“Cái nào tiến bộ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn thì ủng hộ. Thủ tục định ra mà lạc hậu rồi thì phải bỏ, phải cải cách, tại sao cứ bám những cái cũ? Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì thuận tiện cho nhân dân, hiện đại thì ta làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh như vậy tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn quan điểm khác nhau của Dự án Luật Cư trú (sửa đổi), trong đó có nhiều ý kiến cho rằng nên lùi lại 5 năm nữa, đến năm 2021.
70 năm - quá nhiều hệ lụy và những bất cập
Sổ hộ khẩu hiện là căn cứ để người dân thực hiện các giao dịch, từ cư trú tới công việc, học hành, hưởng thừa kế tới mua bán điện, nước… Đến nay, sổ hộ khẩu đã tồn tại hơn 70 năm và đôi khi được coi như vật bất ly thân với nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, đến nay cũng chính cuốn sổ hộ khẩu này đã làm nảy sinh vô số hệ lụy và bất cập cho người dân.
Việc khai tử, từ bỏ sổ hộ khẩu giấy là vấn đề đã được đưa ra tranh luận, bàn bạc từ nhiều năm qua. Cách đây 2 năm khi Bộ Công an công bố Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp, dư luận xã hội cũng như báo giới đã rất quan tâm tới vấn đề này. Phần đa các ý kiến đều cho rằng cuốn sổ hộ khẩu ấy là lực cản trong tiến trình phát triển xã hội như hiện nay, nếu không muốn nói là bộc lộ quá nhiều bất cập. Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tự do cư trú, đi lại, giao dịch, quyền bầu cử, ứng cử, học tập, làm việc, sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân… là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên, cuốn sổ hộ khẩu đã vô hình chung phân biệt các công dân khi cùng chung sống trên một địa bàn. Công dân không có hộ khẩu tại các đô thị, thành phố lớn luôn có cảm giác là “công dân hạng hai” mỗi khi cần giao dịch: Mua bán nhà đất, vay vốn ngân hàng, đăng ký xe, xin học cho con… trong khi thực tế, họ đang sinh sống, cống hiến sức lao động, trí tuệ… cho ngân sách, sự phát triển của thành phố, đô thị ấy.
Bên cạnh đó, việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu như hiện nay cũng đang gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng/năm, đồng thời gây ra nhiều khó khăn, rườm rà cho công dân khi đi làm các thủ tục hành chính. Trên thực tế, đã có rất nhiều vấn đề nảy sinh từ cuốn sổ hộ khẩu, không ít tiêu cực cũng nảy sinh từ việc “gian lận” để có sổ hộ khẩu. Qua rà soát sơ bộ, Ủy ban Pháp luật nhận thấy có 27 thủ tục hành chính đang được quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Còn theo Bộ Công an, hiện có tới 22 nghị định và 54 thông tư có quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/8 thảo luận một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật cư trú (sửa đổi), đích thân người đứng đầu cơ quan lập pháp của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã chia sẻ: “Cái nào tiến bộ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn thì ủng hộ. Thủ tục định ra mà lạc hậu rồi thì phải bỏ, phải cải cách, tại sao cứ bám những cái cũ? Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì thuận tiện cho nhân dân, hiện đại thì ta làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà. Tôi từng bị mất sổ hộ khẩu, làm lại vất vả, khai tới khai lui”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân còn đặt câu hỏi: Trên thế giới bây giờ có bao nhiêu quốc gia còn hộ khẩu? Nước Lào cạnh chúng ta còn không?... “Chắc chỉ có Việt Nam còn tồn tại loại hình Sổ hộ khẩu. Thế giới giờ đã có một thẻ căn cước công dân, chỉ quét là ra hết thông tin cá nhân” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Cần một thời kỳ chuyển tiếp?
