Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Báo chí truyền thông với cuộc chiến chống dịch tin giả: Bài cuối: Cần lắm "vùng xanh" tin tức đẩy lùi tin giả (27/09/2021-14:49)
    “Vùng xanh” tin tức được các chuyên gia, các nhà báo nhắc đến nhiều như một trong những lời giải quan trọng cho bài toán “chống tin giả” hiện nay. Dĩ nhiên, thiết lập được những “vùng xanh” cũng rất cần những tinh thần xanh, tin tức xanh trên mặt báo cũng như trên không gian mạng.

 “Vùng xanh” tin tức được các chuyên gia, các nhà báo nhắc đến nhiều như một trong những giải pháp quan trọng giải bài toán “chống tin giả” hiện nay. Ảnh: minh họa

“Vùng xanh” càng rộng, đất sống cho tin giả càng hẹp

Những thông tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội được xem là một loại virus “siêu lây lan” và nguy hiểm không kém gì virus SARS-CoV-2. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch, một trong những thủ đoạn tung tin giả nổi lên là các đối tượng triệt để lợi dụng "khoảng trống", "độ trễ", "vùng trắng" thông tin về dịch bệnh để phát tán những thông tin bịa đặt, những bình luận xuyên tạc, sai sự thật, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của đất nước. Do đó, việc hạn chế các "vùng trắng", thiết lập “vùng xanh” trên không gian mạng cũng cần thiết không kém “vùng xanh” trong cộng đồng.

Để mở rộng "vùng xanh" tin tức, giải pháp tăng cường tin tức tích cực, tin tức có kiểm chứng luôn được giới chuyên gia đề cao. “Vùng xanh” càng rộng, đất sống cho tin giả sẽ càng hẹp.

Trong cuộc trò chuyện với Báo Nhà báo & Công luận, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã nhấn mạnh về vai trò quan trọng của báo chí trong việc tăng thêm lượng thông tin “sạch” cho công chúng, hạn chế cơ hội cho những đối tượng dùng tin giả để kích động, trục lợi. Ông khẳng định: “Tôi tin tưởng, tính thuyết phục chính là con đường sống của báo chí trong thời đại truyền thông số hiện nay. Vì thế báo chí phải cung cấp cho người đọc thông tin có nguồn gốc rõ ràng,  tạo được sức hút với công chúng, kéo họ đến với mình, tránh sa đà vào những tin tức không chính thống. Đồng thời phải thể hiện tính phản biện, tính chiến đấu trước những thông tin sai trái, vốn thường được không ít người đọc và chia sẻ trên mạng. Thêm nữa cần tuyên truyền để người dùng mạng xã hội có thêm kỹ năng và có trách nhiệm cao với mỗi hoạt động của mình, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử, tránh bị cả tin, lôi kéo và mắc bẫy các đối tượng xấu”.

Trên thực tế, cùng với Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam ra đời vài năm nay, một số cơ quan báo chí như Báo Nhân Dân, VietnamPlus đã xây dựng các chuyên trang “fact check” (kiểm chứng thông tin), dùng nghiệp vụ báo chí để phân tích xác định tin giả; báo Nhà báo & Công luận mở chuyên mục “Chống tin giả”, và nhiều cơ quan báo chí khác đều triển khai đồng loạt nội dung này... Đồng thời, các Sở Thông tin truyền thông các tỉnh thành trong cả nước cũng đặt nhiệm vụ “dập tắt tin giả” thông qua việc ứng dụng công nghệ để truy vết và xử phạt trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, “vùng xanh” được tạo ra từ việc tăng cường các kênh thông tin chính thống đa dạng phủ sóng trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, Tiktok…) để người dân có thể nhận diện được thông tin đúng đắn và tạo sự đề phòng, tính cảnh giác khi tiếp xúc với thông tin được lan truyền khác không chính thống trên không gian mạng. Từ đó tạo thói quen có sự tham khảo khi sử dụng thông tin, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực. 

Đồng thời, thông qua các kênh thông tin ở “vùng xanh” cũng là cách tăng cường các phương pháp nhận diện tin giả. Chẳng hạn như, mới đây ngày 10/9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban Truyền thông của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã ký ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại thành phố Hà Nội. Tổ công tác có nhiệm vụ chủ động phối hợp với thành phố Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó triển khai các phương án ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch; hỗ trợ liên lạc, thông tin về dịch bệnh cho người dân; chỉ đạo báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh; xử lý các thông tin sai sự thật trên môi trường mạng về dịch bệnh và các nhiệm vụ khác trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT. 

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng việc duy trì nguyên tắc bất biến-nguyên tắc sự thật của báo chí chính là giải pháp quan trọng. Thực tế cho thấy, khi đưa tin tức một cách công bằng và khách quan, các cơ quan báo chí luôn chiếm lĩnh được lòng tin của công chúng. Bên cạnh đó, cách thức thông tin theo hướng xây dựng, tạo niềm tin, lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, tuyệt đối không để suy diễn, gây hoang mang, phân tâm trong nhân dân... là dòng thông tin chủ lưu, cần thiết triển khai hơn nữa. Đây cũng chính là “vắc xin” quan trọng trong việc phòng chống đẩy lùi tin giả.

