Nhà báo Dương Xuân Nam và chuyện “5 giai phẩm – 1 tinh thần Xuân” (21/01/2023-23:21)
Nhà báo, nhà thơ Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh) - nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong là một kho tàng về câu chuyện làm báo Tết, tổ chức và triển khai các giai phẩm báo Xuân.
Thời kỳ ông làm Tổng Biên tập, báo Tết “được mùa”, luôn được trang hoàng đặc sắc, đẹp mắt nhất có thể để mời bạn đọc thưởng thức và thưởng lãm. Xây dựng ý tưởng, đặt bài, “nuôi” cộng tác viên giỏi hay cả những cuộc “trà dư tửu hậu” với bè bạn văn chương để có được những tác phẩm giá trị nhất... đều mang biết bao “tinh túy” được chắt lọc, hội tụ đủ đầy của tâm - sức!
Bìa Tết - không lai Tây, không nhạt nhòa
Nhà báo Dương Xuân Nam chia sẻ: “Khi tôi còn làm Tổng Biên tập, Báo Tiền Phong có đến 5 ấn phẩm: Báo hàng ngày; Tiền Phong Chủ nhật; Tiền Phong Cuối tháng; Người đẹp Việt Nam; Tri thức trẻ. Và cứ mỗi dịp tết đến xuân về, chúng tôi phải chuẩn bị 5 mâm cỗ - 5 ấn phẩm Tết mời bạn đọc của mình nên tòa soạn Tiền phong lúc đó không khí làm báo tết đã có từ trước hai tháng chứ không chỉ dồn vào mấy ngày cận Tết này”.
Điều đầu tiên luôn được tòa soạn quan tâm đến chính là bìa báo Tết và với Báo Tiền Phong thì cả 5 ấn phẩm đều mang đặc trưng riêng, không lẫn với nhau và không lẫn với tờ báo khác. Nhà báo Dương Xuân Nam kể rằng, với Báo Tiền Phong hàng ngày thì bìa tết thường sử dụng là hình ảnh Hoa hậu của năm vì gắn liền với cuộc thi Hoa hậu – một cuộc thi do Báo khởi xướng và tổ chức.
“Tất nhiên là hình chụp phải có sắc xuân, có sắc hoa, phong cảnh… chứ không phải chỉ chụp bình thường như một bức ảnh người đẹp đơn thuần. Người thực hiện bìa tết cũng phải chọn rất kỹ lưỡng. Hồi đó tôi thường đặt nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam chụp và năm nào cũng phải chụp trong khoảng đầu tháng 11 là đã có rồi” – ông Dương Xuân Nam chia sẻ.
Còn với tờ Tiền Phong Chủ nhật thì cũng rất độc đáo vì sử dụng một bức tranh chứ không dùng ảnh. Gần như năm nào, Báo cũng đặt họa sĩ Thành Chương – một trong những họa sĩ nổi tiếng bậc nhất vẽ. Với Tiền Phong Cuối tháng, Báo cũng phải đặt trước các nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng thời bấy giờ để chụp bìa, tìm kiếm sự mới mẻ, khác lạ. Tờ Người đẹp Việt Nam cũng sử dụng ảnh Hoa hậu của năm nhưng ở góc độ khác, phong cách khác so với tờ Hàng ngày. Với Tri thức trẻ thì phải xem năm đó có công trình hay người được giải Nobel của năm nào… thì sẽ đưa lên Bìa.
Nhà báo Dương Xuân Nam tâm huyết kể: “Nói chung là rất kỳ công! 5 cái bìa thôi nhưng phải chuẩn bị trước 2-3 tháng trời mới xong. Nhiều khi phải duyệt đi duyệt lại cả chục lần. Bìa là bộ mặt của tờ báo nên phải đẹp. Thứ hai là phải mang đậm nét văn hóa Việt Nam, từ trang phục, phong cách ăn mặc… Tất cả đều phải mang truyền thống của người Việt Nam chứ không lai Tây, không nhạt nhòa, hời hợt”.
Khi thân phận con người mang chất riêng của Tết
Câu chuyện làm bìa đã kỳ công, nội dung cho số báo Tết cũng là chuyện…kể cả ngày không hết chuyện. “Chúng tôi phải họp trước mấy tháng để phân công viết bài, triển khai nội dung, từ các bài phóng sự, phản ánh, truyện ngắn, trang thơ…đều có cách làm riêng, mang chất riêng của Tết” – nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong hào hứng trao đổi.
Điểm hấp dẫn nhất trên các ấn phẩm Tiền Phong, theo nhà báo Dương Xuân Nam là có những tác phẩm khai thác chủ đề thân phận, số phận con người. Những câu chuyện ấy được phóng viên dấn thân, lăn lộn cả một năm, thậm chí viết dài kỳ nhiều tháng trời và số báo Tết thường sẽ có một kỳ cuối khép lại hoặc nhìn lại… Thường những bài này sẽ là nhà báo Xuân Ba – cây bút phóng sự nổi tiếng viết.
“Văn chương cũng như báo chí, thân phận con người quan trọng lắm. Sở dĩ Truyện Kiều - Nguyễn Du được hàng triệu người yêu mến cũng là vì đã đi vào thân phận con người. Phải đi sâu vào thân phận con người như vậy mới “sống” được lâu dài chứ đừng chỉ hời hợt bên ngoài” – nhà báo Dương Xuân Nam khẳng định.
