Ảnh minh họa, từ internet
Nhìn lại con số thống kê hỏa hoạn thời gian gần đây cho thấy những vụ hỏa hoạn xảy ra ở các kho, xưởng chiếm số lượng nhiều nhất. Điều đó có thể không xảy ra nếu sự tuân thủ nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy của chủ cơ sở và những người trực tiếp quản lý, vận hành được đề cao. Cùng với đó là trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng kịp thời, nghiêm ngặt hơn.
Trong phòng cháy, chữa cháy, yêu cầu số một là phải làm tốt “bốn tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ. Nhưng bởi điều kiện khác nhau, sự nhìn nhận vấn đề cũng còn có sự khác biệt, nên không phải kho, xưởng nào cũng được quan tâm đúng mức.
Yêu cầu đặt ra đối với các kho, xưởng là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành máy móc, thực hiện nghiêm hướng dẫn sử dụng các thiết bị có thể sinh ra nguồn nhiệt. Thế nhưng điều này lại chưa được nhận thức đầy đủ cả với chủ doanh nghiệp lẫn người lao động.
Ở nhiều kho, xưởng dù được trang bị hệ thống thiết bị chữa cháy, nhưng cơ bản chỉ là giai đoạn ban đầu nhằm đủ điều kiện cấp phép hoạt động. Những người quản lý thiết bị phần không biết vận hành, phần không chú ý, dẫn đến hư hỏng, quá hạn sử dụng nhưng không được thay thế, khi xảy ra cháy nổ, nơi thì lúng túng trong sử dụng, nơi thì thiết bị vô dụng.
Có thực tế là phần lớn vụ hỏa hoạn xảy ra lực lượng tại chỗ thường bị động chờ xe cứu hỏa đến. Tuy nhiên do di chuyển xa, điều kiện giao thông và nguồn nước không thuận lợi nên thường là “nước xa không cứu được lửa gần”.
Tập huấn, kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ ở doanh nghiệp là việc làm thường xuyên của lực lượng chức năng, nhưng sự phối hợp và tham gia của doanh nghiệp thì vẫn hạn chế. Họ không nhận thức được rằng nếu xảy ra hỏa hoạn thì mất mát sẽ lớn gấp nhiều lần việc đầu tư hệ thống phòng, chống cháy nổ. Nhiều chủ doanh nghiệp quan niệm vào vận số, trong đó cháy nổ là chuyện chẳng may.
Qua kiểm tra nhiều cơ sở bị yêu cầu dừng hoạt động để bổ sung thiết bị phòng, chống cháy nổ, nhưng sự đáp ứng thường đối phó, có cơ sở đi thuê, mượn, sau khi được phép hoạt động trở lại thì đâu lại vào đó.
Vấn đề đặt ra lúc này là phải nâng cao nhận thức về phòng cháy cho chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trước khi bắt họ đầu tư thiết bị. Nhận thức thay đổi sẽ chuyển hóa thành hành động, trách nhiệm tự khắc được nâng cao. Cùng với đó, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát về phòng cháy, nếu phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý, tránh tình trạng phạt rồi cho tồn tại.
Phòng, chống cháy nổ không thể là vấn đề định tính, mà phải là mệnh lệnh gắn liền với những tiêu chuẩn khắt khe, được quản lý, vận hành bằng trách nhiệm của con người cụ thể thì mới có sự chủ động.
Lam Vũ