Theo báo cáo thảo luận chính sách gần đây về an toàn số trong Chuyển đổi số Quốc gia ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) khuyến nghị 4 giải pháp chính sách để nâng cao vấn đề an toàn trên môi trường số nói chung và ứng phó tin giả nói riêng. Trong đó đặc biệt đề cao vấn đề tăng cường năng lực báo chí chính thống để cung cấp thông tin kịp thời, lấy “tin thật” đẩy lùi tin giả. Một thị trường báo chí lành mạnh, tin cậy kết hợp với tốc độ cung cấp thông tin chính thống nhanh từ toàn bộ hệ thống công quyền sẽ kéo người dân từ mạng xã hội qua báo chí chính thống.   

Thêm vào đó, các thông tin chính thống cũng cần có những cách thể hiện sao cho thu hút nghĩa là muốn chống tin giả, tin thật phải hấp dẫn. Theo phân tích của TS. Đỗ Văn Quân và Ths Nguyễn Thu Hà - Viện Xã hội học và Phát triển - Học viện CTQG Hồ Chí Minh thì việc phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí chính thống, bảo đảm chính xác, kịp thời, góp phần ngăn chặn tin giả là rất quan trọng.

Cần xác định việc ngăn chặn tin giả, tin xấu độc là trách nhiệm hàng đầu của báo chí chính thống. Báo chí ngoài việc đăng tải thông tin, phát hiện, cảnh báo tin giả, còn cần phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện sớm tin giả, phối hợp đánh giá tác hại của tin giả, sau đó phối hợp kiểm tra, xác minh. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần đẩy mạnh các nội dung thông tin, bảo đảm kịp thời, chính xác, nhất là trước các vụ việc, sự kiện “nóng”, được dư luận đặc biệt quan tâm. Qua đó định hướng, dẫn dắt thông tin đúng trên mạng xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin giả, tin tiêu cực. Phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí trong thông tin tích cực. 

Thời gian quaBáo Quân đội nhân dân đã thẳng thắn “đối diện và đấu tranh” để phản bác những luận điệu sai trái  thông qua việc cung cấp kịp thời thông tin trung thực và khách quan  trên các ấn phẩm của Báo, trên các nền tảng mạng xã hội. Các chuyên mục “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” luôn được quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Không chỉ có báo Quân đội Nhân dân, các cơ quan báo chí chủ lực, trách nhiệm như báo Nhân dân, TTXVN, VTV, VOV, Báo Công an Nhân dân... đều xác định phải đảm bảo vai trò mục tiêu kép “vừa là nhà báo, cơ quan báo chí chuyên nghiệp, vừa là những cá nhân, tổ chức đi đầu trong chống tin giả”.

Rõ ràng là, trong tình hình ngày càng nhiều thách thức và phức tạp hiện nay, các nhà báo và tòa soạn cần phải hợp tác với nhau để đưa ra những thông điệp nhất quán xung quanh những thông tin sai trái. Như các chuyên gia phân tích, với việc đề cao trách nhiệm xã hội, nhà báo và cơ quan báo chí có vai trò rất lớn trong việc kiểm chứng nguồn tin và thông tin một cách công khai, minh bạch, đồng thời thoả mãn nhu cầu nhận thức về các vấn đề liên quan đến lợi ích của công chúng. 

 “Một nền báo chí giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn, với một đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp, có trách nhiệm, làm nghề tử tế sẽ có sức mạnh thật sự trong cuộc chiến chống tin giả, tin xấu độc vì lợi ích của đất nước và nhân dân”- nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Có thể nói, đây là những nỗ lực không nhỏ của hệ thống báo chí truyền thông thời gian qua. Nhưng việc tạo lập “vùng xanh” trên không gian mạng là một cuộc hành trình không dễ dàng bởi thế, cùng với những “biến dạng” của tin giả thì cũng cần những linh hoạt và nhanh nhạy từ phía các cơ quan báo chí thời gian tới.

Áp dụng quy tắc 5K trên không gian mạng 

Bên cạnh sự chủ động, chủ lực của báo chí, sẽ là công cốc nếu những biện pháp khác không được duy trì và đẩy mạnh như các chế tài xử phạt, các biện pháp kỹ thuật để xử lý, bóc gỡ triệt để tin giả và quan trọng nhất là ý thức người dân không được nâng cao hơn. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần áp dụng quy tắc 5K, đó là: Không tin ngay - Không vội nhấn nút thích - Không thêm thắt - Không kích động - Không vội chia sẻ. Do vậy người dân rất cần tỉnh táo, trở thành "người đọc thông thái", đọc tin, chia sẻ trên mạng xã hội với tinh thần trách nhiệm cao; không nên chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật. 

Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, Phó trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường cho rằng, khi tham gia vào không gian mạng, mỗi người dân đồng thời đóng cả 3 vai trò: Sản xuất thông tin, tiêu thụ thông tin và phát tán thông tin. Do đó, không gian mạng có lành mạnh hay không, nạn tin giả có thể ngăn chặn, đẩy lùi hay không phụ thuộc rất lớn vào nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành vi của mỗi người chúng ta. Ông đề nghị: "Người dân tuyệt đối không đăng tải, bình luận những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật dưới bất cứ hình thức nào, dù với bất kỳ động cơ, mục đích gì. Chủ động nghiên cứu, trang bị kiến thức và pháp luật như Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng... Khi tiếp nhận thông tin, nhất là trên MXH, cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, thận trọng để không trở thành nạn nhân của tin giả. Luôn tin tưởng vào thông tin chính thống, xác thực do cơ quan chức năng, báo chí, truyền hình cung cấp. Hết sức thận trọng khi quyết định chia sẻ thông tin trên không gian mạng, để không tiếp tay cho tin giả. Tuyệt đối không chia sẻ, lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng. Tích cực tham gia phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng hoặc thông qua các nhóm cộng đồng trên không gian mạng để cảnh báo về tin giả. Hãy vững tin, đoàn kết, trách nhiệm, tuân thủ, chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng đại dịch, chiến thắng tin giả".

Tuy nhiên, theo TS Đỗ Văn Quân phân  tích thì chúng ta vẫn đang đứng trước thách thức rất lớn trước vấn nạn tin giả về dịch COVID-19. Với việc số lượng người dân tham gia truyền thông xã hội ngày càng đông đảo, với nhiều xu hướng mức độ thể hiện nhu cầu, điều kiện, kỹ năng và trách nhiệm xã hội khác nhau. Đặc biệt, các thế lực thù địch đang có xu hướng gia tăng việc sử dụng tin giả để chống phá sự ổn định và phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực và bằng tất cả các phương diện khác nhau, do đó hoạt động phòng, chống tin giả liên quan đến dịch COVID-19 phải được xác định là mặt trận hàng đầu hướng đến mục tiêu nhanh chóng chiến thắng đại dịch. 

Cùng với đó, để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống tin giả về dịch bệnh, không thể bỏ qua truyền thông xã hội trong vai trò lan tỏa hiệu ứng thông tin thật, thông tin chính thống kịp thời đến các nhóm xã hội khác nhau. Hệ thống báo chí chính thống, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông…đã sử dụng truyền thông xã hội như một công cụ đắc lực để truyền tải các thông điệp cần thiết về phòng, chống dịch trong toàn xã hội thời gian qua. Ngoài ra, thời gian qua các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, yêu cầu các trang mạng xã hội như Facebook, Google gỡ bỏ hàng nghìn tài khoản vi phạm pháp luật, video clip có nội dung xấu độc, bịa đặt... gây bất ổn xã hội. Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương, lực lượng Công an đã phối hợp xử lý nhiều cá nhân, tổ chức phát tán tin giả. 

Bên cạnh các quy định pháp luật hiện có, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và gửi nhiều văn bản đến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Thông tin và Truyền thông; các cơ quan báo chí; tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội...về việc tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng...

Để có thể giảm sự xuất hiện và phát tán những tin giả, thông tin sai lệch, rất cần ý thức trách nhiệm xã hội và năng lực xử lý sàng lọc thông tin của mỗi người dân khi tham gia truyền thông xã hội. Ở góc độ người làm báo cũng cần phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức mọi mặt, đồng thời có kiến thức xã hội để tự “đề kháng” với tin xấu, độc, tin giả; có kiến thức để thẩm định, sàng lọc tin tức giả bao phủ tin tức trên các “vùng xanh”, không để tin giả phá hoại nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Theo Hà Vân/Báo NB&CL

https://congluan.vn/bai-cuoi-can-lam-vung-xanh-tin-tuc-day-lui-tin-gia-post156882.html    

 

 

Các tin khác:
  • Thái Nguyên: Xử phạt 7,5 triệu đồng một cá nhân đăng tin xúc phạm cảnh sát giao thông trên MXH (27/09/2021-9:55)
  • Thủ tướng: Truyền thống đoàn kết, trái tim nhân ái Việt Nam sẽ giúp chúng ta chiến thắng đại dịch COVID-19 (27/09/2021-9:46)
  • Đề xuất phạt 60 triệu đồng nếu vu khống, bịa đặt về người khác trên mạng xã hội (22/09/2021-17:32)
  • Chủ tịch nước đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm vaccine (22/09/2021-17:18)
  • Làm ra, phát tán thông tin sai sự thật, gây hoang mang bị phạt 40 - 60 triệu đồng (21/09/2021-21:21)
  • Thanh Hóa không chủ quan, mất cảnh giác trong chống dịch COVID-19 (21/09/2021-7:23)
  • Sẽ xử lý người dùng giấy xác nhận giả cơ quan báo chí để đi đường (21/09/2021-7:05)
  • Báo Sức khỏe & đời sống có hai tân phó Tổng biên tập (20/09/2021-6:59)
  • Hà Nội: Đăng tải thông tin giả về dịch COVID-19 trên mạng có thể bị phạt tù 7 năm (20/09/2021-6:53)
  • Ninh Bình: Triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội trên địa bàn tỉnh (20/09/2021-9:01)