Báo Tiền Phong ngày xưa là tờ báo đầu tiên mở diễn đàn như: “Tuổi trẻ sống và yêu”; “Sống hiện đại và yêu hiện tại”; “Nếu tôi là lãnh đạo”; “Người Việt phẩm chất và thói hư tật xấu”,… Thời kỳ 1988-1990, các diễn đàn này quả thực đã gây chấn động cả nước với sức thu hút cực lớn. Và dĩ nhiên, trên các giai phẩm Xuân cũng sẽ lựa chọn để đưa một bài hay nhất của chuyên gia giỏi nhất viết cho các diễn đàn trên.
Ngoài ra, nhà báo Dương Xuân Nam cũng chia sẻ rằng, chủ đề về những người lính nơi biên cương, hải đảo… cũng là chủ đề thường niên của báo Tết. Nhưng cách viết và khai thác nội dung này không phải viết như bây giờ mà báo Tiền Phong sẽ chú trọng vào từng câu chuyện, vấn đề phía sau người bộ đội, về người vợ, người mẹ, về tình cảm của họ… Nghĩa là xuyên suốt của tác phẩm cũng vẫn xoay quanh số phận, cuộc đời của một con người đặc biệt nào đó.
“Những bài báo đặc sắc, một là về thân phận con người, hai là những sự kiện nổi tiếng từ những tư liệu quốc tế hoặc trong nước ít người biết hoặc biết rồi mà chưa rõ…sẽ được chúng tôi tìm tòi và khai thác sâu. Những bài như vậy đưa lên báo Tết mới hấp dẫn, nhiều người quan tâm tìm đọc.”- nhà báo Dương Xuân Nam nhớ lại.
Mới - lạ - hấp dẫn và bổ ích
Khối lượng bài vở đa dạng mà phải chọn lọc những bài tinh túy và hay nhất nên cũng có những tiêu chuẩn riêng. Với nhà báo Dương Xuân Nam, tờ báo Tết ưng ý phải nằm ở 4 điểm: mới – lạ - hấp dẫn và bổ ích. Và tất nhiên, song song với chất lượng thì nhuận bút cũng phải đặc biệt. Thời đó, số lượng phát hành lớn, nhuận bút trả cao, bên cạnh đó còn có nhiều chế độ bồi dưỡng cho phóng viên thực hiện nữa. Còn nếu đặt những cây bút nổi tiếng thì tất nhiên nhuận bút đó còn cao hơn nhiều lần.
Lại nói đến chuyện đặt bài, nhà báo Dương Xuân Nam là người rất có duyên chiêu nạp các cây bút nổi tiếng. Trước khi trở thành nhà báo, ông đã từng là một nhà thơ, nhà văn nên việc tổ chức một tờ báo Tết với nhà báo Dương Xuân Nam cũng có nhiều lợi thế. Bạn bè của ông nhiều người là văn nghệ sĩ, ông cũng cái tài “chiêu dụ” các cây bút giỏi để “nuôi dưỡng” tạo nguồn cho báo Tết.
“Chiến lược “dụng nhân” này cũng lắm công phu chứ đâu phải… muốn là đặt được bài. Ngay cả việc đăng truyện ngắn đặc sắc cho báo Tết thì Báo Tiền Phong vẫn thường phải lựa chọn truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh,… những nhà văn nổi tiếng mà nhiều người biết đến. Với một trang thơ, chúng tôi cũng phải đặt các nhà thơ nổi tiếng thậm chí Tổng Biên tập cũng trực tiếp tuyển lựa chứ không ủy quyền cho Phó Tổng Biên tập… Bận đến mấy thì Tổng Biên tập vẫn mời cơm, vẫn bè bạn chè thuốc tâm tình, mình phải yêu mến và trọng dụng người viết giỏi, những nhà văn, nhà thơ giỏi.
Tôi tâm huyết và ưng ý nhất với giai phẩm Xuân Tiền Phong Chủ nhật. Ở đó, phần lớn là tập hợp những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng viết hay, thậm chí chúng tôi còn trả lương và nhuận bút cho họ để họ cộng tác và viết thường xuyên cho mình” - nhà báo Dương Xuân Nam cho biết.
Cuộc trò chuyện với nhà báo Dương Xuân Nam khép lại cũng là lúc Tết Quý Mão sắp gõ cửa… Những chuyện về làm báo Tết vẫn mang dư vị thật đậm đà với người đã có một đời nghề viết báo – làm báo – quản lý tờ báo thật sôi nổi…
Và ông vẫn nhắc nhớ về năm tháng nào đó như thể đầy luyến tiếc: “Ngày ấy, doanh thu cả năm của chúng tôi cao lắm, trong đó cao nhất là báo Tết. Chúng tôi cũng phải đóng thuế cả tỷ đồng. Dịp Tết anh em được nhận nhuận bút cao, thưởng cao. Và nhớ nhất là cái cảnh các đại lý phát hành báo xếp hàng dài trước cổng đợi mua báo Tết… Đó là những ký ức rất khó quay trở lại, dường như nó đã và đang xa dần, chỉ còn là kỷ niệm trong thời đại công nghệ 4.0 hôm nay”.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com