Phát thanh trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay
Nhờ phương thức thông tin năng động, phát thanh có khả năng đưa người nghe tới gần hơn với sự kiện, nhân vật, được hòa mình, cảm nhận đầy đủ về sự kiện, nhân vật đó ngay lập tức.
Kênh truyền thông quan trọng
Mức độ nhanh nhạy của phát thanh được đánh giá là “có thể tức khắc đưa thính giả của mình tới bên kia đường phố, thành phố, đất nước hay thế giới. Phát thanh có thể phát tin từ hiện trường một sự kiện quan trọng trong khi nhóm làm chương trình truyền hình còn đang đi lấy thiết bị “truyền hình trực tiếp”, còn phóng viên báo viết vẫn đang ghi chép. Sẽ còn phải chờ thêm nhiều phút nữa trước khi người ta có thể xem được trên truyền hình, và nhiều giờ nữa đọc trên báo viết”(1) . Chính bởi những ưu thế này, phát thanh ngày nay được coi là kênh truyền thông có vai trò quan trọng hàng đầu trong đời sống hiện đại.
Tuy nhiên, sự lên ngôi của các loại hình báo chí mới và mạng xã hội ngày nay đang tạo ra thế cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình báo chí. Đặc biệt, với đặc trưng nhanh, rộng và phạm vi tương tác đa chiều, không phân biệt không gian và thời gian, mạng xã hội thực sự đang là một “gã khổng lồ” có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ tới đời sống con người ở mọi quốc gia.
Các ưu thế của phát thanh giờ đây không còn là độc quyền trước sự lên ngôi và có phần lấn lướt của mạng xã hội trên nền tảng công nghệ số.
Đêm nhạc trực tuyến về Phòng, chống dịch Covid-19 của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 21/4/2020
Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin hiện nay, phát thanh không thể bằng lòng với hào quang trong quá khứ. Để tồn tại và phát triển, phát thanh ngày nay buộc phải đổi mới trên nhiều phương diện. Ngoài các yếu tố quan trọng hàng đầu là nâng cao chất lượng nội dung thông tin, đổi mới hình thức và phong cách thể hiện..., phát thanh cần một hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ theo chuẩn quốc tế.
Để đến được với thính giả, ngoài việc đầu tư về phương tiện kỹ thuật để có sóng trong, sóng khỏe, chất lượng âm thanh tốt, phát thanh cần tạo ra khả năng tiếp cận công chúng một cách nhạy bén, ở đâu có thông tin, ở đó có phát thanh. Sự phát triển của Internet và công nghệ số đã làm thay đổi căn bản thói quen tiếp nhận của công chúng.
Nếu như trước đây, đài phát thanh từ chỗ quyết định cho thính giả nghe gì, nghe khi nào và nghe như thế nào, thì nay thính giả là người chủ động, kiểm soát, lựa chọn cái mình muốn nghe, thời điểm nghe, không gian nghe. Vì vậy, ngoài chiếc radio truyền thống, phát thanh cần phải xuất hiện trên nền tảng Internet, trên các thiết bị di động phổ biến như điện thoại thông minh và các thiết bị cầm tay thông dụng khác.
Phát thanh ngày nay không thuần túy chỉ là nghe, mà cần đáp ứng nhu cầu của công chúng dưới nhiều dạng thức, nhiều loại hình truyền thông khác nhau gồm: video, audio, văn bản, phát trực tiếp liên tục 24/7, Internet, podcast, mobile để tạo ra ảnh hưởng lớn nhất và rộng rãi nhất. Công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong kỷ nguyên số của phát thanh hiện đại.
Bà Trịnh Thị Ngọ, Nghệ danh: Hanoi Hannah, cựu phát thanh viên Tiếng Anh rất nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam
Phát thanh kỹ thuật số
Thực tế những năm qua, phát thanh thế giới đã và đang chuyển nhanh sang công nghệ số DAB (Digital Audio Broadcasting). Theo bà Woro Indah Widiastuti, Giám đốc Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Indonesia, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, Chính phủ Indonesia đã xác định, không thể chỉ dựa vào phát thanh đơn thuần mà phải phát triển phát thanh kỹ thuật số.
Vì thế ngay từ năm 2006, Chính phủ Indonesia đã thành lập một nhóm phát triển phát thanh kỹ thuật số và phát sóng thử nghiệm đầu tiên ở Jakarta, sau đó phát triển rộng ra toàn quốc, tiến tới thay đổi dần dịch vụ analog sang kỹ thuật số(2) .
Xu hướng của người nghe trên thế giới không còn phụ thuộc vào các kênh radio phát qua sóng AM, FM truyền thống. Nhận thức được xu hướng tất yếu này, tháng 1/2017, Na Uy là nước đầu tiên trên thế giới chính thức khai tử phát thanh qua sóng FM, nhằm vào mục tiêu chuyển 100% sang công nghệ số.
