Phóng viên tác nghiệp trong sự kiện tại Hội Nhà báo Việt Nam.
Thời gian gần đây, tình trạng phóng viên, nhà báo bị cản trở trong quá trình tác nghiệp xảy ra khá nhiều. Đặc biệt, trong số các đối tượng có hành vi cản trở, bên cạnh các đối tượng xã hội có cả cán bộ hoạt động trong các cơ quan nhà nước.
Điều đáng nói ở đây là đối tượng cán bộ cơ quan nhà nước là những người có kiến thức về quyền tác nghiệp của nhà báo. Hơn nữa, các vụ cản trở cũng ghi nhận phần lớn diễn ra ở nơi công sở, môi trường đòi hỏi cán bộ nhà nước phải hành xử theo nguyên tắc công vụ. Kể cả trong lời nói lẫn hành động. Trong các hành vi cản trở, thì các hành vi cản trở ở mức độ tấn công phóng viên, gây thương tích đã có chiều hướng giảm xuống. Bên cạnh đó, hành vi đe dọa, xúc phạm nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp cũng chiếm số lượng lớn. Tương tự như các vụ việc diễn ra, phần lớn trong các vụ việc thì phương thức xử lý chiếm đa số vẫn là đang điều tra, hòa giải, tự thỏa thuận.
Trong đó có những vụ việc, cá nhân nhà báo, phóng viên không thông tin thêm về diễn tiến vụ việc hoặc cho biết không muốn thúc đẩy vụ việc lên cấp độ xử lý cao hơn.
Chúng tôi đã trao đổi vấn đề làm thế nào để bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp. Nhà báo Nhữ Phong- Báo Giáo Dục và Thời đại chia sẻ: "Để bảo đảm an toàn khi tác nghiệp nhà báo phải biết lường trước mọi tình huống sẽ diễn ra khi tác nghiệp (tùy thuộc vào đề tài, thể loại mà cách tác nghiệp khác nhau và có những khó khăn riêng)... Ví dụ, nhà báo nữ đến nhà người cung cấp tin là nam sẽ dễ bị quấy rối tình dục, nên cần hẹn đến nơi công cộng như quán cafe... hoặc rủ đồng nghiệp, bạn bè đi cùng. Nhà báo nam đi tác nghiệp hiện trường những vụ việc vi phạm pháp luật cũng nên thông báo cho cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ. Đó là những kỹ năng đơn giản nhất... chưa nói đến nhà báo điều tra phải dấn thân, nhập vai... Tất cả phụ thuộc vào kinh nghiệm, sự thông minh, biến báo tùy cơ của nhà báo... Bảo vệ nhà báo đã có Luật Báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam. Lãnh đạo cơ quan báo chí bảo vệ phóng viên trên cơ sở pháp luật quy định. Tuy nhiên, lãnh đạo dám nói, dám làm, dám nhận trách nhiệm, ủng hộ cung cấp mọi nguồn lực, đứng ra bảo vệ phóng viên là rất đáng quý. Đó là động lực để nhà báo dấn thân, lao động và sáng tạo...".
Còn nhà báo Nguyễn Tiến Nên, Quảng Bình thì chia sẻ: "Thứ nhất, lãnh đạo địa phương đó phải hiểu được Luật Báo chí, có ý thức được trách nhiệm giúp đỡ báo chí hoạt động, bảo vệ người hoạt động báo chí. Thứ hai, có cơ chế bảo vệ báo chí và nhà báo. Trong đó, phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho các ban, ngành hẳn hoi. Thứ ba, tuyên truyền sâu rộng nội dung, ý nghĩa và nghĩa vụ thực hiện Luật Báo chí. Thứ tư, xử lý nghiêm những trường hợp không tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp, cố tình đùn đẩy, né tránh cung cấp thông tin cho nhà báo. Đặc biệt, đối với các hành vi xâm hại sức khỏe, tính mạng, phương tiện, tài sản... của nhà báo. Cuối cùng, nhà báo phải biết tự bảo vệ mình trong mọi tình huống".
Theo nữ nhà báo Bùi Thị Hồng, Thư ký toà soạn Tạp chí Văn hoá các dân tộc thì: "Trước tiên là nhà báo phải tự bảo vệ mình ( nếu cảm thấy nguy hiểm cần chủ động liên hệ với công an...). Sau đó là có những chế tài pháp lý chuyên riêng cho nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp".
Trao đổi vấn đề này, nhà báo Phan Hữu Minh, Trưởng Ban kiểm tra Cơ quan Trung ương Nhà báo Việt Nam cho rằng: Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên cần báo cáo cơ quan tổ chức khi đến làm việc để tự bảo vệ mình. Khi xảy ra bị hành hung, bị cản trở cần báo cáo ngay với cơ quan và với tổ chức Hội. Cơ quan pháp luật bảo vệ nhà báo bằng quy định cho phép theo Luật Báo chí, quy định đạo đức người làm báo, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhà báo bị xâm hại, ảnh hưởng đến tính mạng. Rất cần thái độ, sự giúp đỡ có mặt của chính quyền ngay thời điểm nhà báo bị hành hung. Với góc độ bảo vệ hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam với thẩm quyền của mình sẽ can thiệp với các cấp chính quyền để bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp. Hầu hết các việc đều giải quyết được, hệ thống HNBVN từ cơ sở phải có trách nhiệm trong công việc Hội sẽ hòa giải trước khi can thiệp, tạo điều kiện để nhà báo hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, nhắc nhở đôn đốc nhắc nhở nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp, những phóng viên là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam khi tác nghiệp mà vi phạm đạo đức sẽ bị xem xét xử lý theo quy định, bên cạnh đó còn có bộ quy tắc ứng xử của nhà báo đã ban hành. Hiện nay, có thực trạng phóng viên bị đe dọa, vì có những động cơ không tốt với doanh nghiệp bị đe dọa nhưng không báo cáo.
Nguyên nhân mà các phóng viên, nhà báo bị hành hung, đe dọa theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Nguyên Trưởng Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và tuyên truyền khẳng định: Do lạm dụng quyền, tha hoá quyền lực trong môi trường độc quyền, cho nên thiếu tôn trọng tự do ngôn luận và báo chí coi thường nhân dân. Mặt khác, nhà báo cũng có những biểu hiện “làm ăn”, cho nên mất niềm tin, bị coi thường. Để bảo vệ mình, phóng viên, nhà báo phải có kiến thức và kỹ năng cho từng tình huống cụ thể.
Theo Mai Chí Vũ/Báo Nhà báo và Công luận