Cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bị bật
gốc đè trúng học sinh tử vong (ảnh Thanh niên)
Cách đây mấy ngày thì tình trạng mất an toàn cây xanh đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng làm 13 học sinh ở một trường học tại thành phố Hồ Chí Minh thương vong. Sau tai nạn bật gốc cây, câu hỏi về an toàn cây xanh trong sân trường lại tiếp tục đặt ra thôi thúc hơn.
Ngay sau tai nạn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo liên hệ với công ty cây xanh sở tại có biện pháp kiểm tra, khắc phục tình trạng cây xanh có nguy cơ ngã đỗ, bật gốc… Một biện pháp mà lẽ ra đã phải được thực hiện từ rất lâu rồi chứ không phải đến tận lúc xảy ra thương vong, mất mát. Yêu cầu này được nhiều người liên hệ với việc “mất bò mới lo làm chuồng”. Nhưng dù có là thế đi chăng nữa thì cũng hơn là không có động thái nào cả.
Vấn đề được phụ huynh, giáo viên và học sinh chờ đợi là sau yêu cầu của Tư lệnh ngành, lãnh đạo các trường học phải nghiêm túc chấp hành, xem đó không chỉ là mệnh lệnh thông thường, mà hơn thế là trách nhiệm phải được tập trung cao nhất lúc này, không thể chậm trễ hơn nữa khi mùa mưa bão đã bắt đầu.
Càng không thể vì những lý do chuẩn bị kết thúc năm học mà một số lãnh đạo nhà trường lần lữa chờ đợi vào hè có thời gian hay chờ kỳ họp phụ huynh cuối năm học mới huy động được kinh phí để khắc phục.
Việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất trường học lâu nay được nhiều lãnh đạo nhà trường hết sức quan tâm, nhưng dường như lại đang bỏ quên đi việc làm cho sân trường đẹp hơn thì cũng phải an toàn hơn.
Việc làm này không mất quá nhiều thời gian, tiền bạc, nhưng dường như lâu nay nó vẫn chỉ là một việc có cũng được không cũng chẳng sao, chỉ chiếm một phần nhỏ trong tư duy của không ít cán bộ quản lý trường học.
Trong yêu cầu vừa đưa ra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường học phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn, các chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên.
An toàn cây xanh sân trường vốn là vấn đề chưa được xem trọng, nhưng giờ, đây sau những điều không mong muốn, thì nó đang cần phải được nhìn nhận lại nghiêm túc, trách nhiệm hơn.
“Sợi cót” trách nhiệm ở những cán bộ quản lý trường học được ví như là đã lên dây, chẳng còn chỗ cho sự lần lữa nữa. Thế nhưng điều mà nhiều người mong đợi là “sợi cót” ấy không chỉ lên nhằm đối phó, mà phải đều đặn bằng trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của người được giao trách nhiệm quản lý trường học.
Lam Vũ