Nhà báo phóng viên viết về lĩnh vực văn hóa: Có thật sự dễ dàng? (22/04/2023-19:24)
Nhắc đến phóng viên theo dõi mảng văn hóa chúng ta thường hình dung sự dễ dàng, nhẹ nhàng thậm chí là lãng mạn. Tuy nhiên thực tế, để có những tác phẩm chất lượng về văn hóa đòi hỏi sự kiên trì, kinh nghiệm tác nghiệp, lựa chọn những góc cạnh mới mẻ, hấp dẫn, để “giữ chân” bạn đọc.
Để có được những bức ảnh, khuôn hình đẹp nhất các phóng viên văn hóa không ngại lội bùn tiếp cận. Ảnh: B.Trung
Phóng viên văn hóa cần thời gian và kinh nghiệm tích luỹ qua thực tế
Phóng viên văn hóa sẽ có một đề tài rộng lớn, có tính bao quát cao vì văn hóa hiện diện ở mọi mặt trong đời sống con người. Thông thường, phóng viên sẽ tập trung nhiều vào các mảng đề tài liên quan đến con người như các nghệ nhân, những người am hiểu và đang lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc…
Đội ngũ phóng viên nhà báo chuyên viết về văn hóa thường đi nhiều nơi hơn, tham gia nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật thu hút được đông đảo công chúng, đặc biệt là những địa phương có những không gian văn hóa đặc sắc, với mỗi chuyến đi, gặp gỡ một nhân vật đều để lại những ấn tượng sâu sắc cho phóng viên.
Các hoạt động phóng viên văn hóa sẽ luôn gắn liền với các chương trình thể thao, du lịch, mảng đề tài này được rất nhiều đối tượng độc giả yêu thích vì mang không khí vui tươi, lành mạnh, có tính giải trí khi đọc báo.
Tuy nhiên, để có được hình ảnh thông tin mới mẻ về các sự kiện này đòi hỏi phóng viên phải làm việc ở áp lực cao, phải thức khuya dậy sớm, di chuyển liên tục ở các địa điểm. Phóng viên làm thể thao du lịch thường khoác lên vai ba lô nặng trĩu với thiết bị điện tử lỉnh kỉnh, cường độ công việc cao, họ vừa phải có thông tin hay vừa phải có hình ảnh đặc sắc gửi về tòa soạn.
Bên cạnh những áp lực đó, bù lại họ được hòa mình vào các sự kiện thể thao, du lịch mà ai cũng muốn có mặt, được trực tiếp có mặt và tham gia vào sự kiện văn hóa vui tươi, giải trí mang lại sự hứng khởi cho tất cả mọi người.
Nhà báo Lại Quang Tấn - Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, văn hoá là lĩnh vực rộng, không thiếu đề tài để triển khai, tuy nhiên, để có những tin bài hay, chất lượng tốt, hấp dẫn bạn đọc, phóng viên văn hoá phải có thời gian tích luỹ qua quá trình tác nghiệp bằng việc đi thực tế, trải nghiệm, gặp gỡ nhiều nhân vật, chuyên gia.
“Thực tế nhiều phóng viên, nhà báo sẵn sàng đấu tranh, dấn thân để điều tra, phản ánh những vấn đề gai góc như tuyên truyền, đấu tranh để bảo vệ di tích; nhập vai, điều tra về những hiện tượng “mua thần, bán thánh”, mê tín dị đoan tại các cơ sở tín ngưỡng… Mặt khác, với yêu cầu chuyển đổi số, báo chí công nghệ đòi hỏi phóng viên văn hoá phải tích cực trau dồi, học tập ứng dụng công nghệ để có tác phẩm báo chí sáng tạo, đa dạng về hình thức thể hiện” Quang Tấn chia sẻ.
Đối với nhiều phóng viên văn hóa họ đã quen với những sự kiện văn hóa chỉ diễn ra vào ngày cuối tuần, ngày lễ, Tết và thậm chí chỉ diễn ra vào ban đêm, thời điểm mà phần lớn độc giả nghỉ ngơi ở nhà mong chờ những tin tức về những sự kiện này. Giữa rất nhiều thông tin, mỗi phóng viên văn hóa phải lựa chọn, tìm kiếm những góc cạnh góc nhìn mới mẻ, hấp dẫn, để lôi kéo “giữ chân” bạn đọc.
Ứng dụng công nghệ số để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa
Bên cạnh những thông tin về các sự kiện văn hóa, nhiều nhà báo, phóng viên có những bài phân tích sâu về vai trò của văn hóa nói chung đối với sự phát triển bền vững của xã hội hiện đại. Trong đó nhấn mạnh ý nghĩa, chiều sâu của văn hóa là các giá trị góp phần tạo nên động lực nội sinh và hệ điều tiết sự phát triển. Nhiều bài viết nói về thực trạng các loại hình văn hóa dân gian truyền thống cạnh tranh với những loại hình văn hóa giải trí hiện đại, công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ đa phương tiện phát triển mạnh… tất nhiên để có các bài viết này phóng viên văn hóa sẽ phải tìm hiểu kỹ hơn, có sự đầu tư công phu hơn.
Nhà báo Đoàn Hương – Báo Tuổi Trẻ cho rằng, cái khó của phóng viên văn hóa nói riêng và của phóng viên nói chung hiện nay đó là làm việc trong môi trường báo chí điện tử, phải chạy đua với mạng xã hội. Điều này khiến cho phóng viên luôn phải gồng mình chạy đua sản xuất tin bài "nhanh, nhiều, rẻ" theo đòi hỏi của tòa soạn và cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các báo với nhau và giữa báo với mạng xã hội.
Vì thế rất khó để phóng viên viết được những bài viết chất lượng, những bài báo đầy chất văn hóa. Điều quan trọng là mỗi phóng viên cần ứng dụng công nghệ vào từng hoàn cảnh tác nghiệp, "chuyển đổi số" trong tác nghiệp cũng sẽ phải là kỹ năng bắt buộc đối với mọi phóng viên để có thể làm tốt công việc đầy thách thức này.
“Kinh nghiệm của tôi là phóng viên ngoài việc có sức lao động bền bỉ, chịu được áp lực công việc lớn thì còn phải rất bản lĩnh để giữ được những tiêu chuẩn nghề nghiệp khắt khe mà một phóng viên chuyên nghiệp và có khát vọng làm nghề tử tế phải tự đặt ra cho mình. Một trong những tiêu chuẩn đó với tôi là cố gắng vươn tới tính nhân văn trong mỗi bài báo. Dù viết về người tốt việc tốt hay những việc chưa tốt, những tiêu cực thì đều phải hướng tới tinh thần chung là tính nhân văn, nâng đỡ con người. Tất nhiên đây chỉ là những tố chất khác bên cạnh kỹ năng tốt, hiểu biết rộng, sâu về lĩnh vực, có nguồn tin tốt... là những đòi hỏi bắt buộc với phóng viên văn hóa” nhà báo Đoàn Hương chia sẻ.
Có thể nói, phóng viên văn hóa là một bộ phận quan trọng trong hoạt động báo chí, những cách tiếp cận vấn đề ở nhiều góc nhìn mang đến sự phong phú đa dạng cho công chúng về văn hóa. Nhiều tác phẩm ở nhiều loại hình báo chí khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung là tôn vinh những người đang lưu giữ, bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Và mỗi tác phẩm báo chí về văn hóa sẽ góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó gìn giữ và phát triển giá trị văn hóa truyền thống, đưa nét đẹp văn hoá truyền thống lan rộng trong đời sống xã hội.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com