Nhà báo Đồng Mạnh Hùng (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp. Ảnh NVCC
“Đối với những người làm báo chân chính, mục tiêu cuối cùng vẫn luôn là nỗ lực làm tròn chức phận, tròn sứ mệnh của một chiếc cầu nối thông tin đặc biệt… Từ đó mang đến những tin tức ý nghĩa, có tính xây dựng và làm thay đổi một con người, một số phận và thúc đẩy xã hội phát triển… Đó cũng là nét văn hóa đặc trưng ở Đài Tiếng Nói Việt Nam”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ.
Có một chuẩn văn hóa sẽ giúp nhà báo thực thi đúng chức phận của mình
+ Thưa ông, ở góc độ người làm nghề nhiều năm nay, nói đến văn hóa báo chí, ông sẽ nghĩ về điều gì trong bối cảnh mà chúng ta đang cuốn vào một kỷ nguyên số, vừa phải linh hoạt, chuyên nghiệp, vươn lên vừa phải luôn nhắc nhớ về sứ mệnh của người làm báo cách mạng…?
- Tôi cho rằng, trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, nhà báo không những không đứng ngoài cuộc mà còn đóng vai trò quan trọng trong truyền thông cho công cuộc chuyển đổi số. Chuyển đổi số đem lại nhiều cơ hội cho nhà báo và nghề báo, chính vì vậy nhà báo cần phải phát huy những lợi thế đó vào công việc của mình từ việc sản xuất đến việc phân phối trên đa nền tảng, tương tác với công chúng và tạo điều kiện cho công chúng trở thành đồng sản xuất. Nhưng cũng chính điều đó cũng là nguyên nhân khiến nhà báo có thể gặp những khó khăn trước việc đưa tin chính xác, có định hướng và duy trì mối quan hệ khách quan, công tâm với đối tác, với công chúng.
Nói như vậy có thể hiểu, trong quá trình chuyển đổi số, nhà báo phải tiếp cận sớm và ứng dụng nhanh nhạy công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quá trình tác nghiệp, nhưng cũng chính nhà báo phải thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp, bản lĩnh người làm báo cách mạng để đấu tranh, đẩy lùi những tiêu cực, những cám dỗ để xây dựng một nền báo chí lành mạnh, nhân văn hơn để nhà báo và cơ quan báo chí đi đúng, làm tròn trách phận của mình.
+ Trong bối cảnh đó, để báo chí “làm tròn chức phận của mình”, phong trào thi đua “xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” thực sự cần thiết. Thưa ông, từ thời điểm phát động, Đài Tiếng nói Việt Nam mà nòng cốt là LCH Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam đã có những hưởng ứng, triển khai như thế nào?
- Chúng tôi xác định đây là một trong những vấn đề quan trọng của mỗi cơ quan báo chí, đặc biệt là cơ quan báo chí chủ lực như Đài Tiếng nói Việt Nam, vì vậy Liên Chi hội đã triển khai ngay đến các Chi hội và các hội viên.
Đặc biệt để các hội viên hiểu đúng về mục đích của phong trào thi đua này và đề ra những mục tiêu để hành động, chúng tôi đã bắt tay vào nghiên cứu, soạn thảo tiêu chuẩn của một cơ quan báo chí văn hóa, trong đó việc xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, có nề nếp gắn việc xây dựng cơ quan báo chí văn hóa với việc thực hiện các nội quy, quy định của cơ quan, luật công chức, viên chức. Các Chi hội đã có những cuộc sinh hoạt chuyên đề để bàn các giải pháp triển khai xây dựng môi trường báo chí văn hóa.
Chúng tôi cho rằng, khi mỗi người làm báo tự ý thức được tầm quan trọng của văn hóa, ý thức trách nhiệm và chức nghiệp của mình thì chắc chắn văn hóa báo chí sẽ thấm sâu và phong trào thi đua sẽ ngày càng lan tỏa. Nghề báo gắn với nghĩa vụ cung cấp thông tin, thể hiện quan điểm, định hướng dư luận về các sự kiện, vấn đề mới, chúng ta phải tiếp xúc nhiều với xã hội, chính vì vậy việc có một chuẩn văn hóa cho người làm báo và cơ quan báo chí sẽ giúp cho nhà báo thực thi đúng chức trách và nghĩa vụ của mình, đồng thời lan tỏa được tinh thần đó tới công chúng.
Thông tin nhanh, Bình luận sâu, Tương tác đa chiều
+ Ông vừa nhắc đến vấn đề của “thể hiện quan điểm, định hướng dư luận” và lan tỏa tinh thần văn hóa tới công chúng. Ở chừng mực nào đó, việc thông tin tuyên truyền cần có những định hướng như thế nào để làm những việc mà Luật pháp không cấm nhưng trái tim mình mách bảo?
