Để một mùa Tết thực sự là “bình thường mới”! (21/01/2022-9:44)
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong hầu hết suy nghĩ của nhiều người, sẽ là một cái Tết thật khác. Nhiều người gọi đó là cái Tết “bình thường mới”, một cái Tết “thích ứng” khi mỗi người sẽ phải ăn Tết, chơi Tết thích nghi với bối cảnh mới.
Tuy nhiên, những ứng xử khá lạ lùng, thậm chí bị xem là mang tính làm khó của nhiều địa phương với người về quê ăn Tết, cho thấy, dường như chính chúng ta đang khiến mùa Tết này khó có thể thực sự “bình thường mới”.
1. “Tết thích ứng”, “Tết bình thường mới”… là những cụm từ mà nhiều người đang dùng cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Bình thường mới cũng có nghĩa là chẳng thể như “bình thường cũ”, nghĩa là mùa Tết này, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tại nhiều địa phương trong cả nước tới tận thời điểm này khi cái Tết Nguyên đán đã cận kề, bản đồ dịch vẫn phủ hai màu cam đỏ, thì để đảm bảo an toàn cho tất cả, sẽ chẳng có những lễ hội đón chào năm mới đông hàng ngàn người, sẽ chẳng thể có nhiều điểm bắn pháo hoa để mọi người đứng sát bên nhau cùng chào đón năm mới, sẽ chẳng thể tụ tập đông người để lì xì, chúc Tết, hỏi thăm sức khỏe rồi ăn nhậu…
Không thể “bình thường cũ” nên ai ai cũng sẽ buộc phải thích ứng với những điều mới mẻ, xưa nay chưa từng làm trong những ngày Tết. Đó sẽ là chúc Tết online qua màn hình, lì xì thông qua “chuyển khoản”, là đón giao thừa, xem bắn pháo hoa, tụ tập, hẹn hò bạn bè trực tuyến hoặc chia nhóm rất nhỏ chỉ ít người… “Tết thích ứng” là vì vậy.
2. Tết cổ truyền, xưa nay với phần đa người dân Việt, luôn được mặc định là cái Tết đoàn viên. Ba chữ “Tết đoàn viên” càng trở nên đặc biệt có ý nghĩa với những người dân cả năm làm ăn xa quê, Tết mới là dịp duy nhất trong năm, họ tằn tiện ki cóp, bằng mọi cách, chỉ để hiện thực hóa mong ước được trở về bên ngôi nhà của mình, cùng trải qua những ngày Tết với người thân, họ hàng, làng xóm. Ăn Tết bên gia đình vì thế là truyền thống văn hóa, đã hằn vào nếp nghĩ của hầu hết những người dân Việt.
Nhưng cũng bởi ý thức được Tết Nhâm Dần là một cái Tết bình thường mới, một cái Tết thích ứng, lại thêm những khó khăn về kinh tế do dịch, một phần vì lý do đảm bảo an toàn cho cả gia đình nên mùa Tết này, nhiều người dân làm ăn nơi xa đã buộc phải lựa chọn ăn cái Tết xa quê, dù thâm tâm họ không ai mong muốn. Nhiều người đã thực sự khá thấu hiểu việc không trở về quê “khi không thật sự cần thiết”...
Thế nên, với những người dân đang mong muốn trở về quê Tết này, không thể phủ nhận, nhiều người trong số họ, vì những lý do cá nhân, thực sự muốn được trở về… Và khi đã là mong muốn của công dân, cần được hết sức tôn trọng.
3. Nhưng cách ứng xử của các tỉnh thành với người dân về đón Tết thời gian qua, rõ ràng có quá nhiều điều đáng bàn.
Tết vui nhưng vẫn phải an toàn. An toàn phải là yếu tố quan trọng nhất. Điều đó không hề sai. Nhất là trong bối cảnh năng lực hệ thống y tế các địa phương còn nhiều hạn chế. Nhưng người Việt vốn có câu “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ở đây, thiết nghĩ, chính quyền những địa phương khi đưa ra những quy định “lạ” như “lập chốt”, “khóa cửa” để hạn chế người về quê đã quên mất rằng không chỉ lựa cách nói mà lựa cả cách ứng xử. Nói như ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: “Đây không phải là biện pháp chống dịch mà là hiểu biết về chống dịch chưa đầy đủ, lại thêm thói cửa quyền”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì tuyên bố “lập chốt”, “khóa cửa”, thay vì vận động “không về quê ăn Tết”, vẫn còn nhiều cách như khuyến cáo họ một cách rõ ràng, xây dựng những thông điệp như “đón Tết an toàn” hoặc yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, trong đó có quy định 5K… Đơn cử như mới đây, PGS. Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương gửi Tuổi Trẻ Online những khuyến cáo, hướng dẫn người dân cách đón Tết an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, rằng về quê ăn Tết, cần làm gì để an toàn phòng dịch cho gia đình và quê hương? Quan trọng nhất, như Đảng và Bác Hồ lúc sinh thời đã từng nhiều lần nhắc nhở: quan trọng là nói để cho dân hiểu… Chưa kể, những lời kêu gọi hạn chế người về quê hay “lập chốt”, “khóa cửa” là hoàn toàn trái với Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Tết Nguyên đán đang đến rất gần, nên điều quan trọng, cần làm ngay trong lúc này, là gỡ bỏ những quy định làm khó người dân. Ngày 17/1, Bộ Y tế đã có văn bản gửi chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp. Điều này cần nhưng chưa đủ, như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “cần xem xét việc ứng xử khác nhau này của các địa phương”, không để mỗi địa phương, mỗi nơi “mạnh ai nấy làm”, phớt lờ những quy định thích ứng linh hoạt đã rất rõ ràng của Chính phủ.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 - mùa Tết COVID-19 là một mùa Tết nhiều gian khó. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Tiến trình phục hồi kinh tế còn nhiều gian nan. Những thông tin đã cho thấy lương thưởng Tết năm nay phần đa thấp hơn năm ngoái. Chưa kể còn hàng triệu triệu lao động mất việc làm, một đồng tiền thưởng Tết cũng không có…
Thế nên, ưu tiên hàng đầu của các địa phương lúc này, thiết nghĩ không chỉ là chăm chăm câu chuyện an toàn, ngăn người về quê mà còn là việc giải bài toán an sinh xã hội, lo cái Tết cho người nghèo, người lao động mất việc, cho những trẻ em mồ côi mất nhà, mất người thân sau đại dịch… giúp cho họ có được một cái Tết ấm, dù chỉ là tươm tất phần nào, mới thực sự là điều ý nghĩa, đáng làm nhất. Làm được như vậy, thì người dân mới thực sự có được một mùa Tết bình thường…
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com