Đường Lê Lai, đoạn qua phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa sau trận mưa lớn.
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, hiện tượng mưa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những diễn biến bất thường. Theo đó, ngày 17–1, đã xuất hiện đợt mưa rào và giông. Trong tháng 1 và tháng 2, nhiều ngày có mưa, có những nơi mưa liên tục từ 8 đến 10 ngày, đã trở thành hiện tượng hiếm thấy bởi trước kia, ít khi xuất hiện mưa kéo dài ngay từ đầu năm. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến giữa tháng 4 vừa qua, lượng mưa phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh đạt từ 100 đến 200 mm, cao hơn so với trung bình nhiều năm cũng như cùng kỳ năm 2021.
Mùa đông vừa qua đến muộn nên sang cuối tháng 2–2022, vẫn xuất hiện đợt rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh với nhiệt độ không khí trung bình ngày phổ biến từ 11 đến 14 độ C. Đặc biệt, vào ngày 20–2, nhiệt độ xuống 9 đến 10 độ C, thấp nhất là tại Trạm Khí tượng Nga Sơn vào ngày 21–2 chỉ còn 7,9 độ C. Đợt rét đậm, rét hại ngay đầu năm này đã làm chết 16 con trâu và nghé tại các huyện Mường Lát, Như Xuân, thiệt hại nhiều hoa màu và cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, ngay sau các đợt rét đậm, rét hại, lại xuất hiện những đợt nắng nóng vào tháng 3 với nhiệt độ không khí từ 35,5 đến 37,5 độ C. Đây cũng là hiện tượng thời tiết cực đoan bởi nắng nóng xuất hiện ngay trong tiết xuân. Những ngày cuối tháng 5 và tháng 6 này, Thanh Hóa cũng liên tục xuất hiện các đợt nắng nóng.
Mùa mưa năm 2022 được cho là vừa bắt đầu với lượng mưa không lớn, nhưng hiện tượng sạt lở đã xảy ra khắp nơi ở khu vực miền núi gây nhiều thiệt hại về nhà ở, công trình giao thông, cây trồng. Điển hình nhất là các huyện miền núi cao như Mường Lát và Quan Sơn. Tại khu vực đồng bằng, tình trạng ngập lụt cục bộ diễn ra nhiều nơi, gây nhiều thiệt hại cho những vùng lúa đến kỳ thu hoạch tại các huyện Nông Cống, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Triệu Sơn...
Tại thời điểm cuối tháng 6 này, tình hình thủy văn, cụ thể là mực nước trên các sông đang xuống rất thấp, hiện mực nước tại các trạm đo vùng hạ du sông Mã, sông Chu, sông Bưởi phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Đáng nói, trên sông Mã tại Trạm Thủy văn Lý Nhân, có thời điểm mực nước chỉ còn hơn 1,1m – thấp nhất trong lịch sử. Trên sông Chu tại Trạm Thủy văn Xuân Khánh, mực nước đang thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,8 đến 1m.
Trước những hiện tượng thời tiết cực đoan và dị thường so với quy luật, Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa đã có phân tích và đưa ra nhiều cảnh báo về một mùa mưa bão phức tạp trong những tháng tới. Năm nay, hiện tượng bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên biển Đông sớm hơn so với trung bình nhiều năm, dự báo có khoảng từ 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông, trong đó khu vực Thanh Hóa có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1 đến 2 cơn bão hoặc áp tháp nhiệt đới đổ bộ. Ngoài ra, những cơn bão có thể ảnh hưởng đến phía Bắc, phía Nam của tỉnh, gây mưa to và gió mạnh.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, từ nay đến tháng 10, dự báo sẽ còn khoảng 4 đến 6 đợt không khí lạnh tăng cường. Tuy các đợt không khí lạnh này có cường độ yếu, nhưng sẽ kết hợp với hình thể Synop khác như rãnh áp thấp, dải hội tụ nhiệt đới, bão, áp thấp nhiệt đới, nhiễu động gió Đông trên cao..., gây ra các đợt mưa lớn trên diện rộng tại Thanh Hóa. Thời điểm từ nay đến tháng 10, trên địa bàn tỉnh nhiều khả năng xuất hiện từ 8 đến 10 đợt mưa lớn, nhất là thời gian tháng 8 đến tháng 10. Tổng lượng mưa trong mùa mưa năm nay dự báo khoảng từ 1.300 đến 1.800 mm, riêng các khu vực như Thường Xuân, Thọ Xuân, Như Xuân, Như Thanh và thị xã Nghi Sơn, có nơi sẽ đạt trên 1.800 mm.
Một trong những hiện tượng thời tiết đáng lo ngại trong những tháng tới là hiện tượng lốc, sét và mưa đá, cần chủ động các giải pháp giảm thiểu thiệt hại. Theo thống kê từ năm 2005 đến nay, thời điểm từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thường xảy ra từ 5 đến 7 trận lốc, sét và mưa đá, chủ yếu xảy ra sau những ngày nắng nóng hoặc không khí lạnh nén rãnh thấp. Điều này gần như đã trở thành quy luật, nên người dân và các cấp chính quyền cần chủ động các giải pháp phòng tránh.
Cũng theo dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay chính là thời điểm chính vụ của mùa mưa bão, kèm theo các trận lũ. Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra từ 3 đến 5 đợt lũ với đỉnh lũ trên các sông lớn của tỉnh đạt mức báo động 1 và báo động 2. Mưa bão không những gây tình trạng ngập lụt ở khu vực đồng bằng mà còn gây nên hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi của tỉnh. Các địa phương cần chuẩn bị các giải pháp giảm thiểu thiệt hại về người và của cho Nhân dân khi có nguy cơ, trong đó phải sẵn sàng các phương án di dân. Việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức và tính chủ động trong phòng tránh thiên tai của các địa phương, các ngành và đơn vị liên quan ngay từ đầu mùa mưa bão có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Theo Bài và ảnh: Lê Đồng/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/canh-bao-mot-mua-mua-bao-phuc-tap-va-nhung-khuyen-cao/162115.htm