Vài ngày trước nhiều người đã chia sẻ lên trang facebook cá nhân những thông tin ngụy tạo liên quan đến dịch bệnh, trong đó có phát ngôn được cho là của một đồng chí lãnh đạo cấp cao dự báo dịch Covid - 19.
Phần lớn những người này chỉ nghĩ đơn giản rằng thông tin gắn với người có trách nhiệm là uy tín, rồi mặc nhiên với việc làm được họ cho là đúng ấy mà không hề để ý đến nguồn gốc thông tin.
Sự tiện lợi của công nghệ và gấp gáp của lối sống khiến cho nhiều đôi tay đang gõ lên bàn phím một cách rất hồn nhiên và vội vàng.
Sư dụng mạng xã hội không chỉ cần đến đạo đức, mà còn phải hiểu biết. Trong mùa dịch bệnh này đưa thông tin gì lên mạng xã hội là câu hỏi được quan tâm hơn cả. Có thông tin tưởng thật lắm rồi nhưng vẫn là giả, người đăng tin và xem tin xin đừng phản ứng vội vàng, thái quá. Rất dễ để chúng ta có thể bị đánh lừa, bị lợi dụng bởi chính đôi tay vội vàng của chúng ta trong khi bộ não lại lười nhác không chịu vào cuộc.
Đã có rất nhiều người đưa và chia sẻ thông tin không đúng sự thật lên không gian mạng bị xử lý về mặt hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng khi một tài khoản bị xóa đi lại có tài khoản khác vi phạm.
Họ làm gì với điều đó, chả lẽ chỉ để thỏa mãn sự tung hô trên cõi mạng như một anh hùng? Có quá vô bổ và phù phiếm không khi cái giá phải trả là thật, không hề phù phiếm như trên không gian ảo tưởng ấy.
Viết gì, chia sẻ điều gì lên mạng xã hội không chỉ có ích cho mình mà còn phải cho cộng đồng là điều cần thiết. Người có lương tâm sẽ hiểu nguyên tắc, trách nhiệm ấy. Khi tiếp cận thông tin thường tác động lên bộ não rồi mới truyền đến đôi tay. Nhưng trong nhiều hoàn cảnh thì quy trình lại ngược lại: đôi tay làm việc, còn não thì nhởn nhơ. Như thế là quá nguy hiểm.
Về lý thuyết sinh học chưa bao giờ tay nhanh hơn não cả. Mọi phản ứng thần kinh đều chịu sự điều khiểm của não bộ. Nhưng khi hiệu ứng đám đông bùng nổ, căn bệnh sống ảo trở nên phổ biến, thì bệnh “tay nhanh hơn não” cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Bệnh lý ngộ độc thực phẩm đang làm cơ quan y tế đau đầu, giờ lại thêm phần vất vả khi có quá nhiều người nhồi nhét, dung nạp thông tin xấu độc về bệnh dịch vào đầu mà chẳng cần xem có dẫn đến nguy cơ “ngộ độc não” hay không nữa.
Những thông tin làm nhiễu loạn đời sống ấy đang tiếp tay cho bệnh dịch trở nên phức tạp, khó kiểm soát hơn.
Để hạn chế sai sót, khi tiếp nhận thông tin hãy dành vài chục giây để tự hỏi: Thông tin ở đâu ra, nó được tạo ra có đủ trách nhiệm không và chia sẻ để làm gì? Hãy để đôi tay không còn quá nhanh, quá tự do bằng sự kiểm soát của bộ não là điều cần lắm lúc này, với người sử dụng mạng xã hội.
An Nhiên