- Quan điểm của Đài Tiếng nói Việt Nam là trước những vấn đề còn có ý kiến tranh luận sẽ nghiên cứu một cách thấu đáo, thể hiện quan điểm rõ ràng, khách quan, không làm nóng dư luận, không sai định hướng và đặc biệt không “lái” dư luận theo quan điểm của mình. Tinh thần xây dựng được đề cao vì vậy các bài viết, talk show của Đài Tiếng nói Việt Nam không sa đà mô tả hay “khoét” sâu những điểm còn bất cập, mâu thuẫn, chạy theo sự kiện giật gân câu view mà xem nhẹ hay bỏ qua các vấn đề trọng tâm của đời sống, thậm chí thông tin chạy theo lợi ích nhóm dẫn đến “biến chính thành phụ; biến phụ thành chính”...
Các chương trình, bài viết của Đài Tiếng nói Việt Nam đi sâu vào việc phân tích nguyên nhân và đặc biệt đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng xác định các chính sách, quyết sách hay vấn đề nóng thường liên quan mật thiết đến lợi ích của đông đảo nhân dân, của công chúng vì vậy tiếng nói phản biện trên Đài phải là tiếng nói phản biện của đại diện cho số đông công chúng.
Với phương châm “Tiếng nói Việt Nam: Thông tin nhanh, Bình luận sâu, Tương tác đa chiều” vì vậy, khi có các vấn đề nóng mới, tác động đến nhiều người, nhiều người quan tâm, có tính chất phản biện, Đài Tiếng nói Việt Nam thường lên mở sóng, mở diễn đàn để lãnh đạo thông tin, giải thích, các chuyên gia nhận định bình luận, nhân dân được phát biểu ý kiến, được trao đổi và đưa ra những câu hỏi…
Sự trao đổi qua lại khiến cho thông tin được rõ ràng hơn, quan điểm được thông thoáng hơn và mục tiêu cuối cùng là người dân hiểu đúng, hiểu sâu và hành động đúng. Đó cũng chính là một trong những nét văn hóa đặc sắc ở góc độ thông tin tuyên truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam chúng tôi.
+ Là người gắn bó với sóng phát thanh mấy chục năm nay, việc gìn giữ, phát huy bản sắc ấy trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Đài Tiếng nói Việt Nam có truyền thống gần 80 năm xây dựng và phát triển, và trong quá trình đó Đài luôn làm tròn trách nhiệm là một cơ quan báo chí hàng đầu của đất nước. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đài đã hình thành nên thương hiệu “Tiếng nói Việt Nam” có thể nói đó là giá trị văn hóa và một môi trường văn hóa tốt đẹp mà ở đó người làm báo ý thức được sứ mệnh của mình. Dù trong giai đoạn chiến tranh ác liệt hay trong công cuộc đổi mới thì các nhà báo của Đài vẫn luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình là “chiếc cầu nối” đem tiếng nói của Đảng, Nhà nước tới nhân dân và phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân tới Đảng và Nhà nước.
Chính vì vậy, thông tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam luôn luôn đảm bảo sự chính xác, trung thực và khách quan. Đặc biệt, Đài luôn là người bạn của công chúng, và luôn tạo điều kiện để người dân, dù đó là người yếu thế trong xã hội được nói lên tiếng nói của mình trên làn sóng phát thanh. Đài cũng là chỗ dựa của người dân, không chỉ là về tinh thần mà còn trong quá trình đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng bảo vệ quyền lợi cho người dân. Với bạn bè quốc tế, Tiếng nói Việt Nam hằng ngày đem đến nguồn thông tin về một đất nước Việt Nam hòa bình, hữu nghị và giàu bản sắc dân tộc...
Ngày nay, dù có nhiều loại hình báo chí, nhiều nền tảng để theo dõi thông tin nhưng Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn là “niềm thương, nỗi nhớ” của nhiều thế hệ thính giả và vẫn là niềm tin, điểm hẹn thông tin của công chúng bởi sự chính xác, khách quan, có định hướng.
Văn hóa người làm báo Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện ở chất lượng của mỗi cá nhân nhà báo và chất lượng, hiệu quả tuyên truyền của Đài trong đời sống xã hội và trong môi trường báo chí. Đài cũng là cơ quan báo chí góp phần xây dựng và khẳng định nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp cho nền Báo chí Cách mạng của đất nước nói chung và lan tỏa nét đẹp văn hóa tích cực ấy trong đời sống xã hội.
+ Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Sông Mây (Thực hiện)/Báo NB&CL
ttps://www.congluan.vn/muc-tieu-cuoi-cung-la-de-nguoi-dan-hieu-dung-hieu-sau-va-hanh-dong-dung-post229879.html