Thứ sáu, ngày 22/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Ngăn trục lợi bảo hiểm xã hội (08/06/2023-7:06)
    Việc làm giả giấy chứng nhận nghỉ ốm, làm khống giấy khám sức khoẻ để “bán” cho người lao động đã tiếp tay cho nhiều người trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

 Lực lượng chức năng tiến hành khám xét các phòng khám đa khoa có liên quan. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Vụ việc mới đây liên quan đến đường dây mua, bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội được phát giác đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Theo đó, sáng 30/5, Công an thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) phối hợp với các đơn vị chức năng đồng loạt khám xét 8 địa điểm (trong đó có 6 phòng khám đa khoa tư nhân) đã thu giữ cả trăm ngàn giấy chứng nhận nghỉ làm được hưởng bảo hiểm xã hội cùng hàng trăm giấy khám sức khoẻ ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám.

Qua điều tra ban đầu, lực lượng chức năng xác định, các đối tượng đã làm giả các loại giấy tờ bán cho công nhân, người lao động để quyết toán tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nghiêm trọng hơn, các đối tượng còn lập hồ sơ rút tiền bảo hiểm y tế đối với công nhân, nhưng trên thực tế công nhân không bị bệnh, cũng không đi khám nhưng các phòng khám vẫn được hưởng tiền khám, chữa bệnh từ nguồn bảo hiểm y tế. Hiện Cơ quan Công an đã ra quyết định tạm giữ 18 đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo các cơ quan chức năng, việc cấp giấy nghỉ ốm trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã diễn ra nhiều năm nay. Các trường hợp hưởng chế độ sai quy định đã bị thu hồi. Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, qua thanh tra, kiểm tra, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thu hồi 50,4 tỷ đồng tiền hưởng chế độ bảo hiểm xã hội không đúng quy định; thu hồi 828,4 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định. Riêng trong năm 2021, cũng đã phát hiện và yêu cầu thu hồi số tiền 9,5 tỷ đồng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội sai quy định.

Tuy nhiên, ở vụ việc lần này, điều đáng nói là có sự tham gia của nhiều người, trong đó có cả bác sĩ là Trưởng các phòng khám, dược sĩ, nhân viên y tế và môi giới để lập khống, làm giả các loại giấy tờ liên quan. Mức độ nghiêm trọng càng được nhân lên khi có sự “bắt tay”, thông đồng giữa phòng khám và người lao động. Trong đó, có những trường hợp người lao động dùng chiêu thức “giả bệnh”, tức là không mắc bệnh nhưng vẫn được cơ sở khám, chữa bệnh khám và đưa ra các chẩn đoán để cấp giấy nghỉ ốm, còn các cơ sở khám chữa bệnh thì bằng mọi chiêu trò gian lận đã “phù phép” hồ sơ hoặc tạo dựng hồ sơ, “xác nhận khống” để trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Điều này không chỉ gây thất thoát ngân sách nhà nước, mà còn thể hiện sự thoái hoá, biến chất, coi thường pháp luật, hành nghề gian dối của một bộ phận bác sĩ, nhân viên y tế; đặc biệt là sự “cố tình” làm sai, “không bệnh, nói có bệnh” của một bộ phận người lao động vì cái lợi trước mắt.

Để ngăn tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội, hiện nay, ngoài giám sát trực tiếp, nhất là tại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, còn có các cảnh báo từ hệ thống giám sát điện tử của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, việc lạm dụng, trục lợi bảo hiểm vẫn diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp với nhiều biến tướng. 

Việc trục lợi không chỉ dừng ở mua bán, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, làm giả hồ sơ ở không ít phòng khám, qua mắt cả doanh nghiệp, cơ quan chức năng; mà còn có tình trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội qua mạng xã hội bằng hình thức nhận ủy quyền; tuyển lao động là phụ nữ mang thai, thực hiện đăng ký đóng bảo hiểm xã hội nhưng thực tế không làm việc tại đơn vị để trục lợi thông qua việc giải quyết chế độ thai sản khi sinh con…

Trong hệ thống an sinh xã hội thì hệ thống bảo hiểm xã hội giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất, hoạt động theo nguyên tắc "đóng - hưởng" và "chia sẻ" giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia bảo hiểm xã hội. Phát triển bảo hiểm xã hội sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc trục lợi bảo hiểm xã hội dưới bất cứ hình thức nào đều đi ngược lại với mục tiêu, làm giảm ý nghĩa nhân văn về chính sách an sinh xã hội, điều cốt yếu mà bảo hiểm xã hội hướng tới, đã và mang lại lợi ích chính đáng cho người lao động. 

Vì thế, ngoài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đẩy mạnh thanh tra, xử lý tình trạng hồ sơ giả, thu gom sổ bảo hiểm, trục lợi chính sách… thì việc chấn chỉnh các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, quy trình khám chữa bệnh cũng cần được thực hiện nghiêm túc, tránh tình trạng làm kiểu “phong trào”, làm cho xong, cho có, làm mạnh khi có sự vụ, rồi lại buông lỏng khi mọi chuyện đã lắng xuống.

Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện đúng quy định về cấp các loại giấy tờ, hồ sơ như giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khoẻ, hồ sơ bệnh án. Việc đối chiếu dữ liệu thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội của cơ quan chủ quản, cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương cũng cần làm thường xuyên để có thể phát hiện nhanh, xử lý kịp thời vi phạm và hạn chế tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ, chi sai chế độ bảo hiểm xã hội.

Đặc biệt, cần có giải pháp căn cơ hơn, như Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn Quốc hội ngày 6/6, đó là các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành của người sử dụng lao động; tập trung sửa đổi quy phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu của bảo hiểm với dữ liệu dân cư;…

 

Theo Xuân Phong/Báo Tin tức

 

Các tin khác:
  • Cảnh giác với lừa đảo (02/05/2023-17:56)
  • Phá bẫy tin giả COVID-19 (24/04/2023-16:13)
  • Định danh thời đại số (20/03/2023-10:25)
  • Những cuộc gọi bất nhân (18/03/2023-6:28)
  • Để ‘điểm chạm’ thành cú bắt tay bền chặt (10/03/2023-10:15)
  • Luận điệu phản động cần bác bỏ (16/02/2023-16:25)
  • Du lịch Việt Nam năm 2023: Cơ hội chuyển mình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (10/02/2023-10:00)
  • Lật tẩy những luận điệu chống phá (10/02/2023-9:55)
  • Trong dòng chảy của mùa xuân (23/01/2023-9:08)
  • Hiểm họa từ cần sa, ma túy giấu mình (09/12/2022-7:07)