Kỹ năng sử dụng công nghệ di động sản xuất video clip trong báo mạng điện tử.
"Tiếp tục đổi mới công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong kỷ nguyên số"- đó là tinh thần xuyên suốt trong hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam. Với sự phối hợp và cộng tác của các cấp Hội địa phương và các tổ chức nước ngoài, tính đến nay, Trung tâm đã tổ chức hơn 1.045 khóa bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho hơn 25.000 lượt hội viên nhà báo trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là con số ấn tượng trong công tác bồi dưỡng các hội viên, nhà báo; cũng là tiền đề và động lực quan trọng tạo đà cho Trung tâm tiếp tục bứt phá trong những năm tiếp theo.
Giải bài toán “bắt nhịp” xu hướng
Mặc dù số lượng cán bộ của Trung tâm không nhiều, không có giảng viên chuyên trách, hoạt động trong điều kiện kinh phí rất hạn hẹp, song với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Lãnh đạo Hội qua các thời kỳ và sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị trong cơ quan Trung ương Hội, cũng như sự ủng hộ và tham gia của các cấp Hội trong cả nước, Trung tâm đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, khai thác mọi khả năng trong nước, tranh thủ sự hợp tác quốc tế cả về tài chính và giảng viên để không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đông đảo những người làm báo Việt Nam.
“Trong 5 năm (2015-2020), bên cạnh nguồn kinh phí khiêm tốn do Nhà nước cấp, Trung tâm đã cố gắng tìm kiếm các nguồn lực từ các nhà tài trợ bằng việc phối hợp với các cơ quan báo chí, các HNB trong nước, các tổ chức quốc tế để tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Chính vì vậy, Trung tâm đã đạt được thành tích kỷ lục về số lượng 540 lớp học với số lượt học viên tham dự là 15.400 từ các loại hình cơ quan báo chí trên cả nước…”, nhà báo Đinh Thị Thúy Hằng – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí HNBVN cho biết.
Hằng năm, dựa vào phiếu khảo sát đánh giá của các học viên, kết quả khảo sát nhu cầu đào tạo của các cơ quan báo chí, các cấp Hội, Trung tâm đã xây dựng các khóa học kỹ năng nghiệp vụ báo chí, từ cơ bản đến nâng cao, các chuyên đề báo chí và đạo đức người làm báo. Để bắt kịp với sự thay đổi của báo chí thế giới, Trung tâm đã tổ chức nhiều những khóa học mới để đáp ứng nguyện vọng của các nhà báo như sản xuất long-form (bài chuyên đề), loại bài mega-story cho báo mạng, xây dựng tòa soạn hội tụ, làm báo trên facebook…
Bên cạnh việc tập trung tổ chức các khóa học ngắn ngày, Trung tâm đã tổ chức các khóa học chuyên sâu như Đào tạo cây bút trẻ, các khóa học theo chuyên đề về khoa học, nội chính, an ninh quốc phòng, truyền thông về dân tộc, môi trường, xây dựng Đảng, bình luận quốc tế, đạo đức người làm báo… Các lớp học được phân bố đều cho các tỉnh, khu vực, ưu tiên những địa phương ở xa, điều kiện đi lại khó khăn như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Đắk Nông, Kon Tum, Cà Mau, An Giang… Song song với đó là các lớp học dành cho các đơn vị cơ quan báo chí ở các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung.
Ngoài ra, việc mở rộng hợp tác quốc tế cũng được đánh giá rất cao trong nhiệm kỳ qua. Do nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho Trung tâm hạn chế nên để giúp các hội viên được tham dự các khóa tập huấn có giảng viên từ nước ngoài đến giảng dạy, Trung tâm mở rộng, duy trì quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế. Các đối tác nước ngoài của Trung tâm trong 5 năm qua là Viện Báo chí Truyền thông Thụy Điển (FOJO), Tổ chức Truyền thông Phát triển Pháp (CFI), Liên đoàn Báo chí và Xuất bản Thế giới (WAN-IFRA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Văn phòng đại diện Viện Konrad Adenauer tại Việt Nam (KAS), Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Báo chí Khoa học Thế giới (WFSJ), Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO), Liên đoàn Báo chí ASEAN, Hội Nhà báo Thái Lan, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đại sứ quán Úc…
Điều may mắn đối với Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí HNBVN là đã mời được đội ngũ các nhà báo, chuyên gia báo chí có chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phần lớn đều là những người luôn bắt nhịp với xu hướng báo chí hiện đại. Họ đã mang đến những buổi giảng dạy, tập huấn tại Trung tâm “hơi thở của đổi mới”.
