Đạo đức người làm báo (ethics for journalists) là khái niệm không chỉ biết đến ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Báo chí thế giới từ lâu đã quan tâm đến vấn đề này. Tổ chức báo chí của nhiều nước trên thế giới và đặc biệt rất nhiều tờ báo lớn đã sớm đưa ra những quy định rất chặt chẽ về đạo đức cho hội viên của hội mình, cho phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí đó. Có nước chưa có Luật báo chí nhưng có quy tắc đạo đức báo chí. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp người làm báo đối với uy tín của một tờ báo, của một tổ chức báo chí và của nền báo chí của một quốc gia.
Mặc dù có nhiều điểm khác nhau giữa hàng trăm, hàng trăm bản quy định đạo đức báo chí đó, song nhìn chung có rất nhiều điểm tương đồng, như những quy định về tôn trọng sự thật, về sự khách quan, không vụ lợi của nhà báo, về trách nhiệm xã hội của nhà báo, về việc tôn trọng quyền riêng tư và danh dự của công dân, tôn trọng các giá trị của nhân loại và sự đa dạng văn hóa của các dân tộc, v.v… Nhiều bản quy tắc đạo đức của báo chí nước ngoài quy định rất cụ thể, không chỉ phù hợp với luật pháp của nước đó mà còn có cả những điều có thể trong luật chưa quy định.
Ở Việt Nam, đạo đức báo chí đã và đang là vấn đề luôn được quan tâm. Tại Đại hội lần thứ VI Hội Nhà báo Việt Nam (3/1995) đã đưa ra thảo luận và thông qua bản Quy ước về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam gồm 10 điểm, tạo ra khung đạo đức báo chí để các hội viên nhà báo Việt Nam căn cứ thực hiện trong quá trình hành nghề. Tuy nhiên, đây mới chỉ là quy ước, chưa mang tính bắt buộc. Trong Chỉ thị 37 ngày 18/3/2004 về “Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”, Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định nhiệm vụ của HNBVN là phải “Coi trọng việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất cách mạng, đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo. Xúc tiến xây dựng quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam…”.
Thực hiện Chỉ thị đó, Đại hội VIII Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 8/2005) đã thông qua Nghị quyết ban hành Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gồm 9 điểm, quy định những vấn đề cơ bản, cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp báo chí ở Việt Nam. Từ đó đến nay 9 điều quy định đạo đức nghề nghiệp đó luôn được nhắc đến trong sinh hoạt của các tổ chức hội nhà báo và hầu hết các nhà báo đã có ý thức thực hiện những quy định đó. Tuy nhiên, một số nhà báo chưa thực hiện tốt, thậm chí vi phạm nghiêm trọng những quy định này. Không hiếm tình trạng đưa tin sai sự thật, thông tin thiếu kiểm chứng, thiếu thẩm định nguồn tin, thiếu khách quan, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật, gây tổn hại đến danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; khai thác quá mức cần thiết thông tin từ những vụ án, đưa những tin bài, hình ảnh giật gân, thiếu văn hóa nhằm mục đích câu khách.
Thậm chí, một số còn lợi dụng danh nghĩa nhà báo để trục lợi cho bản thân… Những biểu hiện vi phạm đạo đức này có nhiều nguyên nhân. Trước hết do sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận người làm báo, họ làm việc thiếu trách nhiệm, họ muốn kiếm chác bằng nghề này hoặc lợi dụng nghề này để đạt được lợi ích cá nhân khác. Một số khác do chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh thiếu lành mạnh, chạy theo những thị hiếu tầm thường của một số đối tượng người đọc, tìm cách câu khách bằng bất cứ giá nào. Một bộ phận hội viên nhà báo không quan tâm, thậm chí không biết đến 9 điều quy định đạo đức người làm báo đã được Đại hội Hội Nhà báo thông qua nên đã vi phạm những quy định đó.
Một số nhà báo khác, nhất là các nhà báo trẻ, mới bước vào nghề, kỹ năng nghiệp vụ còn non nên trong quá trình tác nghiệp đã vô tình vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Một nguyên nhân quan trọng nữa là lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí, bao gồm cả tổ chức hội ở đó, chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp, chưa chăm lo giáo dục đạo đức cho phóng viên, biên tập viên, chưa có quy định đạo đức cụ thể, chặt chẽ phù hợp với yêu cầu và đặc thù của cơ quan báo chí do mình quản lý. Một lý do nữa không thể không nói tới là: mặc dù 9 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đến nay vẫn còn giá trị nhưng chưa đủ so với sự phát triển của xã hội, của truyền thông hiện đại, cũng như những quy định mới của pháp luật và mới chỉ dừng lại ở những quy định chung, chưa cụ thể, nên không phải ở đâu, không phải nhà báo nào cũng có thể diễn giải một cách đầy đủ nội hàm của những quy định đó để thực hiện.
