Hình ảnh minh họa, từ internet
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sỹ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.
Người đã ký Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/2/1947 quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sỹ. Đến tháng 6/1947 Bác đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh toàn quốc” để đồng bào có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, và ngày 27/7 đã được chọn là Ngày thương binh toàn quốc, từ năm 1955 đổi thành Ngày thương binh, liệt sỹ.
Rõ ràng từ rất sớm người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến những người đã hy sinh tính mạng, một phần máu thịt cho bình yên, vẹn toàn của đất nước. Tiếp nối truyền thống ấy, trong những năm qua chính sách, chế độ dành cho người có công ngày càng được Đảng, Nhà nước ta nghiên cứu, đổi mới và hoàn thiện.
Mỗi đồng chí lãnh đạo, mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân luôn ý thức, nhắc nhờ bản thân mình chăm lo, đền đáp, thực hiện có trách nhiệm hơn chế độ, chính sách đối với người có công.
Các nghĩa trang liệt sỹ được xây mới, nâng cấp, tu bổ, thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ được quan tâm cả về chế độ vật chất, tạo thêm việc làm cũng như chăm sóc sức khỏe, nâng cao mức hưởng thụ tinh thần.
Rõ ràng là chúng ta đang cùng nhau lan tỏa, truyền đi một thông điệp rất mạnh mẽ, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của người sau với người trước, người hái quả đối với người trồng cây...
Từ những chuyến đi thăm, tặng quà các thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp, các hoạt động tôn vinh điển hình tiên tiến trong phong trào đền ơn đáp nghĩa hay đơn giản như hoạt động chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ của đoàn viên, hội viên, học sinh… luôn cho thấy tình cảm, sự biết ơn vô hạn.
Những việc làm không chỉ đơn giản là câu chuyện đến hẹn lại lên, đến dịp lại tổ chức, cũng không thể định lượng, mà chính là một thứ tình cảm thiêng liêng, tự nhiên tồn tại trong sâu thẳm lòng người, có dịp lại lay thức.
Càng biết ơn những người đã hy sinh tính mạng, máu thịt của mình cho tổ quốc càng đòi hỏi mỗi chúng ta thêm tự hào, trân quý và nâng cao trách nhiệm của mình. Bằng những việc làm cụ thể nhất, chúng ta hãy biến sự thiết thực ấy thành nguồn lực vật chất và liệu pháp tinh thần hướng vào các đối tượng người có công, để cùng nhau chung tay xây dựng nên một xã hội thật sự nhân văn và biết ơn.
Lam Vũ