Cần thêm sự hỗ trợ để du lịch dựa vào cộng đồng ngày càng phát triển
(ảnh chỉ có tính minh họa)
Từ những gia đình làm du lịch tự phát nhỏ lẻ rải rác ở miền núi xứ Thanh cách đây dăm bảy năm, đến những ngôi nhà sàn theo kiểu Homestey ở bản Hiêu (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông) và bản Năng Cát, xã Trí Nang (Lang Chánh) dành cho du khách lưu trú qua đêm có sự đầu tư hơn là bước tiến đáng kể.
Nhưng dù đã rất cố gắng trong việc nâng cao cơ sở vật chất lưu trú, thì vẫn cho thấy một sự manh mún về ý thức. Đa phần du khách trong nước vẫn chưa đặt niềm tin vào loại hình du lịch này. Những khu du lịch dựa vào cồng đồng ở miền núi Thanh Hóa dường như chủ yếu vẫn là điểm đến của những “ông tây ba lô”. Một sự lãng phí, và nếu được quy hoạch, được đồng bộ hóa về cơ sở vật chất lưu trú, hạ tầng giao thông, đầu tư dịch vụ, chắc chắn đây sẽ là loại hình du lịch hút khách trong nước.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định 5 chương trình trọng tâm, trong đó có chương trình phát triển du lịch. Từng bước cụ thể hóa chủ trương, nhiệm vụ phát triển du lịch Thanh Hóa, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, nhất là đối với du lịch miền tây xứ Thanh.
Một trong những việc làm mới nhất là Ủy ban nhân dân tỉnh vừa công bố tuyến du lịch cộng đồng Bản Năng Cát - Thác Ma Hao (xã Trí Nang, Lang Chánh); tổ chức trải nghiệm và kết nối tuyến du lịch này với các điểm du lịch trọng điểm ở miền núi Thanh Hóa. Một việc làm hữu ích với sự tham gia của nhiều du khách, tổ chức du lịch, doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế. Họ không chỉ đến để trải nghiệm, mà còn khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Cảm giác tại buổi lễ này đã có sự gặp nhau khi nhiều doanh nghiệp lữ hành bắt đầu có sự quan tâm về một điểm đến tiềm năng, suy nghĩ chuyện đưa vào khai thác tua. Còn nhiều gia đình dân tộc Thái tại đây tỏ ra khá hồ hởi. Dường như họ đang được “thổi lửa” hành động với những ý nghĩ xa hơn việc tạo ra những ngôi nhà sàn kiểu Homestey làm nơi cho khách ngủ qua đêm, đó là phải tạo ra thêm những sản phẩm ẩm thực đặc sắc và quà lưu niệm giầu tính bản địa để thu hút du khách, cũng chính là tạo ra nguồn thu lớn hơn cho họ, cho ngân sách.
Từ việc công bố tuyến du lịch cộng đồng này, mở ra hy vọng về một sự đầu tư lớn hơn cho những điểm du lịch sinh thái khác khi mà ở miền núi Thanh Hóa còn nhiều điểm đến có thể khai thác du lịch dựa vào cộng đồng. Tại đây người dân rất cần được nâng cao nhận thức, cách thức tổ chức khai thác du lịch như một sinh kế bền vững, giống như được trang bị “chiếc cần câu” để họ có thể khai thác du lịch ngay tại nơi họ ở một cách lâu dài. Họ cần sự định hướng của chính quyền, sự kết nối đầu tư và khai thác của các doanh nghiệp du lịch - những việc mà họ không thể tự thân.
Anh Vũ