Ngắm bọn trẻ ngồi học online vì giãn cách xã hội do dịch COVID-19, tôi nhớ đến bức ảnh tư liệu về học sinh đội mũ rơm đến trường trong thời kỳ miền Bắc chống chiến tranh phá hoại.
Trong hành trang đến trường của trẻ em Việt Nam giai đoạn chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, bên cạnh sách vở luôn là những chiếc mũ rơm. Ảnh: TL
Những em nhỏ gương mặt bầu bĩnh, mắt tròn đen ngây thơ, đến lớp cùng những chiếc mũ (và đôi khi cả áo tơi) bện từ rơm nặng chịch. Hình ảnh của giai đoạn lịch sử này cho thấy sự nhẫn nại và kiên cường của cả dân tộc, đối mặt với ác liệt chiến tranh một cách sáng tạo, bình thản và quyết tâm. Dưới mưa bom bão đạn, cuộc sống vẫn tiếp diễn, con người vẫn phải sinh hoạt, sản xuất và học hành.
Các em “học sinh mũ rơm” thời chiến, nhìn ở một góc độ nào đó, cũng có nét tương đồng với “học sinh laptop” hiện nay, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường tại nhiều địa phương trên cả nước. Để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, tại các địa phương này, học sinh chưa thể đến trường, phải học trực tuyến qua máy tính. Hình ảnh quen thuộc tại các gia đình là những em nhỏ, có em vừa qua tuổi mầm non, có em đã cấp 2, cấp 3…, ngồi trước màn hình laptop, computer, máy tính bảng, điện thoại di động… để học bài. Học trực tuyến, trước mắt, chỉ có hình thức này (và có thể kết hợp học qua truyền hình) là đáp ứng được với yêu cầu giãn cách xã hội tại các địa phương mà dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn.
Ngay trong tuần đầu tiên của năm học mới, khi ngành giáo dục của một số địa phương triển khai chương trình giảng dạy trực tuyến, đã có một số bạn bè, người quen của tôi, phản ánh về những bất cập của học trực tuyến. Đó là: Việc học online khá bất tiện khi gia đình có hơn 1 con đi học, bởi cha mẹ không đủ điều kiện trang bị máy tính cho tất cả các con. Mạng internet phập phù, mỗi buổi học, cô và trò “out” khỏi lớp vài lần, khiến tiết học bập bõm. Việc ngồi học trực tuyến cũng không phù hợp với học sinh lớp 1, bởi các con rất khó tập trung khi ngồi trước máy tính hàng giờ; hơn nữa việc thao tác với máy tính thì các cháu nhỏ không quen. Nội dung học của lớp 1 chủ yếu là nhận mặt chữ, mặt số, đánh vần, cách cầm bút, tư thế… không hoàn toàn phù hợp với học online. Thời gian ngồi trước màn hình máy tính quá lâu sẽ có hại cho sức khoẻ (thể chất, tinh thần) của trẻ. Những “nguy cơ trên mạng” cũng không phải không có, nếu để các con tự ý sử dụng máy tính một mình; trong khi đó không phải gia đình nào cũng có người lớn ở nhà để hỗ trợ các con. Học online cũng phát sinh hàng “núi” công việc và các nhóm thông tin giữa nhà trường với phụ huynh, khiến chính các vị phụ huynh cũng thấy “quá tải’. Thêm vào đó, gần đây, khi có một cháu bé 9 tuổi tại Hà Nội tử vong vì điện giật trong thời gian học online, thì những lời phàn nàn về học trực tuyến càng nhiều thêm.
Vì những lý do đó, có những người bạn của tôi, vừa cho con học, vừa xót xa; trong khi cũng có những bạn khác, thì quyết liệt, sẵn sàng cho con (năm nay vào lớp 1), chờ thêm một năm nữa, để đi học vào năm tới, khi “hết dịch”.
Những mặt trái của học trực tuyến, như những than phiền trên, đều là có thật. Nhưng cũng còn một sự thật nữa: Đó là dịch bệnh diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào hoàn toàn khống chế được, nên khái niệm “hết dịch” vẫn đang còn ở phía trước. Trong khi đó, cuộc sống hôm nay vẫn phải tiếp diễn, người lớn vẫn phải đi làm, trẻ em vẫn phải học hành, rèn luyện. Trong số nhiều hình thức học tập, thì học trực tuyến, trước mắt, là hình thức học đại trà đáp ứng được đa số mục tiêu đề ra.
