Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Cầm vàng chớ để vàng rơi! (30/09/2021-18:14)
    "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” phải là kim chỉ nam cho mọi đường hướng chống dịch của hết thảy các địa phương trong thời điểm này. Có thật sự thích ứng được an toàn, linh hoạt và kiểm soát được hiệu quả dịch bệnh, mới mong sớm đến ngày “bình minh cuộc sống sẽ quay trở lại”.

Tới thời điểm này, sau khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 có chiều hướng giảm, nhiều địa phương trong cả nước lần lượt đã công bố việc điều chỉnh nới lỏng giãn cách xã hội. Đây thực sự là tín hiệu quá đỗi vui mừng sau nhiều tháng dài thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chỉ cần một chút lơ là, chủ quan, thiếu kiểm soát, mọi việc hoàn toàn có thể rơi vào tình thế “kiếm củi 3 năm thiêu một giờ”, “cầm vàng lại để vàng rơi”.

1. “Tui mừng lắm, hơn 100 ngày qua mọi sinh hoạt đều gói gọn trong con hẻm nhỏ, giao nhận hàng thông qua hàng rào cảm thấy rất tù túng khó chịu. Nghe tin này thật sự mừng, nó không chỉ là tháo gỡ các rào chắn chướng ngại mà còn tháo luôn được tâm lý nặng nề của người dân chúng tôi khi việc chống dịch của thành phố đã có kết quả tốt hơn” - chị Ái Ly, ngụ TP. Thủ Đức, hổ hởi chia sẻ với phóng viên Báo Tuổi Trẻ.

Chắc chắn đó không chỉ là niềm vui, nỗi háo hức, hồ hởi của riêng chị Ái Ly mà còn hết thảy người dân thành phố mang tên Bác, những người suốt nhiều tháng qua, “dù chấp hành nghiêm túc quy định giãn cách của thành phố nhưng thực sự ai cũng ngột ngạt, nặng nề lắm”. Sự ngột ngạt, nặng nề ấy âu cũng là điều dễ hiểu, dễ cảm thông vì chẳng ai mong muốn cuộc sống của mình, của gia đình mình phải bó gọn trong 4 bức tường nhà.

Rõ ràng, việc tháo gỡ rào chắn ở TP.HCM đã không chỉ là tháo gỡ những chướng ngại vật mà còn tháo gỡ cả những tâm lý nặng nề cho người dân.

Cùng với đó, chiều 27/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã làm việc với Thành ủy TP.HCM về Dự thảo Chỉ thị Điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố sau ngày 30/9. Theo đó, Dự thảo Chỉ thị xác định, bắt đầu từ 00 giờ 00, ngày 1/10/2021, TP.HCM thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19” của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

Với một thành phố có đến ngót 4 tháng trời ròng rã chống đỡ với dịch bệnh, với thời điểm “đỉnh dịch” với cả trăm ngàn ca nhiễm, trung bình hơn hai trăm ca tử  vong mỗi ngày, khó có thể diễn tả hết niềm vui của cả người dân lẫn các cấp chính quyền khi Thành phố giờ đây đã có thể “nới lỏng” mình.

 

cam vang cho de vang roi hinh 2

 

2. Điều đáng mừng hơn nữa là không chỉ tại TP.HCM mà sự “nới lỏng” đó đang dần hiện diện lần lượt tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có nhiều địa phương trước đó, cũng là những điểm “rất nóng” về dịch bệnh. Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 25/9, thông tin từ Ban Chỉ đạo cho biết các số liệu về ca mắc mới, số ca điều trị khỏi khẳng định kết quả phòng chống dịch; số tử vong đang từng bước được kiểm soát, nhất là tại những điểm nóng đang có chiều hướng giảm dần từng ngày, từng tuần. Một số ổ dịch mới nhưng do đã có kinh nghiệm và với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, tổ chức thực hiện tốt nên chúng ta kiểm soát được ngay.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Ban Chỉ đạo thống nhất chuyển chủ trương từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội; khoảng ngày 30/9/2021 trở lại trạng thái bình thường mới, tùy tình hình cụ thể của từng địa phương.

Theo nhìn nhận của phần đa các chuyên gia và báo giới, đây thực sự là bước chuyển hướng chiến lược trong công cuộc phòng chống dịch. Những thành quả đạt được ngày hôm nay chưa thực sự là tất cả, cuộc chiến chống dịch vẫn còn tiếp diễn với không ít những gian truân phía trước, nhưng với những gì cả hệ thống chính trị đã hết sức nỗ lực, thậm chí các lực lượng tuyến đầu đã phải đổ cả mồ hôi và sinh mạng để giành được, đó thực sự là những thành quả quý hơn vàng.

