Diễn đàn trực tuyến "Kịch bản thị trường bất động sản Việt Nam 2022: Truyền thông và dự báo - Báo chí tăng cường tính minh bạch của thị trường BĐS Việt Nam".
Theo nhà báo Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo, đại dịch Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng cho nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản (BĐS) nói riêng. Doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực BĐS mong muốn bày tỏ những khó khăn đang gặp phải và kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi, khôi phục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Vì vậy rất cần đến vai trò của báo chí truyền thông, không chỉ là cầu nối giúp phổ biến cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn chuyển tải những phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng nhà đầu tư, doanh nghiệp, người tiêu dùng đến cơ quan quản lý.
“Bên cạnh đó, cơ quan thông tấn, báo chí còn cung cấp những tin tức, bài viết với góc nhìn đa chiều, đánh giá, phân tích về những vấn đề trên thị trường BĐS tới nhà đầu tư, DN, người tiêu dùng và cơ quan quản lý, góp phần làm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả, có tính dự báo đối với thị trường BĐS Việt Nam” - nhà báo Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Đánh giá về vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông đối với sự phát triển của thị trường BĐS tại diễn đàn, nhà báo Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, đến nay hầu hết cơ quan báo chí đều có chuyên mục về BĐS, mang đến nhiều thông tin cho bạn đọc về chính sách, luật pháp, nhu cầu thị trường, giá bán, thông tin quy hoạch... điều quan trọng nhất là người dân, bạn đọc rất kỳ vọng, tin tưởng vào những thông tin từ cơ quan báo chí.
Vì vậy, nhà báo Nguyễn Minh Đức cho rằng, cơ quan báo chí phải thông tin trung thực những chính sách về BĐS, nhà ở. Tăng cường phản biện chính sách được cho là “điểm nghẽn” làm hạn chế sự phát triển của thị trường và hỗ trợ DN để nêu bật những khó khăn đến cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt, cơ quan báo chí phải có sự độc lập, trung thực trong thông tin về thị trường, tránh những tác động không trong sáng khiến thông tin không chuẩn xác, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của người dân.
“Tôi cho rằng, báo chí phải trung thực, đi vào những vấn đề được đa số người dân quan tâm, và trong giai đoạn cách mạng Công nghệ 4.0 hiện nay báo chí càng phải “trí tuệ” để cung cấp những thông tin chính xác, bên cạnh đó cũng phải đưa ra được cảnh báo cho người dân nhằm tránh những rủi ro có thể gặp phải. Nếu làm được điều đó báo chí sẽ thực sự góp phần giúp thị trường trở nên minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển” – nhà báo Nguyễn Minh Đức nhìn nhận.
Cũng tại diễn đàn, một số đại biểu cũng khẳng định, hiện nay ngành BĐS ngày càng phát triển mạnh mẽ, đang ở thời điểm nóng nhất, với sự lên ngôi của hàng loạt dự án đầu tư mở rộng quy hoạch nhà ở, công viên. Bởi vậy, muốn kinh doanh đứng vững trong thị trường cạnh tranh gay gắt, DN cần tìm hiểu và xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả.
Theo PV/Báo NB&CL
https://congluan.vn/co-quan-bao-chi-phai-co-su-doc-lap-trung-thuc-trong-thong-tin-ve-thi-truong-bat-dong-san-post173075.html