Tuy nhiên, tại phiên họp 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cư trú (sửa đổi), một số ý kiến băn khoăn, cho rằng quy định thời điểm có hiệu lực của Luật Cư trú (sửa đổi) từ ngày 1/7/2021 là “không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được trên thực tế”. Nếu bỏ ngay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì sẽ gây xáo trộn lớn đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, gây khó khăn, phiền phức cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự khác có đòi hỏi chứng minh thông tin về nơi cư trú. Từ đó, đề nghị trong luật cần quy định về lộ trình chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm việc chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới thực sự khả thi. Trong lộ trình này, nên tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phân tích để áp dụng phương thức quản lý cư trú mới theo quy định của dự luật, Thường trực UBPL cho rằng cần ít nhất 2 điều kiện cơ bản. Thứ nhất, phải hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và cấp đầy đủ số định danh cá nhân cho mọi công dân. Thứ hai, tất cả các cơ quan đăng ký cư trú theo quy định mới của luật (cơ quan công an từ cấp xã) phải được trang bị đủ máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng; cán bộ, chiến sĩ đủ năng lực để thực hiện việc cập nhật, quản lý, xử lý thông tin về cư trú trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Qua kết quả khảo sát, Thường trực UBPL nhận thấy còn khá nhiều ý kiến lo ngại về việc bảo đảm thực hiện các điều kiện thi hành luật sau khi ban hành. Vì lý do đó, Thường trực UBPL đồng tình với các ý kiến của ĐBQH, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) quy định một thời kỳ chuyển tiếp, cho phép sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp song song với hệ thống điện tử đến hết ngày 31/12/2025 là thời điểm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được hoàn thiện, 100% cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa, lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại.
“Không có căn cứ gì để kéo dài thêm 5 năm nữa”
Tuy nhiên, Cơ quan chủ trì soạn thảo luật là Bộ Công an không đồng tình với quan điểm của Ủy ban Pháp luật. “Việc tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu cho tới năm 2025 là không phù hợp, không thực tế. Đây là sự thay đổi rất căn bản, là mong muốn của nhân dân, của công dân. Nếu kéo dài thêm 1 nhiệm kỳ, tức là 5 năm nữa thì quyết tâm thực hiện việc đổi mới này không cao” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh quan điểm và đề nghị giữ nguyên phương án Chính phủ trình, áp dụng từ 1/7/2021 và không để thời gian chuyển tiếp tới năm 2025. Cũng theo khẳng định của Bộ trưởng Tô Lâm, các bộ, ngành liên quan đang tích cực triển khai để bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang phương thức quản lý dân cư bằng điện tử từ 1/7/2021 khi luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực và “không có căn cứ gì” để kéo dài việc sử dụng sổ hộ khẩu giấy thêm 1 nhiệm kỳ 5 năm nữa.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Bộ Công an cũng như trước những băn khoăn không kịp thực hiện vào giữa năm sau của nhiều đại biểu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu tới lúc đó chưa xong thì Quốc hội sẽ gia hạn thêm, còn ngày 1/7/2021 là mốc để cố gắng phấn đấu. “Tôi thống nhất như đề xuất của Chính phủ, không nên kéo dài đến năm 2025”, Chủ tịch Quốc hội tỏ rõ quan điểm.
Không nên kéo dài đến năm 2025 - quan điểm ấy của người đứng đầu Quốc hội có lẽ nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân, những con người, những thế hệ 70 năm qua đã quá thấu với những bất cập, hệ lụy mà cuốn hộ khẩu bằng giấy chỉ to hơn lòng bàn tay mang tới. Phàm ở đời, cái gì mới, cái gì lâu đời bén rễ, cũng khó thay đổi. Nhưng như Bác Hồ lúc sinh thời từng nói: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”, phải “chống lại những gì cũ kỹ hư hỏng”. Vì dân, có lợi cho dân, dân lại đồng lòng, thì lo gì không kịp, đừng quyến luyến những gì đã thành lực cản lạc hậu.
Theo Trang Thư/Báo Nhà báo và Công luận