Thứ bảy, ngày 30/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Hữu Việt - Báo Nhân Dân: Mong muốn góp tiếng nói để văn học Việt Nam tìm lại những mùa vàng (24/06/2020-11:38)
    Với những cuộc trò chuyện cởi mở, chân tình cùng nhiều lý luận sâu sắc, nhà báo – nhà thơ Hữu Việt đã giúp độc giả ngẫm ra nhiều điều về nền văn học nước nhà. Tác phẩm được Hội đồng chấm giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV - năm 2019 đánh giá cao.
Nhà báo, nhà thơ Trần Hữu Việt

Từ tình yêu đối với văn học…

Là Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ Báo Nhân Dân, nhà báo - nhà thơ Hữu Việt không ngừng tìm tòi những đề tài hay về văn hóa nghệ thuật. Vừa là nhà báo, vừa là nhà thơ, Hữu Việt có một tình yêu lớn với văn học Việt Nam. Anh đã dành rất nhiều thời gian, tâm sức của mình để tìm hiểu về lĩnh vực này. Cũng chính tình yêu to lớn ấy cộng với mong muốn lý giải những vấn đề lớn của văn học hiện nay thông qua những tác giả tên tuổi trong từng chuyên ngành nghệ thuật… đã là động lực thôi thúc anh thực hiện Loạt 5 bài: “Trò chuyện văn chương” với những vấn đề rất đáng suy ngẫm của văn học Việt Nam.

Trong suốt quá trình tìm hiểu về văn học Việt Nam, nhà báo – nhà thơ Hữu Việt nhận thấy nhiều vấn đề lớn ở lĩnh vực này, anh luôn đau đáu đi tìm câu trả lời cho câu chuyện làm sao để có những tác phẩm lớn ngang tầm thời đại. Để có thể lý giải được điều đó cần tìm hiểu và lấy ý kiến từ những tác giả tên tuổi trong từng chuyên ngành nghệ thuật. Nhà báo Hữu Việt đã liên hệ với những cây viết kỳ cựu để thực hiện loạt bài viết bàn về văn học Việt Nam của mình.

Bản thân là một người làm trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, nhà báo – nhà thơ Hữu Việt mong muốn thông qua tác phẩm của mình, có thể góp một vài tiếng nói có ý nghĩa thiết thực để văn học Việt Nam tìm lại những mùa vàng bội thu.

Những cuộc trò chuyện cởi mở về văn học Việt Nam

Trong loạt 5 bài viết của mình, nhà báo – nhà thơ Hữu Việt đã trao đổi với các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu ở một số thể loại thơ, văn học về đề tài lịch sử, văn học về đề tài miền núi, truyện ngắn và ký văn học về đề tài chiến tranh cách mạng... để có thể cùng bạn đọc lắng nghe tiếng nói nhà văn bàn về nghề nghiệp, cũng như phác họa phần nào diện mạo của văn học Việt Nam hiện nay.

Ngay từ đầu, nhà báo – nhà thơ Hữu Việt đã có chủ đích từ trước cho chủ đề loạt bài “Trò chuyện văn chương”, đó là dựng lên một bức tranh tương đối khái quát về văn học Việt Nam qua trao đổi với các tác giả tiêu biểu trong các thể loại văn học.

May mắn là người trong giới văn học, cha cũng là nhà văn nên mối quan hệ của tác giả Hữu Việt với các nhân vật anh trò chuyện luôn có sự cởi mở, tin cậy và chân tình. Để lựa chọn nhân vật hay cho loạt bài của mình, mỗi thể loại, nhà báo – nhà thơ Hữu Việt cũng lựa chọn rất kỹ.

Với thể loại thơ, nhân vật là nhà thơ Thạch Quỳ - một trong những gương mặt thơ sáng giá thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước; với Văn học sử, nhà báo – nhà thơ Hữu Việt trò chuyện cùng nhà văn Hoàng Quốc Hải - tác giả hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ Bão táp triều Trần (6 tập) và Tám triều Vua Lý (4 tập), tổng cộng hơn 6.500 trang; Văn học dân tộc miền núi, nhân vật là nhà văn Cao Duy Sơn – người dân tộc Tày, đã giành được nhiều giải thưởng văn học uy tín; thể loại Truyện và ký về đề tài chiến tranh cách mạng, nhân vật là nhà văn Cao Duy Thảo – nguyên Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, một trong những nhà văn viết truyện - ký tiêu biểu ở khu vực miền Trung; kết lại loạt bài này, nhà báo – nhà thơ Hữu Việt đã lựa chọn trò chuyện đồng thời với hai nhân vật là nhà phê bình văn học nổi tiếng GS.TS. Đinh Xuân Dũng và nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và cùng tìm câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để văn học Việt Nam có tác phẩm lớn ngang tầm thời đại?

