Mỗi tác phẩm về công tác dân số đều thấm đẫm tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn cao cả (19/12/2021-8:19)
Trong mỗi thời kỳ, mỗi lĩnh vực khác nhau, đội ngũ người làm báo Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, đáp ứng yêu cầu thông tin của bạn đọc. Người làm báo với công tác dân số cũng vậy, mỗi tác phẩm về dân số ở trong đó thấm đẫm tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn cao cả.
Nụ cười trong trẻo của trẻ em vùng cao. Ảnh: báo Lào Cai
Lễ trao giải báo chí toàn quốc về công tác dân số đã thành công tốt đẹp, sự thành công không hẳn chỉ ở số lượng bài dự thi, mà quan trọng hơn qua những tác phẩm đó sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về dân số trong giai đoạn mới.
Và đằng sau mỗi tác phẩm viết hay, đầy tính sáng tạo và thu hút người đọc đó là tâm tư tình cảm của các tác giả muốn gửi gắm, họ viết bằng cảm xúc, bằng tình yêu nghề để rồi chạm đến trái tim người đọc.
Nạn tảo hôn, cần sự góp sức của chính quyền cơ sở
Nhà báo Trần Quỳnh – Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đoạt giải B - giải báo chí toàn quốc về công tác dân số, anh có loạt bài về “Chống tảo hôn - giải pháp nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi”. Loạt bài không chỉ đi sâu phân tích những thành tích về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đã đạt được trong thời gian qua, những thay đổi tích cực từ suy nghĩ và hành động của bà con đồng bào dân tộc mà còn mang cho độc giả cái nhìn chân thực về những hủ tục vẫn còn tồn tại.
Các bài viết có nhiều thông tin, thống kê số liệu rành mạch và rõ ràng, sử dụng biểu đồ để cho độc giả dễ hình dung, đồng thời lấy nhiều dẫn chứng từ các câu chuyện thực tế. Thậm chí có cả những câu chuyện cá nhân trong các hộ gia đình, đến các địa bàn dân tộc xa xôi tạo ra sự hấp dẫn, sự gần gũi cho mỗi người đọc.
Trong nhiều tháng, anh Trần Quỳnh và đồng nghiệp đã đi nhiều tỉnh miền núi, đến những địa bàn kinh tế khó khăn, điều kiện đi lại gặp nhiều hạn chế. Gặp gỡ những người dân là đồng bào dân tộc, họ ít giao tiếp với bên ngoài và chính ở đây tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn cứ diễn ra.
Khó khăn là vậy, nhưng may mắn trong suốt hành trình này, anh được sự hỗ trợ, dẫn đường của nhiều cán bộ dân số thôn bản, chính quyền xã. Đây là cơ sở quan trọng để anh đã hoàn thành việc thu thập tư liệu, phỏng vấn để hiểu rõ hơn về cuộc sống của đồng bào.
Nhà báo Trần Quỳnh chia sẻ: Qua loạt bài này tôi thấy các cấp ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động và đưa những thông tin về dân số đến với đồng bào dân tộc một cách mạnh mẽ hơn. Quan trọng hơn là vượt qua được rào cản về mối quan hệ họ hàng trong cộng đồng để thực hiện nghiêm quy định pháp luật về dân số. Không nên để tình trạng nể nang hay chỉ phạt cho có.
Trong loạt bài, nhà báo Trần Quỳnh cũng đưa ra một số giải pháp để người dân không tảo hôn, không thực hiện hôn nhân cận huyết thống. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở cơ sở, có giải pháp điều chỉnh lại việc phân bố dân cư, vì tình trạng dân cư ở gần nhau mà chỉ có ít nhân khẩu, không giao lưu bên ngoài, thanh niên trưởng thành trong gia đình dòng họ tự lấy nhau, thành hôn nhân cận huyết thống.
“Chính quyền cần xây dựng quy hoạch các khu dân cư có sự xen kẽ để vừa phát triển văn hóa xã hội, vừa giúp nhau trao đổi thông tin giữa dân tộc này với dân tộc khác để cùng nhau phát triển, tránh được hôn nhân cận huyết thống.” Nhà báo Trần Quỳnh chia sẻ.
Kêu gọi các bạn trẻ sống có trách nhiệm hơn
Không đi về các huyện miền núi xa xôi như nhà báo Trần Quỳnh, loạt bài “Hành trình đau đớn nhặt hơn 40.000 xác thai nhi” nhà báo Văn Định (Báo điện tử Dân Việt) lại đi sâu vào lĩnh vực phá thai, những đứa trẻ bị từ chối, để lại nỗi đau đớn cho tất cả.
“Loạt bài của tôi nói về những câu chuyện trong hành trình đau đớn nhặt hơn 40.000 xác thai nhi, phần nào nói lên thực trạng trong xã hội về tình trạng thai nhi bị bỏ rơi, phá bỏ một cách không thương tiếc tại phòng khám, bị vứt ra bãi rác,… đã khiến không ít người chứng kiến ám ảnh” nhà báo Văn Định chia sẻ.
Loại bài đã ghi lại nhiều câu chuyện thương tâm của những người trực tiếp hàng ngày vẫn thầm lặng làm công việc nhặt xác thai nhi về khâm liệm, tổ chức những lễ an táng cho những hài nhi xấu số. Đó là các bạn trẻ, tình nguyện làm việc có ích cho xã hội. Trong hành trình gian khó đó, có không ít lần họ đã phải ngất lịm đi vì mùi tử thi, nhưng sau cùng họ quyết tâm không từ bỏ điều mình đang làm.
Thế nhưng nỗi đau đớn tột cùng đó lại có những mầm sống được đâm chồi. Nhóm nhặt xác thai nhi các nhân vật trong tác phẩm của nhà báo Văn Định còn cố gắng cứu sống những sinh mạng mà những người mẹ lầm lỡ định chối bỏ. Và đã không ít trẻ nhỏ được sinh ra, lớn lên, sống trong sự bao bọc thương yêu của mọi người trong xã hội.
Nhà báo Văn Định tâm sự: “Qua loạt bài tôi mong rằng các thế hệ bạn trẻ nhìn vào những câu chuyện, những bài học đau lòng đã xảy ra để sống có trách nhiệm hơn. Sẽ không còn câu chuyện đau lòng thai nhi bị vứt bỏ, mẹ bỏ rơi con, hay thậm chí tước đoạt tính mạng những sinh linh bé bỏng tội nghiệp. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi không còn những mảng tối tồn tại trong xã hội”.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com