Việc học hành là không thể và không nên dừng lại. “Chống dịch như chống giặc”, “cuộc chiến” với COVID-19 cũng như cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại xưa kia, không thể làm gián đoạn việc học tập của con trẻ. Và cũng giống như “cuộc chiến” với giặc dốt dưới mưa bom bão đạn chiến tranh, cần rất nhiều sự kiên nhẫn, quyết tâm, đồng thời với những chính sách phù hợp.
Trước mắt, để giải quyết vấn đề cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Thông tin Truyền thông đã phối hợp triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” để phủ sóng di động và trang bị máy tính, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để thực hiện học trực tuyến. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục, các địa phương, các nhà trường và cộng đồng cũng phát động phong trào, chủ động tìm các nguồn tài trợ, để không học sinh nào thiếu trang thiết bị học tập.
Đồng thời với việc giải quyết về cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kịp thời ban hành hàng loạt văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch, điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp tình hình dịch bệnh và công tác dạy học trực tuyến. Trước khi năm học mới 2021-2022 bắt đầu, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh tới nội dung triển khai dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương, xác định các yêu cầu, nội dung cốt lõi, căn bản trong chương trình dạy học, làm cơ sở để triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp.
Năm học “online” đã diễn ra được 1 tuần. Ngành giáo dục các địa phương đã và đang triển khai các chủ trương, chính sách nhằm thực hiện nhiệm vụ năm học, đảm bảo dạy và học an toàn, hoàn thành chương trình, mục tiêu, chất lượng giáo dục. Dư luận và các bậc phụ huynh vẫn tiếp tục mong chờ việc điều chỉnh nội dung học tập và giảng dạy một cách phù hợp hơn nữa với các đối tượng học sinh. Cụ thể, là giảm tải chương trình học hơn nữa, nhất là với các cấp học thấp, giảm về thời gian học sinh ngồi trước màn hình máy tính hơn nữa, song song với các phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp với điều kiện hiện nay.
Nhưng dù có chính sách, quyết định điều chỉnh nào được ban hành đi nữa, thì điều quan trọng nhất trong đổi mới, giảm tải chương trình giáo dục, chính là phương pháp giảng dạy của mỗi giáo viên và sự linh hoạt của mỗi nhà trường. Các giáo viên cần chủ động hơn nữa, để truyền tải kiến thức chứ không đơn thuần là “dạy cho hết bài học” trong chương trình, sách giáo khoa. Chính sự chủ động và sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của thầy cô sẽ cho ra đời những buổi học sinh động, hấp dẫn, cuốn hút học sinh, truyền tải đủ kiến thức mà không quá nặng nề, áp lực, không kéo dài thời gian ngồi trước màn hình máy tính của người học (tất cả các cấp). Để giáo viên thực hiện được điều này, các cơ sở giáo dục phải tạo được cơ chế và động lực để các thầy cô tìm tòi các phương thức, biện pháp truyền đạt hiện đại, hiệu quả tới học sinh.
Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung lại phải đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm và căng thẳng như COVID-19. Chính vì chưa có tiền lệ, nên những lúng túng và đây đó có những sai sót trong nhiều lĩnh vực là không thể không xảy ra. Tuy nhiên, quyết tâm của con người kết hợp với sự trợ giúp của tiến bộ khoa học kỹ thuật chắc chắn sẽ giúp mục tiêu “bình thường mới” sớm được lập lại. Trước khi tìm kiếm ra những hình thức đào tạo khác hiệu quả hơn nữa, khắc phục các điểm chưa hoàn thiện hiện nay, thì điều cần thiết là học sinh cố gắng hơn, phụ huynh nhẫn nại hơn, giáo viên chủ động, và nhà trường linh hoạt hơn, còn các cấp quản lý giáo dục thì phải bám sát thực tiễn, kịp thời điều chỉnh bằng các chủ trương, chính sách khả thi, hiệu quả.
Có như vậy, quãng thời gian “đi học laptop” của thế hệ trẻ ngày nay sẽ tiếp nối được cha ông thời “mũ rơm đến trường” thuở xưa, ghi nên được những kỳ tích đáng tự hào.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com