Giải bài toán lạm phát điểm thi Đại học: Tự chủ và không phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT (24/09/2022-9:08)
Tương tự như mùa tuyển sinh trước, điểm chuẩn vào nhiều trường đại học năm nay tăng mạnh khiến nhiều thí sinh dù đạt 9 điểm/môn vẫn trượt nguyện vọng 1. Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng phương thức tuyển sinh đại học cần thay đổi.
Mùa tuyển sinh năm nay, tại nhiều ngành đào tạo, thí sinh phải đạt mức điểm gần tuyệt đối mới có cơ hội trúng tuyển. Ảnh minh họa. Nguồn: T.L
Nhiều lý do khiến điểm chuẩn cao
Mùa tuyển sinh năm nay, tại nhiều ngành đào tạo, thí sinh phải đạt mức điểm gần tuyệt đối mới có cơ hội trúng tuyển. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất là: Hàn Quốc học, Đông phương học và Quan hệ công chúng đều là 29,95 điểm. Kế tiếp là ngành Báo chí với 29,9 điểm.
Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) tiếp tục gây ấn tượng mạnh khi ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao, Sư phạm Lịch sử chất lượng cao cùng lấy 39,92 điểm (thang điểm 40) và ngành Sư phạm Lịch sử lấy 29,75 điểm (thang điểm 30).
Một số ngành của các trường đại học khác cũng có điểm chuẩn cao gần chạm ngưỡng 30 như ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội lấy điểm chuẩn là 29,5 điểm; chuyên ngành Trung Quốc học, Học viện Ngoại giao có điểm chuẩn 29,25 điểm,...
Mức điểm này đồng nghĩa thí sinh phải đạt gần 10 điểm/môn bao gồm cả điểm ưu tiên, khu vực, đối tượng thì mới có thể trúng tuyển vào các ngành kể trên.
TS. Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính nhận định, mặt bằng chung, điểm chuẩn năm nay thấp hơn năm ngoái, tuy nhiên, một số trường có điểm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng.
“Tại một số trường, số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ít. Bên cạnh đó, các trường xét tuyển nhiều phương thức nên chỉ còn một tỉ lệ nhất định cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Bởi vậy, điểm trúng tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT cao hơn các phương thức khác là điều dễ hiểu” - ông Tùng nói.
PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay, có nhiều lý do dẫn tới điểm chuẩn của các trường năm ngoái đã cao, năm nay càng cao hơn như: mức độ đề thi chưa có tính phân hóa cao; thí sinh tăng nguyện vọng vào các trường top, ngành hot; các trường cũng bắt đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng, xét tuyển kết hợp khiến tỷ lệ chỉ tiêu cho việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm...
Với độ phân hóa đề thi như hiện tại, ông Triệu cho rằng, trong thời gian tới, các trường sẽ tính đến việc giảm sự phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, chủ động đưa ra các phương thức tuyển sinh riêng để đảm bảo yêu cầu của từng trường.
Đưa về giá trị thực
Bên cạnh một số ngành học điểm chuẩn vẫn ở mức cao, bức tranh tuyển sinh chung của các trường ĐH năm nay có thể thấy “cơn sốt” điểm chuẩn đã giảm nhiệt so với năm 2021. Tính đến hôm qua, cả nước chưa có ngành học nào có điểm chuẩn tuyệt đối.
Những ngành năm ngoái có điểm chuẩn tuyệt đối hoặc trên tuyệt đối như Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức (điểm chuẩn 30,5/30 điểm); ngành Hàn quốc học, Đông phương học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội (điểm chuẩn 30/30 điểm); ngành Xây dựng Lực lượng Công an Nhân dân đối với nữ phía Bắc của Học viện Chính trị Công an Nhân dân (30,34/30 điểm) thì năm nay đều giảm nhiệt. Trong đó, ngành Hàn Quốc học, Đông phương học giảm 0,05 điểm, ngành Sư phạm Ngữ văn giảm 0,56 điểm.
Đặc biệt, ngành Xây dựng Lực lượng Công an Nhân dân đã giảm 4,08 điểm. Sở dĩ ngành này điểm chuẩn giảm “sốc” là do Bộ Công an có chính sách điều chỉnh phương án tuyển sinh. Theo đó, năm nay, lần đầu tiên, Bộ tổ chức bài thi đánh giá để lấy kết quả xét tuyển kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Điểm xét tuyển là tổng điểm của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển vào trường các Công an Nhân dân (hiện tại có 8 trường) và điểm bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an (chiếm tỷ lệ 60%). Điểm xét tuyển được quy về thang điểm 30 làm tròn đến 2 chữ số thập phân cộng với điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, điểm thưởng theo quy định của Bộ Công an.
Theo đánh giá của Bộ Công an, do bài thi đánh giá có độ phân hóa cao nên điểm thi và điểm trúng tuyển đã có sự thay đổi, không còn tình trạng “lạm phát” điểm chuẩn như những năm trước.
Tương tự, điểm chuẩn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay cũng giảm so với năm 2021. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn các phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp, dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của 60 chương trình đào tạo. Trong đó, có 5 chương trình trường không sử dụng phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022.
