. Đồng thời hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các cam kết khuyến mại khi tham gia Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện và chất lượng.
Thời gian gần đây xu hướng du lịch có chiều hướng dịch chuyển, nhiều khách du lịch trong nước lựa chọn đi du lịch nước ngoài thay cho việc đến với các khu, điểm du lịch trong nước. Một trong những lý do được họ đưa ra là một số khu, điểm du lịch trong nước còn có sự hạn chế về giá cả và thái độ phục vụ.
Xây dựng niềm tin cho du khách Việt, níu chân họ đến với các khu, điểm du lịch trong nước nhiều hơn là vấn đề đã được Tổng cục Du lịch đề cập nhiều lần. Tuy nhiên bởi sự thiếu đồng bộ và thống nhất trong cách quản lý, tổ chức thực hiện ở các địa phương và doanh nghiệp du lịch, khiến cho chủ trương này chưa thể hiện thực ngay được.
Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, vì thế không chỉ là một chính sách du lịch nhằm thích ứng hoàn cảnh, mà còn chính là “thời cơ vàng” để mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch thay đổi cách nhìn nhận, từ đó hoàn thiện sản phẩm du lịch, nâng cao thái độ phục vụ để ngày càng thu hút nhiều hơn khách nội địa.
Lam Vũ