Bởi thiếu trách nhiệm mà tình trạng phương tiện vận tải chở quá tải trọng đang tái diễn ở hầu hết các tuyến đường trên địa bàn Thanh Hóa, đặc biệt là gần các khu vực khai thác khoáng sản làm hư hỏng hạ tầng giao thông, đe dọa tính mạng con người.
Năm 2016 đã có tới gần 5.000 lượt phương tiện bị phát giác sai phạm về tải trọng, cao gấp 1,6 lần so với năm 2015. Vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và những câu hỏi xung quanh vấn đề này đã được đặt ra, thậm chí được đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII cuối năm 2016.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được Sở Giao thông - Vận tải cho rằng phương tiện để kiểm tra vi phạm quá thiếu khi có tới 10 huyện chưa được cấp cân tải trọng xách tay để kiểm tra mức độ vi phạm của phương tiện.
Sở Giao thông - Vận tải cũng chỉ ra những nguyên nhân khác đó là sự phối hợp trong việc kiểm tra, kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng này đang là vấn đề hết sức khó khăn, qua đó cho thấy trách nhiệm cả trong việc quản lý, điều hành lẫn công tác phối hợp đều đang có những hạn chế, yếu kém.
Theo Sở Giao thông - Vận tải, công tác vận động doanh nghiệp ký cam kết không chở hàng quá tải trọng đã được triển khai thực hiện nhưng chưa hiệu quả nếu không muốn nói là còn nặng tính hình thức. Việc phối hợp giữa lực lượng Thanh tra giao thông với chính quyền các địa phương đã được triển khai những cũng chưa có sự chủ động phối hợp bởi vậy cũng chưa đem lại hiệu quả thực sự.
Căn bệnh đùn đẩy trách nhiệm hoặc nhìn nhau để làm việc đang là rào cản khiến tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông ngày càng trở nên nghiệm trọng hơn.
Thiếu phương tiện có thể khắc phục được bằng việc tăng công suất, nâng tần suất phương tiện, nhưng thiếu trách nhiệm sẽ là một khoảng trống vô hình mà máy móc không thể thay thế được.
Đó là khoảng trống đáng sợ, không chỉ gây ra sự tốn kém, còn là sự mất mát, trong đó sự mất mát lớn nhất chính là niềm tin.
Tăng cường trách nhiệm nội tại của các đơn vị đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, các ban quản lý dự án giao thông, lực lượng Thanh tra giao thông, nâng cao chất lượng tư vấn giám sát, sự phối hợp với ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương là việc làm hết sức cần kíp bên cạnh việc tiếp tục trang bị máy móc, phương tiện phục vụ việc kiểm tra, kiểm soát phương tiện quá tải trọng. Chí có như vậy mới hy vọng lấp đi khoảng trống vô hình để kiềm chế tình trạng “xé rào” trong lĩnh vực vận tải trên địa bàn Thanh Hóa.
Anh Vũ