Thứ bảy, ngày 30/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Làm sao để có khoảnh khắc chân thực và nhân văn? (18/07/2020-10:40)
    Nghề phóng viên ảnh cũng giống như rất nhiều nghề nghiệp khác, đầu tiên là phải có “tâm” và “cố gắng yêu nghề”, có hai yếu tố này sẽ vượt qua tất cả khó khăn, chông gai. Đó là chia sẻ nhà báo Hữu Khoa - báo VnExpress, người đã có gần 10 năm gắn bó với nghề báo ảnh.
Bộ ảnh “Rốn lũ Bình Định sau bão” của tác giả Hữu Khoa đã để lại ấn
tượng cho người xem. Ảnh NVCC

Hòa mình vào những khó khăn gian khổ của nhân vật

Phóng viên đã là nghề gian khổ, phóng viên tác nghiệp trong mùa mưa bão còn vất vả hơn rất nhiều, hiểm nguy mọi nơi, điều kiện tác nghiệp thiếu thốn.

Luôn cập nhật thông tin kịp thời, nhiều phóng viên luôn lắng nghe thời sự, tin tức cả trong nước và quốc tế để dự đoán mưa bão sẽ đổ bộ bao giờ, ở đâu. Phóng viên ảnh phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ máy móc thiết bị, đồ nghề…càng kỹ bao nhiêu thì hiệu quả tác nghiệp càng cao. Thậm chí chiếc túi đựng đồ cũng có thể tận dụng để trở thành phao cứu sinh những lúc cần.

Phóng viên Hữu Khoa cho rằng: Khi tác nghiệp mưa bão, người phóng viên phải đánh giá được đó là những nơi nguy hiểm. Trong khi mọi người đều đang tìm cách trú ẩn, thì người phóng viên phải lao ra đó, đón đúng tâm bão, ứng trực đúng chỗ. Tuy nhiên để an toàn người phóng viên phải trang bị cho mình một vốn sống, vốn kiến thức nhất định.

Theo phóng viên Hữu Khoa: “Sau khi có thông tin, tôi sẽ chủ động xin đề xuất với cơ quan để di chuyển sớm ra khu vực đó, phải đón đầu được sự kiện để vừa có thời gian chuẩn bị nơi ăn ở đến phương tiện đi lại. Tôi cũng gọi điện cho đồng nghiệp ở địa phương đó để hỏi kinh nghiệm vì họ là thổ địa ở đó. Ngoài ra, cũng liên lạc chính quyền cơ sở để hỏi về công tác chuẩn bị ứng phó hỗ trợ…những khu vực bị thiệt hại nhiều nhất”.

Bão số 5 năm 2019, người dân huyện Tuy Phước (Bình Định) là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại sau bão Matmo. Bão đã làm 99 căn nhà tại đây bị sập, 224 nhà bị tốc mái hư hỏng. Đây được xem là vùng "rốn lũ" của miền Trung. Sau khi ghi nhận tại đây, bộ ảnh “Rốn lũ Bình Định sau bão” của tác giả Hữu Khoa đã ra đời và mang đến cho độc giả cái nhìn chân thực nhất về sức tàn phá của mưa bão đến cuộc sống của người dân nơi đây.

Chia sẻ về quá trình tác nghiệp tại đây, phóng viên Hữu Khoa cho rằng:  “Mặc dù tôi phải di chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra nhưng khi đến khu vực bị ảnh hưởng lớn tôi không lao vào chụp luôn. Mà để có những loạt ảnh đẹp, hấp dẫn trước tiên người phóng viên ảnh phải nói chuyện để đồng cảm với những người dân nới đây trước. Đó là những câu chào hỏi, động viên, nên đặt mình trong hoàn cảnh của họ, chia sẻ những thiệt hại về tài sản…”

“Có những trường hợp mình hỏi chia sẻ những mất mát của với họ, họ bật khóc thì những khoảnh khắc đó mình cần chụp để lưu giữ lại, vì hình ảnh như vậy sẽ để lại ấn tượng với độc giả. Mặc dù công việc của mình là rất cần hình ảnh, cần tin tức nhưng cố gắng làm sao tác nghiệp một cách tế nhị”, phóng viên Hữu Khoa tâm sự.

Kinh nghiệm chính là ông thầy quý giá nhất

Bên cạnh nhiều tác phẩm ảnh về đề tài mưa bão để lại ấn tượng mạnh, mang phong cách của tác giả Hữu Khoa, những bức ảnh về cuộc sống người dân ven đô của anh cũng có được hiệu ứng tác động mạnh mẽ tới độc giả. Loạt ảnh Con đường có gần 100 “hố bom” ở ven Sài Gòn là một trong những tác phẩm như thế.

Tác phẩm
Tác phẩm "Con đường có gần 100 “hố bom” của tác giả Trần Hữu Khoa đoạt giải C tại Gala Báo chí lần thứ hai 2020. Chương trình do Báo Nhà báo & Công luận đã tổ chức.

