Thích ứng linh hoạt, an toàn với COVID-19 (10/10/2021-17:00)
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (5-7/10 tại Hà Nội), sau khi đúc rút những bài học kinh nghiệm về công tác phòng chống dịch COVID -19 thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu cần phải đổi mới tư duy, nhận thức; có chính sách, biện pháp phù hợp để “sống chung”, “thích ứng an toàn, linh hoạt” với dịch bệnh để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
Lực lượng chức năng đo thân nhiệt chủ phương tiện tại Chốt kiểm soát số 2 trên đường 100 tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên Vĩnh Phúc Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN
Nhưng làm thế nào để “sống chung”, “thích ứng an toàn, linh hoạt” với dịch bệnh như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập thì còn rất nhiều việc phải làm, cả trong suy nghĩ cũng như hành động, đòi hỏi nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, của các cấp chính quyền và người dân. Thay đổi chiến lược phòng chống và chấp nhận sống chung với COVID-19 một cách khoa học, an toàn, từng bước mở cửa phát triển kinh tế, bên cạnh năng lực của hệ thống y tế cộng đồng, cũng cần đòi hỏi phải nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cấp chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh.
Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, chỉ thị thích ứng linh hoạt với từng thời điểm, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để phòng chống dịch có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn có cách hiểu, cách làm chưa phù hợp, chưa có sự thống nhất, liên thông, dẫn tới những mặt hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến cả hệ thống, cản trở quá trình phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Thời điểm cuối tháng 9 vừa qua, khi phần lớn các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long công bố áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc giãn cách xã hội được nới lỏng để từng bước thực hiện bình thường mới. Tuy nhiên, cùng thực hiện Chỉ thị 15, nhưng mỗi nơi làm một kiểu (nổi cộm là trong lĩnh vực vận chuyển lưu thông hàng hóa và kiểm tra y tế), đã gây không ít khó khăn cho việc đi lại của người dân cũng như việc phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nguyên nhân có thể là do tình trạng dịch bệnh còn đan xen giữa vùng nguy cơ cao và vùng nguy cơ thấp hơn, dẫn tới tâm lý “đóng cửa”, “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”. Bên cạnh đó, do được phân cấp, nên nhiều lãnh đạo địa phương vì sợ trách nhiệm mà áp dụng một cách máy móc, hoặc đưa ra những quy định thái quá nhằm bảo vệ thành quả chống dịch.
Nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa là do thiếu một bộ hướng dẫn với các chỉ dẫn cụ thể về những điều được làm và những điều cần hạn chế, để người dân và chính quyền ở những vùng an toàn có thể tự tin mở cửa.
Đơn cử như vấn đề người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (thẻ xanh vaccine) có thể lưu thông nội tỉnh và liên tỉnh như thế nào; các giải pháp công nghệ hỗ trợ việc này ra sao... đều chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Do vậy, một bộ hướng dẫn với những mục tiêu cụ thể về giảm thiểu số ca mắc COVID-19, giảm thiểu số ca tử vong; vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thích ứng an toàn là vô cùng cần thiết ở giai đoạn này. Trong đó, cần có một hệ thống chỉ số đánh giá nguy cơ dịch bệnh, phân cấp nguy cơ ở cấp đơn vị hành chính phù hợp, cũng như cần có một bộ giải pháp vừa cụ thể, vừa linh hoạt để thích ứng ở từng cấp độ.
Xuất phát từ việc chưa có một hệ thống chỉ số đánh giá về nguy cơ dịch bệnh, mà trong những ngày gần đây, nhiều tỉnh thành ở đồng bằng sông Cửu Long rất lúng túng trong việc kiểm tra, thực hiện cách ly y tế đối với những công dân tự phát trở về từ vùng dịch. Các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng... chỉ cần test nhanh âm tính là người dân được phép cách ly tại nhà. Ngược lại, tỉnh Sóc Trăng chỉ cho cách ly tại nhà đối với những người tiêm đủ 2 mũi vaccine và những người tiêm 1 mũi vaccine đã qua 14 ngày…
Đối chiếu với các quy định hiện hành, mới chỉ có hướng dẫn của Bộ Y tế về xét nghiệm và cách ly khi di chuyển giữa các vùng nguy cơ, mà chưa có quy định đối với trường hợp người ở vùng có nguy cơ cao về các địa phương có tình hình dịch khác nhau. Vấn đề đặt ra là cần xây dựng, ban hành càng sớm càng tốt bộ tiêu chí kiểm soát dịch áp dụng thống nhất trên toàn quốc để các địa phương căn cứ vào đó để thực hiện.
Thiết nghĩ, cũng giống như quy định về lưu thông hàng hóa được Bộ Giao thông vận tải ban hành cách đây chưa lâu, người di chuyển cần có "thẻ xanh COVID-19" và xét nghiệm nhanh âm tính trong vòng 72 giờ (với cả người đi đón lẫn người được đón), là đủ đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch. Bởi, đơn giản thủ tục di chuyển mà vẫn đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch, cũng là cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân thích ứng với điều kiện bình thường mới.
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc ngày 9/10 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh: Công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là các giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả.
Với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an dân, an sinh, trật tự an toàn xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng, hoàn thiện bộ hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để thực hiện thống nhất, liên thông trong toàn quốc; trước mắt phục vụ cho việc tổ chức đưa, đón người dân có nhu cầu về quê; các hoạt động đảm bảo an toàn giao thông, lưu thông hàng hóa, tạo việc làm và cung ứng nguồn lao động...
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com