PGS. Điền cũng cho biết, khi phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh, trường chia theo ngành. Vì thế, với ngành Công nghệ Thông tin, có một số chuyên ngành không tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, trường vẫn tuyển đủ chỉ tiêu dựa vào phương thức thi tốt nghiệp THPT cho ngành này. Kết quả cho thấy cả 5 chương trình mà trường không tuyển theo phương thức thi tốt nghiệp THPT đều thuộc nhóm ngành có điểm chuẩn đánh giá tư duy cao nhất.
“Nhà trường quan niệm việc phải đặt ra điểm chuẩn quá cao là bất đắc dĩ. Vì nó thể hiện một môi trường tuyển sinh không thực sự lành mạnh, bởi có nguy cơ đánh trượt nguyện vọng 1 cả những thí sinh xuất sắc nhưng vì sơ suất nhỏ khi làm bài mà điểm các em không đủ cao”, PGS Điền cho biết.
Không nên quá phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT
Đánh giá về mùa tuyển sinh năm nay, PGS.TS Trần Văn Tớp - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, những điểm mới của mùa tuyển sinh năm nay phức tạp hơn mọi năm trong bối cảnh đề án tuyển sinh của các trường cũng có nhiều đổi mới khiến thí sinh theo dõi khó hơn.
Về điểm chuẩn, PGS.TS Trần Văn Tớp nhận định, năm nay điểm chuẩn có nhiều biến động. Tuy không thể so sánh điểm chuẩn giữa ngành này với ngành kia, khi không cùng một mặt bằng, một thang điểm, 1 thước đo, nhưng có một số ngành điểm chuẩn tăng mạnh, thậm chí gần 10 điểm so với năm ngoái thì sự chênh lệch này cũng là điều đáng suy nghĩ.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Văn Tớp nhắc lại giai đoạn tuyển sinh đại học cách đây chục năm trước. Thời điểm đó, điểm chuẩn chỉ 13, 14 điểm, thậm chí 11, 12 điểm đã đỗ đại học. Còn thời điểm hiện tại để đỗ đại học khó chấp nhận điểm số đó. Điểm chuẩn các trường phải từ 19, 20, đặc biệt các ngành top trên phải 29, hơn 29 điểm.
Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, dù chỉ tiêu các ngành này ít nhưng dù đề thi dễ hay khó thì việc thí sinh đạt tới điểm tiệm cận tuyệt đối là cả câu chuyện không dễ. Chuyên gia này cũng cho rằng, điểm cao là do cách đánh giá, xu hướng đề thi. Hiện nay kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 2 mục đích, xét tốt nghiệp THPT, đồng thời tuyển sinh đại học. Thế nên làm thế nào để đề thi vừa đáp ứng thi tốt nghiệp THPT vừa đảm bảo cho các trường đại học là câu hỏi khó.
“Khi hầu hết các trường tuyển sinh còn phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT thì câu chuyện về đề thi, điểm chuẩn vẫn sẽ lặp đi, lặp lại hằng năm”, PGS.TS Trần Văn Tớp nêu quan điểm.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, các trường không nên quá phụ thuộc vào điểm số của kỳ thi tốt nghiệp, chuyển hướng sang những phương thức tuyển khác, đặc biệt là các kỳ thi riêng.
Đánh giá toàn cảnh điểm chuẩn năm nay, TS. Nguyễn Đức Nghĩa nhìn nhận, những trường đại học, ngành tuyển sinh bằng kỳ thi riêng, không còn phụ thuộc 100% vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đã phần nào kiểm soát được mức độ lạm phát của điểm chuẩn.
Điển hình như điểm chuẩn 8 trường khối ngành công an đều giảm mạnh so với năm 2021, hay điểm vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh... đều giảm đáng kể. Điều này cho thấy định hướng xây dựng các kỳ thi riêng đang đúng hướng, các trường cần phát huy tốt hơn trong mùa tuyển sinh năm sau.
Mặt khác, với những ngành điểm chuẩn vẫn gần kịch trần, TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, Bộ GDĐT cần tính toán lại việc ra đề thi năm sau, siết lại các kiến thức trong đề thi tốt nghiệp THPT để tránh tình trạng “giỏi ảo”.
Tự chủ tuyển sinh đại học cũng được nhiều chuyên gia nhắc tới trong việc giải bài toán lạm phát điểm thi Đại học. Từ góc độ người học, một điều dễ nhận thấy là các cơ sở đào tạo hiện nay đều sử dụng đa dạng các phương thức tuyển sinh. Mỗi thí sinh có nhiều cơ hội để trúng tuyển vào ngành, trường yêu thích bằng cách tận dụng các phương án xét tuyển do các trường đưa ra. Khi chủ động với nhiều phương án và các bài thi khác nhau, thí sinh sẽ hạn chế được tình trạng may rủi của kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện chỉ diễn ra duy nhất 1 lần/năm, nếu có những sơ sót sẽ không làm lại được mà phải chờ đến năm sau thi lại.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com