Khu vực có gần 100 “hố bom” này là một đề tài, một địa điểm được rất nhiều nhà báo, phóng viên tìm đến, khi mà người dân đã phản ánh. Nhưng để lại ấn tượng đặc biệt nhất có lẽ vẫn là loạt ảnh của tác giả Hữu Khoa.
Hữu Khoa chia sẻ: "Không phải mình cứ đến đó rồi chụp xong về mà phải chờ đợi những khoảnh khắc nữa. Bên cạnh đó cũng là yếu tố may mắn, vì ngày hôm tôi đến chụp thì gặp trời mưa, những “hố bom” đó nước đọng lại. Tôi sử dụng flycam chụp xuống nhờ chứa nước mà những hố đó lộ ra với những hình khối và có chiều sâu. Nếu như vào ngày trời nắng, “hố bom” đó khô thì chụp từ trên cao sẽ không thấy được rõ ràng".

Con đường có gần 100 “hố bom” ở ven Sài Gòn chỉ có 7 ảnh, nhưng đã lột tả được hết thực trạng và sức ảnh hưởng của nó đến người dân nơi đây. Tuy nhiên, theo anh Hữu Khoa, để có những bức ảnh này anh đã dùng xe máy đi trên tuyến đường này nhiều lần, thậm chí là đi qua tất cả các hố bom đó để cảm nhận được “hố bom” nào sâu và rộng ra sao.

Để có điểm nhấn trong loạt ảnh và sức ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, tác giả đã lựa chọn hình ảnh một người dân lớn tuổi bị ngã, người dính đầy bùn đất.

“Qua những lần đi như thế tôi mới xác định được hố này sâu nhất và hỏi người dân xem đã có nhiều trường hợp té ngã ở đây chưa. Ở đây không phải là cầu nguyện cho ai đó té để mình chụp mà đó là nghề làm báo của mình, phải có trách nhiệm ghi lại chân thực vấn đề. Và để có sản phẩm hay mình bắt buộc phải chờ đợi, không có cách nào khác ngoài chờ đợi, săn đón. Ngay sau khi chụp xong, tôi cũng chạy ra đỡ người bị ngã dậy, rồi đưa họ vào một nhà gần đó để rửa sạch, xong mới tác nghiệp tiếp” - Hữu Khoa tâm sự.

Tác phẩm
Tác phẩm "Những người dân Thủ Thiêm hàng chục năm miệt mài đòi công lý" của phóng viên Hữu Khoa (bên trái) đã dành giải ấn tượng tại Gala Báo chí lần thứ nhất năm 2019 do báo Nhà báo & Công luận tổ chức. Ảnh NVCC

Luôn muốn mang lại hiệu ứng xã hội lớn từ mỗi bức ảnh, tác giả Hữu Khoa đã lựa chọn bức ảnh phù hợp nhất để độc giả họ khi ngắm nhìn cảm nhận ngay được nỗi khổ của người dân khi hàng ngày phải di chuyển trên con đường đau khổ này. Và mục đích cuối cùng là phản ánh đến các cơ quan ban ngành, chính quyền. Họ nhìn vào tấm hình có thể vào cuộc luôn, thậm chí là thay đổi một quyết định chủ trương chính sách.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề báo ảnh, đam mê nghề ảnh đã ăn sâu vào máu cậu thanh niên trẻ, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh đã tự tìm hiểm và bắt đầu chụp những bức ảnh báo chí.

Qua thời gian, kinh nghiệm về chụp ảnh cũng lớn dần theo năm tháng. Đó như một minh chứng rằng nếu có đam mê yêu nghề thì khó khăn tới đâu họ cũng vượt qua được. Công việc phóng viên ảnh mang đến nhiều điều thú vị ở khắp nơi trên đất nước. Tuy nhiên, theo Hữu Khoa: “Dù tác nghiệp ở đâu bao giờ cũng phải đưa yếu tố an toàn lên hàng đầu, vì an toàn cho mình chính là an toàn cho người khác và quá trình tác nghiệp cần sử dụng kinh nghiệm của mình, vì kinh nghiệm chính là một ông thầy quý giá nhất người phóng viên ảnh cần có”.

Theo Nhật Nam/ Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • “Trở về từ vùng dịch”: Khơi dậy và lan tỏa niềm tự hào của dân tộc (17/07/2020-10:34)
  • Nhà báo: Anh ở đâu? (17/07/2020-10:32)
  • Trung tá - nhà báo Lê Văn Chương: Người nặng tình với biển khơi (16/07/2020-9:27)
  • TTXVN ra mắt cuốn sách về Đổi mới sáng tạo trong báo chí toàn cầu (11/07/2020-9:23)
  • Truyền thông quốc tế: “Phép màu” chiến thắng đại dịch Covid-19 (11/07/2020-9:21)
  • Đến với Ngôi nhà Di sản Bảo tàng Báo chí Việt Nam (11/07/2020-9:18)
  • Hướng dẫn cấp giấy phép hoạt động cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình báo chí (11/07/2020-9:14)
  • Làm báo "một thời chiến tranh", "một thời hòa bình" (06/07/2020-23:23)
  • Sự trỗi dậy của tạp chí... (06/07/2020-23:17)
  • Văn Hiền - Người viết chân dung các nhà báo liệt sĩ (06/07/2020-23:09)