Sau Na Uy, dự báo sẽ có nhiều nước từng bước dừng phát sóng FM để chuyển sang phát sóng số. Lý do của sự chuyển đổi này là chất lượng âm thanh số tốt hơn, tích hợp và đồng bộ hóa được radio với các loại hình truyền thông khác như chạy text, hình ảnh, web; khả năng phát podcast, chi phí vận hành rẻ hơn nhiều so với phát sóng truyền thống (trường hợp ở Na Uy là rẻ hơn 8 lần). Na Uy ước tính, các đài phát thanh sẽ tiết kiệm được hơn 200 triệu kroner, tương đương 23,5 triệu USD/năm bằng cách dừng phát thanh FM.
Tại Hội thảo Báo chí quốc tế với chủ đề: Báo chí Việt - Lào trong kỷ nguyên truyền thông số (ngày 26/7/2019), PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định: “Xu hướng số hóa là không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển hiện nay của thế giới. Và báo chí, truyền thông - với tư cách là một ngành nghề, luôn tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi biến động xã hội, đương nhiên, không thể thoát ra ngoài quỹ đạo của sự phát triển này. Trong đó, báo chí truyền thống, bao gồm phát thanh, truyền hình, báo in... là lĩnh vực chịu tác động sâu sắc nhất”(3) .
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ số vào phát thanh hiện đại là một bước tiến quan trọng, cho phép các đài phát thanh giải quyết được nhiều bất cập, giảm chi phí khai thác, tăng nguồn thu với các dịch vụ gia tăng, đem lại nhiều lợi ích về hiệu suất quang phổ và chất lượng âm thanh.
Trong vấn đề chia sẻ thông tin, công nghệ số mở ra khả năng lưu trữ lớn, việc sử dụng và phát hành những tài liệu nghe nhìn tốt hơn từ bộ phận lưu trữ của các đài phát thanh. Kỹ thuật số là giải pháp tối đa hóa những giá trị của phát thanh, thông qua các cơ chế trao đổi số hóa khác nhau có thể tạo ra nguồn thu và ảnh hưởng lớn.
Các đài phát thanh cần tận dụng nhiều kênh thông tin khác nhau trên nền tảng Internet, khai thác tối đa ưu thế của mạng xã hội
Giải pháp có tính đột phá
Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng phát thanh số ở Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh vì liên quan đến công nghệ, chi phí ban đầu và công tác quản lý. Tại Việt Nam hiện nay, phát thanh FM vẫn đang được sử dụng cho công tác tuyên truyền ở nhiều địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa.
Để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và tăng cường công tác quản lý ngành phát thanh - truyền hình trong tình hình mới, ngày 16/2/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Số 22/2009/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020.
Theo đó, đến năm 2020 công nghệ số sẽ được áp dụng rộng rãi trong truyền dẫn, phát sóng phát thanh. Phấn đấu đa số các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo có nhu cầu, được cung cấp thiết bị thu các kênh chương trình phát thanh kỹ thuật số với giá cả phù hợp. Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đã đề ra 6 giải pháp trọng tâm cho hệ thống phát thanh ở Việt Nam là:
- Nâng cao và thống nhất nhận thức, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền;
- Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, luật pháp nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng;
- Đổi mới tổ chức hoạt động truyền dẫn, phát sóng;
- Phát triển nguồn lực;
- Nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ;
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Có thể nói, những giải pháp trên vừa là định hướng quan trọng, đồng thời là cơ sở pháp lý cho hệ thống phát thanh Việt Nam phát triển toàn diện và đồng bộ trong tương lai.
Hệ thống truyền thanh ở nông thôn vẫn có hiệu quả nhất định. Ảnh: VOV
Về mặt lý thuyết, nếu thực hiện đúng lộ trình, thì năm 2020 này phát thanh Việt Nam sẽ về đích trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số toàn diện. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cốt lõi, đồng thời cũng là khó khăn đối với Việt Nam và nhiều nước phát triển hiện nay là chưa thống nhất chọn được định dạng chuẩn cho phát thanh số.
Chẳng hạn, nước Mỹ có xu hướng chọn chuẩn HD Radio, lý do khoảng 70% người Mỹ có thói quen nghe Radio trên xe ô tô.
Hàn Quốc chọn chuẩn DMB+, định dạng chuẩn cho người nghe đài trên điện thoại di động, thiết bị đa phương tiện cầm tay.
Châu Âu chọn chuẩn DRM+ cho di động. Nước Úc chọn chuẩn DAB+ cho thiết bị đa phương tiện.