 

cam vang cho de vang roi hinh 3

 

3. Nhưng, như người Việt xưa từng có câu “Cầm vàng chớ để vàng rơi”. Bài học kinh nghiệm chống dịch COVID-19 còn nóng hổi từ các quốc gia cho thấy, chỉ cần một chút sơ sểnh, chủ quan, lơ là, mất kiểm soát, mọi thành quả chắt chiu nhiều tháng trời rất khó khăn mới có được trước đó, hoàn toàn có thể bị “đổ xuống sông xuống bể”. Chỉ cần một ổ dịch cộng đồng nhỏ, hoàn toàn có thể đưa hành trình chống COVID-19 của chúng ta quay trở lại điểm xuất phát ban đầu.

Với trải nghiệm qua 4 làn sóng dịch COVID-19, Chính phủ thấu hiểu rất rõ bài học đó. Ngay tại cuộc họp ngày 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ 4 bài học kinh nghiệm: Thứ nhất, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi mới kiểm soát được tình hình. Đồng thời, hết sức tránh khuynh hướng khi có dịch lại hoảng hốt, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, thực hiện các biện pháp cực đoan; Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất; các nguyên tắc cơ bản, các biện pháp chống dịch đã được đúc rút, thực hiện có hiệu quả thì phải kiên trì thực hiện nhất quán. Đồng thời, tổ chức thực hiện linh hoạt phù hợp với từng địa bàn, từng cấp, từng đối tượng… Thứ ba, phải xét nghiệm tầm soát tại các địa bàn có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế… từ đó khoanh vùng, dập dịch ở phạm vi nhỏ nhất có thể, tới từng hộ gia đình, từng thôn, ấp, khu dân cư, xét nghiệm thần tốc diện rộng theo địa bàn, đối tượng nguy cơ…;  Thứ tư, việc phân cấp tổ chức thực hiện xuống tận cơ sở, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, ý thức của người dân là hết sức quan trọng.

Thành quả đạt được là đáng mừng nhưng chưa phải là tất cả. Vắc-xin - “lá chắn” quan trọng nhất để kiềm tỏa đại dịch, thì tới nay mới có 22,3 triệu người đã tiêm 1 liều vắc-xin và 7,9 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc-xin…  Còn rất nhiều việc còn phải làm…

Chúng ta đang nóng lòng mở cửa lại nền kinh tế để cứu vãn sinh kế cho người dân và doanh nghiệp; thầy, trò và cả hàng triệu bậc phụ huynh cả nước đang khao khát ngày được trở lại trường học… Tất cả những mong đợi ấy đều bức thiết như nhau… Nhưng tất cả những mong đợi ấy sẽ không trở thành hiện thực nếu chúng ta không bảo vệ cho được những thành quả đã có….

Vì thế, “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” phải là kim chỉ nam cho mọi đường hướng chống dịch của hết thảy các địa phương trong thời điểm này. Có thật sự thích ứng được an toàn và linh hoạt và kiểm soát được hiệu quả dịch bệnh, mới mong sớm đến ngày “bình minh cuộc sống sẽ quay trở lại”.

Theo Nguyễn Hà/Báo NB&CL

https://congluan.vn/cam-vang-cho-de-vang-roi-post158833.html  

 

Các tin khác:
  • Vaccine tiên quyết (30/09/2021-19:08)
  • Ấm áp Tết Trung thu giữa đại dịch (19/09/2021-17:21)
  • Mũ rơm và laptop (13/09/2021-8:56)
  • Trách nhiệm và cẩn trọng với thông tin trên mạng xã hội (12/09/2021-8:15)
  • Thực hiện nghiêm giãn cách để không còn phải… xa cách (08/09/2021-16:12)
  • Giấy đi đường và giãn cách xã hội (07/09/2021-9:49)
  • Tận cùng của sự thâm độc! (06/09/2021-9:25)
  • Tựu trường mùa dịch (03/09/2021-9:04)
  • Yêu nước dịp Quốc khánh đặc biệt (02/09/2021-9:01)
  • Cùng nhau và vì nhau trong thực hiện cách ly xã hội (29/08/2021-8:43)