Bên cạnh đội ngũ giảng viên có bề dày kinh nghiệm về nghề báo, Trung tâm rất chú trọng đào tạo thêm một số nhà báo trẻ có tay nghề vững vàng và có nhiệt huyết với công tác đào tạo để phát triển nguồn giảng viên chủ lực cho các lớp học của Trung tâm. Chính vì vậy, số lượng các nhà báo tham gia làm giảng viên kiêm chức cho Trung tâm lên đến hơn 100 giảng viên cả miền Bắc và miền Nam.
Sự tồn tại của Trung tâm một phần chính là nhờ đội ngũ các nhà báo - giảng viên kiêm nhiệm tâm huyết, sẵn sàng chia sẻ với mong muốn được đóng góp vì một nền báo chí chuyên nghiệp và chất lượng để phục vụ công chúng. Sự đổi mới từ những người giảng dạy để mang đến những đổi mới trong phương thức và nội dung đào tạo chính là điều cốt lõi của sự “bắt nhịp” này. Bởi những giảng viên đó đều là những người đang hoạt động tại các cơ quan báo chí, là những người quản lý báo chí có nghề, có uy tín.
Yêu cầu mới, sáng tạo mới
Bước vào thời đại 4.0, việc làm báo đang gặp rất nhiều thách thức. Mà trong đó thách thức cơ bản nhất đó là việc công chúng đang bị phân tán, thu hút vào các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Bài toán đặt ra trong công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo là làm thế nào để có được những tác phẩm thu hút được công chúng?
Không chỉ vậy, đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, những chuyển hướng trong đào tạo, tập huấn luôn là bài toán cần giải cho vấn đề đào tạo bồi dưỡng của Trung tâm. Sự bắt nhịp với tình hình thực tế đã cho thấy nỗ lực của những người làm công tác đào tạo hiện nay là rất lớn. Bởi song song với những thay đổi chóng mặt của báo chí, áp lực cạnh tranh thông tin với các phương tiện truyền thông xã hội, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ vừa phải không ngừng cập nhật, đổi mới vừa phải cố gắng sáng tạo, khác biệt để thu hút được đông đảo học viên.
Nhà báo Đinh Thị Thúy Hằng cho biết: “Bắt đầu từ tháng 8/2021, do dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, việc tổ chức lớp trực tiếp chưa thể diễn ra nên Trung tâm tính đến hình thức triển khai học trực tuyến - một cách làm mới. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng có những băn khoăn lo ngại về việc liệu học online thì hiệu quả như thế nào? Nhưng ngay khi thử nghiệm ở một vài cấp Hội, thấy được sự hưởng ứng, ủng hộ tích cực của đơn vị nên chúng tôi càng có động lực đẩy mạnh và tập trung với nhiều phương án phù hợp”. Từ hiệu quả của những lớp tập huấn theo hình thức online, thời gian tới, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí tiếp tục tăng cường phối hợp với các tổ chức HNB để mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, nhà báo.
Về phía các HNB địa phương, Phó Chủ tịch HNB Hưng Yên Phạm Văn Thành cho rằng: Trong nhiều năm qua, cùng với nhiều công việc khác, công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ luôn được HNB Hưng Yên đặc biệt chú trọng vì đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội… Từ mục đích cụ thể, HNB Hưng Yên đều xin ý kiến của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí HNBVN để phối kết hợp có những lớp chung và có những lớp riêng để Trung tâm bố trí giảng viên cho sát thực tế… Với các giảng viên của Trung tâm nghiệp vụ báo chí, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, các nhà báo lớn có kinh nghiệm… các khóa học đã làm thay đổi tư duy các nhà báo rất nhiều, góp phần từng bước đổi mới báo chí địa phương. Từ đó phóng viên được tiếp cận kỹ năng làm báo hiện đại, cách thể hiện để đáp ứng ngay vào bản báo của mình, từng bước hiện đại hóa công nghệ làm báo.
Số lượng đội ngũ những người làm báo Việt Nam tăng mạnh theo từng năm đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ của HNBVN; Những ứng dụng của Internet cùng với đại dịch COVID-19 đã và đang khiến môi trường làm báo thay đổi nhanh chóng. Có thể nói, những nỗ lực đổi mới của Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí, cùng sự đổi mới từ những giảng viên, nhà báo tham gia đào tạo đã bắt nhịp hiệu quả, giúp hội viên, nhà báo thực sự chủ động tác nghiệp trong môi trường số hóa.
Theo Hà Vân/Báo NB&CL
https://congluan.vn/tiep-tuc-doi-moi-cong-tac-boi-duong-nghiep-vu-bao-chi-trong-ky-nguyen-so-post169965.html