Thứ bảy, ngày 30/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
“Những nhóm phóng viên đi 'đếm tầng' cũng là một dạng lừa đảo” (24/07/2020-23:18)
    "Trong làng báo của chúng ta đang tồn tại những nhóm phóng viên chuyên đi “đếm tầng”, họ đi khắp nơi kiếm ăn bằng cách tống tiền, vòi vĩnh…".
Nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin - Truyền thông)
(Ảnh: Viettimes)

Vài năm trở lại đây, hiện tượng nhà báo tống tiền cá nhân hoặc tổ chức đã không còn là chuyện lạ, không ít trong số đó đã phải trả giả bằng những bản án của tòa. Mới đây nhất, 2 phóng viên Tạp chí Tài chính doanh nghiệp đã bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi tống tiền Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn. 

Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận người cầm bút nhân danh nhà báo, sẵn sàng bán rẻ lương tâm, trục lợi cho bản thân hoặc một nhóm lợi ích. Tình trạng đó cũng đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin, tâm lý băn khoăn, hoài nghi của dư luận về đội ngũ người làm báo trong xã hội.

Nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho rằng, hành vi của những phóng viên đó đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức của người làm báo, với tính chất của vụ việc sẽ phải xử lý bằng pháp luật hình sự. 

“Trước vụ việc này, báo chí cũng đã thông tin về nhiều vụ việc phóng viên bị bắt vì tống tiền, thậm chí bị bắt quả tang đang nhận tiền. Tôi cho rằng, những vụ việc như thế sẽ còn nhiều nữa bởi trong làng báo của chúng ta hiện nay, đang tồn tại những nhóm phóng viên chuyên đi “đếm tầng”, họ đi khắp nơi “kiếm ăn” bằng cách tống tiền, vòi vĩnh, thế cho nên “đi đêm lắm cũng sẽ có ngày gặp ma”. Họ thu thập được thông tin sai phạm, tiêu cực của doanh nghiệp, của tổ chức xã hội hay cơ quan nhà nước, cơ quan đảng, họ đem những phốt đó đi tống tiền. Tôi cho đó là một dạng tội phạm lừa đảo”, nhà báo Lê Nghiêm nêu ý kiến.

Một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này được cho là ảnh hưởng từ nền kinh tế thị trường; hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí còn nhiều kẽ hở khiến những vi phạm trong đạo đức nghề báo chưa được kiểm soát chặt chẽ. 

Một nguyên nhân lớn không thể không nhắc tới đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị - văn hóa, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của một bộ phận người làm báo; thiếu kiến thức cơ bản về nghiệp vụ báo chí.

Tiến sĩ Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản

Cùng bức xúc về hiện tượng này, Tiến sĩ Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản cho rằng, thực tế có không ít nhà báo trong quá trình tác nghiệp đã quên mất đạo đức của người làm báo, dẫn tới có những hành vi trái với Luật Báo chí. 

Theo TS Dũng, có nhiều lý do dẫn tới những hành vi trái luật của nhà báo, nhưng lý do đầu tiên là nhận thức của những con người đó. Do không nhận thức được đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của người làm báo, cũng như phong cách, bản lĩnh còn hạn chế, chưa rèn luyện được sự vững vàng, thế nên, có người thời gian làm nghề chưa nhiều nhưng đã tự cho mình cái quyền là nhà báo có thể này nọ. Nhà báo cũng phải hoạt động theo luật pháp, theo tôn chỉ mục đích của tờ báo và phải thực hiện chức trách của người phóng viên, biên tập viên, chứ không thể đi lệch với những quy định, nhiệm vụ của mình.

“Nhiều tòa soạn báo phải tự hạch toán thu chi, phải tự trả lương cho phóng viên. Áp lực này cũng là một trong những chất “xúc tác” khiến cho phóng viên, nhà báo nảy sinh tiêu cực trong quá trình tác nghiệp. Một nguyên nhân nữa tuy là nhỏ nhưng lại khá phổ biến, đó là sự lôi kéo, tác động tới nhà báo tham gia vào một cuộc đấu đá của một số cá nhân trong một cơ quan, tổ chức nào đó. Vì hạn chế trong hiểu biết, văn hóa ứng xử thiếu lành mạnh, tích cực nên nhiều nhà báo dễ sa vào những hành vi không đúng chuẩn mực đạo đức xã hội, chứ chưa nói đến chuẩn mực đạo đức của người làm báo”, ông Dũng chia sẻ.

Để giải quyết tình trạng này, nhà báo Lê Nghiêm -  nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại cho rằng, trước hết cần cảnh tỉnh các cơ quan nhà nước, các đoàn thể xã hội, các doanh nghiệp cần cảnh giác, khi gặp những đối tượng như vậy cần phải thu thập bằng chứng để tố cáo với cơ quan chức năng. Phóng viên, nhà báo mà làm thế là thoái hóa, biến chất, là tội phạm, vậy cứ xử lý họ như tội phạm. Mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cũng có công văn cảnh báo tình trạng này, đề nghị các cơ quan, tổ chức khi gặp những người có biểu hiện như thế cần chủ động thu thập bằng chứng để có cơ sở xử lý.

“Cùng với đó, tôi tin rằng, việc thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 sẽ có tác dụng ngăn chặn từ đầu, giải tán, chấm dứt hoạt động của những cơ quan báo chí không có đủ điều kiện để hoạt động nghề báo một cách đàng hoàng, phải sống nhờ cách làm không tử tế, phải nuôi một đội quân đi kiếm ăn theo cách như thế”, ông Lê Nghiêm nhấn mạnh.

Nhà báo Nguyễn Công Dũng thì nhấn mạnh vai trò của các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, Tổng Biên tập và Ban biên tập có vai trò, vị trí hết sức quan trọng để làm giảm đi hành vi tiêu cực của nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Đồng thời, các bộ phận cấp dưới cũng phải luôn bám sát hoạt động của phóng viên của mình, để hai phía đều có trách nhiệm lẫn nhau.

Vị Phó Tổng Biên tập cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc mỗi phóng viên, nhà báo khi đã chọn dấn thân với nghề này, luôn phải có ý thức tự rèn luyện, học tập để hiểu và viết đúng, làm đúng; rèn luyện kỹ năng trong quá trình tác nghiệp để có một phương pháp làm việc chuẩn chỉ, chính điều đó sẽ tạo nên bản lĩnh chính trị của họ, từ đó có thể “miễn dịch” với những yếu tố xấu, độc từ bên ngoài./.

Theo Thanh Hà/VOV.VN

 

Các tin khác:
  • Phát thanh trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay (24/07/2020-8:27)
  • VTV Đặc biệt "Đi về miền đất lạnh": Câu chuyện xúc động về đề tài đi tìm mộ đồng đội (22/07/2020-12:10)
  • Nhà báo phải có kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình (22/07/2020-12:07)
  • Kỷ niệm khó quên chuyến công tác dài ở đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ (22/07/2020-11:30)
  • Làm sao để có khoảnh khắc chân thực và nhân văn? (18/07/2020-10:40)
  • “Trở về từ vùng dịch”: Khơi dậy và lan tỏa niềm tự hào của dân tộc (17/07/2020-10:34)
  • Nhà báo: Anh ở đâu? (17/07/2020-10:32)
  • Trung tá - nhà báo Lê Văn Chương: Người nặng tình với biển khơi (16/07/2020-9:27)
  • TTXVN ra mắt cuốn sách về Đổi mới sáng tạo trong báo chí toàn cầu (11/07/2020-9:23)
  • Truyền thông quốc tế: “Phép màu” chiến thắng đại dịch Covid-19 (11/07/2020-9:21)