Nhiều nước trong khu vực châu Á thử nghiệm phát sóng số chuẩn HDRadio, DRM. Ấn Độ chọn chuẩn DRM+, đồng thời có chiến lược sản xuất máy thu thanh số. Việc chọn chuẩn cho phát thanh số tùy thuộc điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh kinh tế, xã hội, trình độ dân trí của mỗi nước. Đến nay trên thế giới chưa có mô hình chung cho phát thanh số mặt đất(4) .
Phát thanh trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay
Một vấn đề khác đối với phát thanh Việt Nam hiện nay, mặc dù hầu hết trong 64 đài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã áp dụng công nghệ số vào khu vực sản xuất và truyền dẫn, nhưng khâu phát sóng thì vẫn đang thực hiện theo công nghệ analog.
Đây là công nghệ truyền thống, có công suất phát sóng lớn và khả năng hoạt động 24/24 giờ. Vùng phủ sóng của nhiều đài đã vươn ra các tỉnh lân cận, gây can nhiễu lẫn nhau, dẫn đến lãng phí về tài nguyên tần số và vùng phủ sóng.
Tại Việt Nam, sóng phát thanh mặc dù đã được đưa lên Vinasat, qua các mạng truyền thông, lan tỏa rộng rãi, song phát thanh vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, với các phương tiện truyền thông xã hội, đòi hỏi các đài phát thanh phải nhanh chóng thay đổi quyết liệt từ phát thanh truyền thống sang phát thanh kỹ thuật số để hấp dẫn người nghe(5).
Có thể nói, so với các loại hình truyền thông mới, mặc dù bị lấn lướt nhưng phát thanh vẫn là loại hình có những thế mạnh không thua kém. Phát thanh có thể đưa thông tin tức thì, công chúng có thể cùng làm tin, cùng bình luận về một vấn đề nào đó.
Với phát thanh, công chúng có thể trực tiếp tương tác với người làm chương trình và tương tác với nhau. Đặc biệt, công chúng hoàn toàn có lợi thế trong việc tiếp nhận thông tin khi đang di chuyển...
Tiện lợi hơn các loại hình báo chí khác, dù đang làm bất cứ việc gì, bất cứ ở đâu (không cần phải nhìn như truyền hình, hay dùng tay để lật trang như trang báo in hay báo điện tử) công chúng cũng có thể nghe được phát thanh...
Phát thanh trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay
Trong xã hội hiện nay, phát thanh ở Việt Nam không chỉ là người bạn đồng hành tin cậy của đông đảo công chúng mà còn là công cụ quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước, trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội.
Để thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong môi trường truyền thông mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thính giả, các đài phát thanh ở Việt Nam cần tập trung một số vấn đề sau:
- Thứ nhất, cần nhanh chóng nghiên cứu, thống nhất lựa chọn định dạng chuẩn cho phát thanh số, kết hợp với cơ sở hạ tầng hiện có, tích hợp nhiều phương thức truyền thông, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để sản xuất cung cấp thiết bị thu, phát, thiết bị đầu cuối cho phù hợp, không để lãng phí về thời gian và tài chính;
- Thứ hai, tăng cường việc áp dụng phương thức làm báo đa phương tiện, đẩy mạnh việc thông tin bằng âm thanh kết hợp với nhiều dạng thức như: video, văn bản, hình ảnh... để tạo ra sự sinh động cho người tiếp nhận;
- Thứ ba, cùng với phát sóng chương trình phát thanh số, các đài phát thanh cần tận dụng nhiều kênh thông tin khác nhau trên nền tảng Internet, khai thác tối đa ưu thế của mạng xã hội để thông tin đến với công chúng nhanh, rộng, linh hoạt và phổ dụng;
- Thứ tư, trong khâu truyền dẫn, phát sóng chương trình, các đài phát thanh cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng hiện đại, đồng bộ, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ; hướng tới mục tiêu thay thế hoàn toàn hạ tầng truyền dẫn, phát sóng sang công nghệ số, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên tần số./.
Theo TS. Nguyễn Văn Trường/Người làm báo
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Marray Masterton and Roger Patching, Sau đây là bản tin chi tiết, NXB Thế giới (2001).
(2), (5) Kim Hoàng, “Phát thanh và sự kết nối công nghệ truyền thông”, http://brt.vn/26/76707/Phat-thanhva-su-ket-noi-cong-nghe-truyen-thong.htm
(3) Nguyễn Thế Kỷ, “Báo chí, phát thanh, truyền hình trong kỷ nguyên số đa nền tảng”, http://nguoilambao.vn/bao-chi-phat-thanh-truyen-hinh-trong-ky-nguyen-so-da-nen-tang-n15073.html
(4) Đào Duy Hứa, “Phát thanh số: cơ hội và thách thức”, https://vov.vn/xa-hoi/dau-an-vov/phat-thanh-so-cohoi-va-thach-thuc-547801.vov