Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Hướng đến nền hành chính lấy người dân làm trung tâm (09/07/2021-10:10)
    Thời gian qua công tác giải quyết thủ tục hành chính ở nhiều ngành, địa phương đã có những chuyển biến nhằm hướng đến một nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp thuận tiện nhất. Tuy nhiên, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, vẫn còn những “góc khuất” cần được cơ quan chức năng soi sửa.

 Ảnh minh họa.

Liên quan đến giải quyết các thủ tục hành chính hiện nay đang tồn tại hai cách ứng xử. Trong khi nhiều người khi đến cơ quan chức năng để giải quyết thủ tục hành chính chỉ nộp các khoản phí, lệ phí theo quy định, chấp nhận có thể sẽ có việc bị gây khó dễ, thì vẫn có những người cho rằng nếu phải bỏ ra một khoản tiền “bôi trơn” mà có kết quả sớm thì vẫn hơn là phải mất công chờ đợi trong lo lắng.

Không bỗng dưng mà người dân phải bỏ ra những khoản chi phí vô lý như thế nếu như không có sự gợi ý, vòi vĩnh của những người mà họ trực tiếp giao dịch.

Mới đây Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã công bố chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020, qua đó cho thấy vẫn còn đến 48/63 tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng người dân phải nộp phí “bôi trơn” để giải quyết thủ tục hành chính, tăng 2 tỉnh so với năm 2019 và 57 tỉnh, thành phố còn để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu khi đến cơ quan chức năng để giải quyết thủ tục hành chính.

Điểm đáng chú ý nữa là tỷ lệ người dân đi lại một lần mà giải quyết xong thủ tục hành chính chỉ chiếm 29,69%. Đây là con số quá thấp so với mục tiêu đặt ra.

Dù đã rất chú trọng công tác cải cách hành chính, xem đó là khâu đột phá, làm động lực thúc đẩy các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng bởi còn nhiều lý do nên dẫn đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Trong khi cơ quan cấp trên quyết liệt, nhưng lại thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, nên một bộ phận cán bộ cấp dưới, cán bộ trực tiếp vẫn có sự bê trễ, hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.

Rõ ràng là việc phục vụ của cán bộ với tư duy lấy người dân làm trung tâm chưa được nhận thức một cách đúng mức. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức chưa nghiêm, vi phạm chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Cùng với đó, một khi vẫn còn người dân đem theo suy nghĩ cực đoan theo kiểu lấy đồng tiền “bôi trơn” thay cho việc phải đáp ứng các yêu cầu hoàn thiện hồ sơ theo quy định, thì chắc chắn vẫn sẽ còn những cán bộ vụ lợi.

Qua những con số thống kê do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố, tiếp tục đặt ra và đòi hỏi cơ quan có trách nhiệm trong việc thực thi cải cách hành chính phải rà soát lại các khâu theo tinh thần “tự soi, tự sửa” để kịp thời điều chỉnh những thiếu sót nhằm xây dựng một nền công vụ hiện đại, nhân văn, thực sự đặt lợi ích của người dân và doanh nghiệp lên hàng đầu. Mặt khác, người dân cũng phải chung sức cùng cơ quan chức năng bằng việc chấp hành quy định của Nhà nước, không “xé rào” thủ tục, không đi tắt để cắt ngắn hành trình của văn bản gây mất công bằng trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, tạo ra những hệ lụy xấu cho xã hội.

Theo Lam Vũ/Báo Thanh Hóa Điện tử

 

Các tin khác:
  • Nhà báo và mạng xã hội: Đừng để bị… sập bẫy (25/06/2021-16:07)
  • Tham gia Mạng xã hội không giúp bạn thành nhà báo (06/06/2021-9:12)
  • Khi mạng xã hội là nền tảng cho báo chí (09/03/2021-16:56)
  • Tiện ích và sự đón nhận (01/03/2021-9:22)
  • Vững tâm qua thử thách (23/12/2020-11:28)
  • Đừng tiếp tay cho “rác văn hóa” livestream (03/11/2020-13:30)
  • Năm học mới, để vơi đi nỗi lo bệnh cũ (24/08/2020-11:47)
  • Nhận thức đúng, thực hiện nghiêm (20/08/2020-22:55)
  • Chung sống an toàn có điều kiện (18/08/2020-22:56)
  • Chờ đợi những điều mới mẻ (18/08/2020-7:48)