Nhà văn Hoàng Quốc Hải (trái) trò chuyện với tác giả Hữu Việt
Nhà văn Hoàng Quốc Hải (trái) trò chuyện với tác giả Hữu Việt

Để thực hiện loạt 5 bài chủ đề “Trò chuyện văn chương”,  nhà báo – nhà thơ Hữu Việt đã bỏ ra rất nhiều công sức, từ việc gặp gỡ nhân vật, mà có những nhân vật nhà báo Hữu Việt cần hẹn nhiều lần mới có thể gặp, đến việc lựa chọn vấn đề, tìm hiểu và khai thác thông tin.

Nhân vật tác giả Hữu Việt lựa chọn hầu hết là người nổi tiếng, uyên bác nhiều lĩnh vực, bởi vậy, anh sẽ phải lựa chọn vấn đề sao gây hứng thú để nhân vật trả lời. Bên cạnh đó, anh cũng phải trau dồi thêm vốn kiến thức và vốn sống đủ để “đối thoại”, đào sâu và làm sáng tỏ vấn đề bài viết định hướng tới.

Loạt bài “Trò chuyện văn chương” không phải bài phỏng vấn nói – ghi bình thường mà là cuộc trò chuyện bình đẳng giữa tác giả và nhân vật về một chủ đề. Vì vậy, sau khi cuộc trò chuyện trực tiếp kết thúc, nhà báo – nhà thơ Hữu Việt dành rất nhiều thời gian cho việc gỡ băng và diễn đạt lại nội dung trao đổi sao cho chính xác nhất nội dung và tinh thần trò chuyện.

Với nhà báo – nhà thơ Hữu Việt, một bài phỏng vấn hoặc trò chuyện thành công không phải là ghi đúng từng chữ, từng lời của nhân vật mà phải thể hiện được đầy đủ điều nhân vật muốn nói. Chính bởi vậy, anh rất chuyên tâm cho việc chọn lọc câu chữ sao cho thể hiện được thông điệp nhân vật trong từng bài muốn truyền tải.

Dù khó khăn là vậy nhưng những lần tác nghiệp là lúc nhà báo – nhà thơ Hữu Việt cảm thấy rất vui vì được gặp gỡ những người rất giỏi và thú vị, được học hỏi từ các nhân vật rất nhiều điều.

Hiện thực cuộc sống và văn học đang trong quá trình vận động phức tạp, chưa định hình; còn đó những thách thức nhưng cũng là cơ hội cho nhà văn thỏa sức sáng tạo. Qua loạt 5 bài: “Trò chuyện văn chương” với những vấn đề đáng suy ngẫm của văn học Việt Nam hiện nay, nhà báo – nhà thơ Hữu Việt vẫn luôn trăn trở, có thể thấy hiện thực cuộc sống và văn học còn rất bề bộn, đang trong quá trình vận động phức tạp, chưa định hình. Và để có tác phẩm lớn ngang tầm thời đại thì cần phải có tác giả lớn; tác giả lớn là người mang khát vọng và hoài bão lớn, có tầm nhìn xa trông rộng, tư duy sâu sắc, có kiến thức uyên thâm, gắn bó máu thịt với những vấn đề lớn lao của đất nước, dân tộc Việt Nam.

Theo Kim Anh/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Nhà báo Nguyễn Minh Đức - TBT Báo Kinh tế và Đô thị: Chính sách cho kinh tế báo chí cũng phải đặc thù (24/06/2020-11:36)
  • Phóng viên tác nghiệp vùng lũ: Dấn thân cống hiến để sẻ chia (15/06/2020-17:38)
  • Nhà báo Sỹ Khỏe: Nhà báo của người nông dân (10/06/2020-18:19)
  • Thi thăng hạng biên tập viên, phóng viên, quay phim cần những điều kiện gì? (08/06/2020-14:28)
  • Để trở thành phóng viên “đa zi năng” trong thời đại công nghệ số... (04/06/2020-17:49)
  • Chùm ảnh nhà báo, phóng viên tác nghiệp dưới cái nắng nóng ngày hè (04/06/2020-10:29)
  • Phóng viên Nguyễn Chinh và kỉ niệm những ngày tác nghiệp thầm lặng trong đại dịch covid-19 (03/06/2020-10:05)
  • Làm nghề bằng tâm huyết thực sự thì giải thưởng sẽ đến như một lẽ tự nhiên (28/05/2020-18:36)
  • Phóng viên hiện trường - sự dấn thân trên mặt trận tin tức (28/05/2020-18:32)
  • Báo giấy - món ăn tinh thần không thể thiếu trong thời đại số (28/05/2020-18:28)