Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Cốt lõi vẫn ở sự tự giác (28/07/2020-00:18)
    (NLBTH) - Trước khi sát hạch tay lái học viên đều phải trải qua những tiết học bắt buộc về đạo đức người lái xe. Từ năm 2019 môn học này đổi thành "Đạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông".

Rõ ràng là không chỉ cơ sở đào tạo mà cả xã hội đều mong muốn có những lái xe vừa có kỹ thuật vừa có đạo đức khi tham gia giao thông, nhưng thực tế thì sao?

Tham gia giao thông hoặc xem các clip về giao thông luôn đem đến cho chúng ta thêm sự lo lắng. Những lái xe vi phạm pháp luật về giao thông không đơn giản chỉ là do họ non kinh nghiệm, mà lớn hơn chính là sự non yếu về đạo đức.

Với số tiết học không nhiều trong cơ sở đào tạo cùng giáo trình được nhiều chuyên gia đánh giá là còn thiếu tính thực tế, môn học này được nhìn nhận mới chỉ chỉ là kênh tác động đến ý thức của lái xe. Thế nhưng ngay cả điều ít ỏi đó, với nhiều người ngay sau khi rời cơ sở đào tạo đã quên ngay.

Khi ngày càng có nhiều cơ sở đào tạo lái xe ra đời thì cách quản lý, vận hành đào tạo cũng đang được một số cơ sở chuyển dịch theo hướng “mềm” hơn để thu hút học viên. Cùng với đó nhiều lái xe đến cơ sở đào tạo mang theo tư tưởng cốt chỉ để lấy giấy phép nhiều hơn là muốn trở thành lái xe thực thụ, toàn năng. Đây là những tác nhân khiến cho vấn đề đạo đức dễ dàng bị họ bỏ qua.

Cách đây 10 năm tôi tham gia một khóa đào tạo lái xe theo con đường cả cơ quan đăng ký tổ chức lớp học riêng. Chúng tôi được học theo yêu cầu, chú trọng rèn luyện tay lái, còn môn học đạo đức người lái xe thì rút càng ngắn càng tốt hoặc giáo viên châm chước cho học viên vắng mặt. Ấy là khi mà việc cạnh tranh trong đào tạo lái xe còn chưa khốc liệt như bây giờ.

Có không ít câu chuyện kể của nhiều người học sau khi ra trường, chỉ nghe thôi đã đủ để giật mình. Đạo đức đã và đang là một “khoảng trống” không hề nhỏ, tác động tiêu cực đến tay lái của một bộ phận lái xe. Với nội dung, cách thức đào tạo như hiện nay, để hình thành, rèn luyện được đạo đức người lái xe, văn hóa giao thông đúng nghĩa, thực sự là một khó khăn.

Những nghiên cứu tâm lý giao thông hiện đại phân biệt rõ ràng giữa những gì mà lái xe có thể làm và những gì sẵn sàng làm. Những gì có thể làm là từ kiến thức và kỹ năng có được, những gì sẵn sàng làm còn xuất phát từ sự nhận thức nguy cơ và khả năng tự đánh giá. Các yếu tố này tác động và chịu ảnh hưởng từ các cấp độ tâm lý khác nhau, mà cao nhất là thái độ, niềm tin, mục đích sống của lái xe.

Vậy nên chúng ta không bất ngờ khi chứng kiến nhiều những tình huống hỗn loạn giao thông không phải do quá tải về mật độ phương tiện hay xuống cấp của hạ tầng, mà chính là sự xuống cấp ý thức của nhiều lái xe.

Xã hội cần những lái xe có kỹ thuật, trình độ, nhưng hơn thế phải là đạo đức. Bởi lái xe có giỏi tay lái đến đâu nhưng nếu không tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, thì sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến các vi phạm.

Gần đây đã có nhiều văn bản chấn chỉnh tình trạng đào tạo, sát hạch lái xe. Tuy nhiên phải khẳng định, cơ sở đào tạo lái xe dù cố gắng đến mấy chắc chắn cũng chỉ có thể trang bị được một phần căn bản vấn đề đạo đức. Phần lớn hơn vẫn phải là tính tự giác của mỗi lái xe. Đây chính là cách thức hiệu quả nhất để hình thành và rèn luyện đạo đức, văn hóa giao thông, phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông. Nếu không, dù cho có giỏi tây lai đến mấy chăng nữa, nhiều lái xe vẫn hành động sai trái, bất chấp luật lệ, nhân tâm.

Mà để nuôi dưỡng tính tự giác lại cần phải có môi trường phù hợp từ cộng đồng, từng gia đình, suy nghĩ và tình cảm của mỗi lái xe. Lái xe sau khi lấy giấy phép chưa hẳn là đã hoàn thành nghĩa vụ của mình, mà còn tiếp túc phải được bồi đắp theo thời gian.

Cùng với đó chúng ta không chỉ nên quá chăm chú vào việc xử phạt vi phạm, mà phải lấy tuyên truyền, thuyết phục để đẩy lùi vi phạm. Xử phạt chỉ là phần ngọn, nâng cao đạo đức lái xe mới là gốc rễ vấn đề.

An Nhiên

 

Các tin khác:
  • Xây dựng xã hội nhân văn và biết ơn (26/07/2020-22:09)
  • Mở đường cho công nghiệp văn hóa (25/07/2020-8:40)
  • Tạo cơ hội rèn luyện cho tuổi trẻ (22/07/2020-9:40)
  • Để quản lý tốt hơn một lĩnh vực có nhiều phức tạp (20/07/2020-9:43)
  • Nơi đáng sống (20/07/2020-9:41)
  • Đừng bị mê hoặc bởi những luận điệu cũ kỹ (17/07/2020-10:37)
  • Đề cao trách nhiệm ứng phó với hỏa hoạn (14/07/2020-23:22)
  • Một đề xuất được nhiều người dân ủng hộ (13/07/2020-10:24)
  • Làm gì với những ngày hè? (11/07/2020-23:02)
  • Phân rõ hơn trách nhiệm (11/07/2020-9:27)