Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Bộ Công an cảnh báo về thủ đoạn mạo danh cán bộ gọi điện thoại lừa đảo (22/09/2020-19:52)
    Trong 6 tháng đầu năm nay, Công an 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiếp nhận 776 vụ, với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ảnh minh họa

Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, có những vụ án mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

"Người dân cần cảnh giác với các cuộc điện thoại có hiển thị số giống hệt số điện thoại công khai của Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Bưu điện, Ngân hàng, Bảo hiểm..." - Bộ Công an cảnh báo.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Công an 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiếp nhận 776 vụ, với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, nổi lên là phương thức thủ đoạn lừa đảo giả danh, mạo danh Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra, Tòa án, Bưu điện... để chiếm đoạt tài sản gia tăng mạnh, chiếm tỷ lệ trên 65% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh, mạo danh cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp, mà các đối tượng thường sử dụng có đặc điểm chung là: Chúng sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân...; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng.

Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra.

Đặc điểm dễ dàng nhận biết đối tượng lừa đảo qua điện thoại là: Các đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Ngân hàng, Bưu điện và yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện "đang bị điều tra", vừa trao đổi cho bất kỳ ai.

Bộ Công an cho biết, Công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan Công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.

Bộ Công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất./.

Theo Việt Cường/VOV

 

Các tin khác:
  • Những vi phạm nào sẽ bị trừ điểm trong giấy phép lái xe? (04/09/2020-16:37)
  • Khai tử sổ hộ khẩu: Không nên chần chừ! (14/08/2020-22:29)
  • "Ngưỡng" nào cho quyền lực thứ 4 (07/08/2020-17:31)
  • Quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến (07/08/2020-17:30)
  • Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không để quay lại giãn cách xã hội trên toàn quốc (06/08/2020-11:51)
  • Dịch Covid-19 lần này khó khăn hơn nhiều, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh (06/08/2020-11:48)
  • Đấu tranh tin xấu, tin giả, tin độc trên mạng xã hội bằng cách “lấy đẹp dẹp xấu” (04/08/2020-15:41)
  • Cán bộ tuyên giáo không thể sống xa dân, xa cơ sở (22/07/2020-9:38)
  • Tự do mạng xã hội phải đi kèm trách nhiệm xã hội (08/07/2020-22:15)
  • Làm thầy, đừng vô cảm! (23/05/2020-22:48)