Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Phân rõ hơn trách nhiệm (11/07/2020-9:27)
    (NLBTH) - Năm nay kỳ thi THPT Quốc gia được đổi thành thi tốt nghiệp THPT và giao cho các tỉnh, thành phố tổ chức thay cho việc Bộ GD&ĐT tổ chức như mọi năm. Sự thay đổi trong cách vận hành đem đến tâm thế đón nhận mới, cũng đòi hỏi trách nhiệm phải cao hơn.
Hình ảnh minh họa, từ internet

Là tỉnh có nhiều thí sinh tham dự nên sức “nóng” của kỳ thi sẽ rất lớn. Bài học về sự sai sót trong thi cử ở một số tỉnh phía Bắc đến nay vẫn còn để lại dư âm xấu, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.

Dù là kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn là cơ sở chính để các trường đại học, cao đẳng xem xét tuyển sinh. Kết quả kỳ thi cũng là tiêu chí để đánh giá chất lượng giáo dục của các trường học. Mức độ quan trọng của kỳ thi vì thế không hề giảm so với mọi năm dù tên gọi thì đã khác, cách tổ chức cũng khác.

Giao tự chủ tổ chức kỳ thi cho các địa phương là trao quyền cao hơn, cũng đòi hỏi trách nhiệm phải tương xứng. Bộ GD&ĐT chỉ xây dựng đề thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm, tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Con người và cách điều hành con người trong việc coi thi, chấm bài tự luận, đảm bảo an ninh, phục vụ thi hoàn toàn do các địa phương quyết định và chịu trách nhiệm, sẽ không có lực lượng từ các trường đại học tham gia coi thi, chấm thi như trước đây.

Với cách vận hành này dù tạo ra tính chủ động, ít tốn kém, nhưng cũng gây băn khoăn cho dư luận về tính khách quan, trung thực của kỳ thi. Sự lo ngại là có cơ sở, bởi dù lực lượng thanh tra thi được tăng cường, nhưng nếu không lựa chọn được cán bộ thanh tra bảo đảm yêu cầu thì cũng khó để đòi hỏi cao về trách nhiệm.

Để trấn an dư luận, nhất là những phụ huynh có con em tham gia kỳ thì năm nay các địa phương phải thật sự đề cao trách nhiệm, nhất là yếu tố con người.

Chỉ có sự khách quan, minh bạch, mới tạo ra sự công bằng, cũng chính là câu trả lời có trách nhiệm nhất trước dư luận. Theo đó, việc phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, không ỷ lại vào công tác thanh tra của Bộ GD&ĐT, mà phải tự thanh tra từ chính mình, trong các khâu mà mình được giao xem còn lỗ hổng nào không, đồng thời chuẩn bị kịch bản ứng phó nếu xảy ra vấn đề không mong muốn.

Thi cử luôn là công việc phức tạp, nhạy cảm, mọi sự chuẩn bị chưa bao giờ là thừa. Công nghệ càng phát triển thì khả năng gian lận ở các kỳ thi càng lớn. Cùng với việc Bộ GD&ĐT tăng cường các giải pháp kỹ thuật, mỗi hội đồng thi cần phối hợp tốt nhất với cơ quan chức năng để kiểm soát tối đa sự gian lận có hỗ trợ của công nghệ.

Cùng với đó phải thống nhất với nhau rằng nếu trường học nào cử cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn làm cán bộ coi thi, chấm thi, hoặc để xảy ra sai sót, thì hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm. Có như thế mới nâng cao được trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, giám sát.

Phân cấp quản lý đồng nghĩa sẽ không còn chỗ cho sự trông chờ, ỉ lại, kỳ thi này vì thế chính là phép thử quan trọng về khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi địa phương. Đảm bảo an toàn cho kỳ thi sẽ tạo tiền đề để chúng ta tiếp tục có những đổi mới, đột phá hơn trong quản lý, đánh giá chất lượng giáo dục.


Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Mùa “mưa” điểm số (08/07/2020-23:18)
  • “Cởi trói” để nâng tầm văn hóa đọc (06/07/2020-23:31)
  • Tư duy phải theo kịp sự thay đổi (04/07/2020-23:39)
  • Tạo cầu nối pháp luật (02/07/2020-22:02)
  • Lan tỏa việc làm tốt (01/07/2020-10:29)
  • Tạo cảm hứng đầu tư vào nông nghiệp (29/06/2020-11:07)
  • Vẫn phải từ ý thức (28/06/2020-7:34)
  • Hiện đại hóa nền hành chính (26/06/2020-9:35)
  • Cần phải trở thành hoạt động thường xuyên (24/06/2020-11:41)
  • Tương lai và ma túy không cùng tồn tại (22/06/2020-21:15)