Có thể nói, những quy định trong bản Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam là những nội dung rất cơ bản của đạo đức nghề báo, không có điều gì trái với pháp luật hiện hành, tuy nhiên có thể chưa đủ trong môi trường xã hội và báo chí hiện nay. Quy định về đạo đức nghề nghiệp phải phù hợp với luật pháp, nhưng không phải bê nguyên luật pháp. Có những điều luật pháp không cấm nhưng nhà báo không được làm hoặc không nên làm, những điều này cần đưa vào quy định đạo đức nghề nghiệp. Chẳng hạn, luật pháp luôn yêu cầu nhà báo phải tôn trọng sự thật, nhưng nếu sự thật đó ảnh hưởng xấu đến tâm lý và sự phát triển lâu dài của một trẻ em thì nhà báo có nên đưa lên mặt báo không?
Để những quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thực sự đi vào cuộc sống, giúp các nhà báo tránh được vi phạm về đạo đức trong quá trình hành nghề cần cụ thể hóa 9 điều quy định hiện có, bổ sung thêm những quy định mới, xây dựng một bộ quy tắc nghề nghiệp thật cụ thể, phù hợp với Luật báo chí mới và các luật pháp hiện hành, phù hợp với sự phát triển của báo chí hiện nay, phù hợp với văn hóa ứng xử của người Việt Nam và đòi hỏi của công chúng báo chí đối với người làm báo. Ngay trong nhiệm kỳ VIII Hội Nhà báo Việt Nam, sau mấy năm triển khai thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo VN, Lãnh đạo Hội lúc đó đã nhận thấy sự cần thiết phải cụ thể hóa 9 điều quy định này.
Từ tháng 2/2010, được sự đồng ý của Thường trực Thường vụ Hội, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam, với sự hỗ trợ của Hội đồng Anh, tổ chức biên soạn Quy tắc đạo đức báo chí trên cơ sở quy định hiện có. Sau 6 cuộc hội thảo , một buổi xin ý kiến các nhà báo lão thành và nhiều cuộc làm việc, kéo dài từ nhiệm kỳ VIII sang nhiệm kỳ IX, Ban soạn thảo đã cho ra đời bản Quy tắc đạo đức nghề nghiệp làm báo. Tuy nhiên bản quy tắc này chưa được chính thức thông qua, mới chỉ là tài liệu mang tính hướng dẫn thực hiện 9 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam (in trong cuốn Cẩm nang đạo đức báo chí do Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí xuất bản năm 2012). Nội dung bản quy tắc này có thể là tài liệu tham khảo bổ ích cho việc xây dựng một bản quy định mới.
Luật báo chí mới là cơ sở rất tốt để Hội Nhà báo xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp báo chí. Luật không chỉ luật hóa trách nhiệm của Hội trong việc xây dựng quy định đạo đức báo chí mà còn có những quy định mới đối với người làm báo có thể làm căn cứ để xây dựng những quy định cụ thể về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Xây dựng quy định mới cần đi đôi với việc đưa ra biện pháp tổ chức thực hiện. Cần yêu cầu tất cả các cơ quan báo chí phải xây dựng quy định đạo đức cụ thể cho cơ quan mình trên cơ sở quy định chung do Hội ban hành (điểm b, khoản 2, điều 8 Luật báo chí 2016 quy định: Hội Nhà báo “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”, tức là cho mọi người làm báo chứ không chỉ riêng hội viên Hội Nhà báo). Đồng thời cũng nên biên soạn sổ tay hướng dẫn, đưa ra các tình huống phức tạp, tế nhị, giúp các nhà báo thực hiện tốt nhất các quy định bởi lẽ rất nhiều trường hợp ranh giới giữa xử lý đúng và sai rất mỏng manh (giống như Cẩm nang đạo đức báo chí do Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí xuất bản).
Nhà báo Lê Quốc Trung
Nguồn Nhà báo và Công luận