An toàn đón học sinh trở lại trường (07/02/2022-8:38)
Quãng thời gian dài đằng đẵng gần 1 năm học sinh cả nước phải xa mái trường và học trực tuyến vì dịch COVID-19 sẽ kết thúc vào tuần tới. Đây là tín hiệu đáng mừng không chỉ với ngành giáo dục, mà còn là dấu mốc mới trong cuộc chiến phòng chống đại dịch tại nước ta.
Học sinh tiểu học của Hà Nội học trực tiếp tại trường (ảnh tư liệu). Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Theo thông tin chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, 100% các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã chốt kế hoạch mở cửa đón sinh viên trở lại trong tháng 2; toàn bộ 63 tỉnh, thành phố sẽ đón học sinh trung học đi học trực tiếp từ ngày 7-14/2; 60 tỉnh, thành phố lên kế hoạch đón học sinh tiểu học, mầm non và chỉ còn Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đang chờ ấn định ngày đi học cụ thể.
Dù khó tránh khỏi đâu đó còn tâm lý e ngại, song về tổng thể đây là một dấu mốc rất đáng mừng, thể hiện sự thích ứng chủ động và linh hoạt của chúng ta trong trạng thái “bình thường mới”. Nhìn ra thế giới, đón học sinh các cấp trở lại học trực tiếp cũng là xu thế chủ đạo. Tại Mỹ, thủ đô Washington D.C là nơi mới nhất học sinh tiểu học đi học trực tiếp. Học sinh tại hầu hết các nước châu Âu, tâm dịch COVID-19 thứ hai của thế giới, cũng đã đến trường. Tới đầu tháng 2, có 65% số quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã mở cửa hoàn toàn trường học và 35% mở cửa một phần. Ở Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore cho phép các trường có tỷ lệ tiêm vaccine học sinh trên 85% học trực tiếp.
Học trực tuyến tại nhà là giải pháp thích ứng hiệu quả trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội. Tuy nhiên, mô hình này cũng gây ra những hệ lụy nhất định. Giáo dục là một môi trường đặc biệt, các em học sinh là những thanh thiếu niên đang trong giai đoạn tích lũy và phát triển cả tri thức lẫn tâm sinh lý và nhân cách. Việc không được đến trường học tập và giao tiếp xã hội chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực tới các em. Theo Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý tại Trung ương hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá nhiều vì học trực tuyến khiến học sinh dần “thui chột” cảm xúc, thiếu thốn kỹ năng, thái độ sống. Đó là chưa kể các hệ lụy khác về sức khỏe tâm thần, thể chất như dễ lo âu trầm cảm, rối loạn cảm xúc, dễ tổn thương, hay bực bội, cáu gắt. Nhiều học sinh có nguy cơ mắc các bệnh như cận thị, béo phì, cong vẹo cột sống, thiếu canxi…
Bởi vậy, quyết định cho học sinh trở lại trường học trực tiếp là bước đi cần thiết, là chủ trương đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt sau khi chúng ta đã làm rất tốt chiến dịch “phủ sóng vaccine” phòng COVID-19. Bộ Y tế cho hay hiện nay trên 6,5 triệu học sinh từ 12-17 tuổi đã được tiêm vaccine mũi 1, đạt tỷ lệ trên 90%; mũi 2 là 72,24%. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vaccine mũi 2 là 82%; mũi 3 là 28,2%. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong trường học là khá thấp, thấp hơn nguy cơ trong cộng đồng và các gia đình. Chấm dứt học trực tuyến và đưa học sinh trở lại trường là bước đi hợp lý, phù hợp với chủ trương “sống chung với COVID-19”. Hiện nay, kinh nghiệm hơn 2 năm phòng chống dịch, các điều kiện về chữa bệnh, phòng dịch của chúng ta cũng đã tốt hơn rất nhiều; ý thức và năng lực thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân, cộng đồng của người dân nâng lên; đặc biệt, tỷ lệ phủ vaccine tạo miễn dịch cộng đồng của Việt Nam thuộc nhóm 6 nước cao nhất thế giới. Đó là những tiền đề, là cơ sở khoa học để chúng ta tự tin mở cửa trường học đón học sinh trở lại một cách an toàn.
Bên cạnh đó, để quyết định mở cửa trường học thật sự hiệu quả, điều cần thiết nữa là “đả thông tư tưởng” cho cả phụ huynh và học sinh. Hiện nay, nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con em mình tới các điểm vui chơi công cộng, song lại e dè nếu con tới trường vì sợ lây nhiễm. Trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường cũng nên có các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, bởi sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp học sinh ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trên lớp. Do đó, cần có những hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được tới trường, giáo viên thích ứng trở lại với “bục giảng và bảng đen phấn trắng”.
Một vấn đề hết sức quan trọng khác đó là ý thức phòng dịch. Hiện nay, dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, nguy cơ mắc bệnh vẫn luôn hiện hữu. Việc thực hiện các qui định 5K phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế cần được tuân thủ tuyệt đối. Các trường học phải đạt yêu cầu an toàn theo các tiêu chí tại Hướng dẫn liên ngành của Sở Giáo dục và Đào tạo - Sở Y tế; chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch xử lý tình huống khi có cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh là F0; tổ chức tổng vệ sinh môi trường hằng ngày. Giáo viên chưa tiêm đủ vaccine theo quy định của Bộ Y tế chỉ dạy học trực tuyến, không dạy trực tiếp.
Đại dịch COVID-19 đã xuất hiện 2 năm và không biết bao giờ mới kết thúc. Việc học trực tuyến cũng đã kéo dài gần 1 năm qua, làm xáo trộn nghiêm trọng công tác giảng dạy và học tập của thầy cô và học sinh cả nước, kéo theo đó là những hệ lụy đáng tiếc. Với tỷ lệ phủ sóng vaccine hiện nay, với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng của các cấp các ngành và các địa phương, có lẽ giờ là thời điểm thích hợp để đón học sinh trở lại trường học một cách an toàn và hiệu quả.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com