Thứ sáu, ngày 03/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Chất văn trên trang báo ngày xuân (11/02/2017-10:18)
    Trong khúc giao mùa của vạn vật, xuân đến lặng lẽ và dịu dàng, mang theo nét tao nhã của văn nhân và sự tái sinh kỳ diệu! Xuân là giai điệu say đắm của đất trời, của sự hòa hợp và sinh sôi, của cuộc sống mới bắt đầu mơn mởn và căng tràn. Xuân lùa sức sống vào sự sống và niềm hân hoan, tình yêu vào tâm hồn con người…

Khi tiết xuân ở độ đậm đà, thì phong vị tết cũng thấm khắp nhân gian. Còn với những người làm báo, đây lại là thời điểm thôi thúc họ xách ba lô lên, cùng tay máy, tay bút, bắt đầu những chuyến đi và viết đầy ắp hương vị cuộc sống, và ấm áp tình người. Báo xuân, ví như bữa tiệc thịnh soạn, đa dạng, phong phú và hài hòa của thông tin, hình ảnh, màu sắc, câu từ, thông điệp, hàm ý… Mỗi món được trình bày, sắp đặt đầy công phu, đậm đà sắc và hương, đủ khơi dậy ở bạn đọc - người thưởng thức - “vị giác” đặc biệt và ấn tượng. Đó là cái cảm quan tươi mới, đầy hân hoan phấn chấn, thậm chí là cả niềm hy vọng và sự kỳ vọng.

Những bìa báo giầu chất văn số xuân (ảnh chỉ có tính minh họa)

Một trong những khả năng của báo chí là tổng kết thực tiễn, định hướng dư luận. Điều này càng đúng với một tác phẩm báo chí được trình bày trên trang báo xuân. Song, khác với cái nhìn của ngành chức năng hay giới chuyên môn, người làm báo đôi khi có cái nhìn - góc nhìn riêng về những điều được gọi là “thành tựu” và “hạn chế” được tổng kết qua một chặng phát triển, trên tất cả các lĩnh vực. Đọc tùy bút “Đường xuân rộng mở” của Hải Đường (đăng trên Báo Thanh Hóa số mừng xuân Bính Thân 2016). Đó là những trang viết không thiên về con số, ngợi ca thành tựu phát triển của tỉnh Thanh Hóa, ở cách người viết dẫn dắt vấn đề có sự lồng ghép các sự kiện lịch sử cụ thể, con người cụ thể và thơ ca, văn chương, câu từ giàu hình ảnh được sử dụng như một thủ pháp, nhằm “mềm hóa” bài viết, lôi cuốn bạn đọc. Hãy cùng cảm nhận một đoạn trong tùy bút này: “Ngày xuân, đúng vào dịp kỷ niệm Đảng ta ra đời. Ta thường nghĩ về sự thanh tân của Đảng. Ta nghĩ về những cành lá tươi non trên thân cổ thụ vững vàng qua bao mùa nắng mưa, qua nhiều thử thách, phong ba. Ta nghĩ về sức sáng tạo vô cùng trong mùa xuân của đất trời, của lòng người. Và ta thấy nhựa chuyển lên cành, dào dạt niềm tin, một niềm tin sắt son, khoa học về con đường đi tới. Còn lắm lo toan nhưng rộng mở đường xuân”.

Trên trang báo xuân, bên cạnh các vấn đề kinh tế, những vấn đề thuộc về đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, tinh thần tín ngưỡng… càng được cảm nhận và thể hiện bằng “con mắt xanh”, với sự uyển chuyển, mềm mại của câu từ, thay vì sự khô khan của con số. Đó có thể là những câu chuyện rất đỗi đời thường: chuyện người thương binh hiến đất làm đường, chuyện chị em phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo, chuyện lễ hội văn hóa, chuyện mưu sinh xa quê… thế nhưng, thông điệp được gửi gắm trong mỗi bài viết thì không hề tầm thường. Đó là thông điệp về sự nỗ lực vượt lên nghịch cảnh của những số phận kém may mắn; của những quan niệm sống tốt đẹp “sống phải biết cho đi”; của việc gìn giữ bản sắc giữa thời buổi mà nhiều giá trị đều lấy tiền làm thước đo… “Chất văn” được tìm thấy trên những trang viết ấy chính là nhân sinh quan hay cách nhìn tích cực về cuộc sống. Cùng với đó, báo xuân cũng dành không ít “đất” cho các thể loại thơ, truyện ngắn, tùy bút, tản văn, bút ký… mà quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” và tinh thần sáng tạo nghệ thuật thấm đẫm trên từng trang viết, đã góp phần tăng thêm hương vị tinh tế và sâu sắc cho “bữa tiệc ngày xuân” - sản phẩm của người làm báo.

Mỗi tác phẩm báo chí là sự trải nghiệm của cá nhân người viết, song có khả năng “cộng hưởng” tình cảm, cảm xúc của người đọc và thôi thúc cùng hành động vì mục đích tốt đẹp hơn. Lật mỗi trang báo, nhất là báo ngày xuân, người đọc càng dễ dàng cảm nhận dư vị ngọt ngào của hành trình khám phá những điều mới mẻ và đầy ý nghĩa; có thể “nếm” được vị nhặm đắng của suy tư và băn khoăn trước những nút thắt đời sống chưa tìm được lời giải; có thể cảm thấy vị mặn chát mồ hôi từ những chuyến đi đầy khó khăn, thử thách sức lực và ý chí người viết; có thể “ngửi” được hương của cuộc sống mới đang căng đầy trên khắp vùng miền như nâng bước người bước nhanh về phía trước; có thể cảm giác được vị nồng của những vất vả, lo toan thường trực của áo cơm, gạo tiền…

Nói như vậy hẳn có phần chủ quan và có thể khiến nhiều người băn khoăn, thậm chí ngờ vực? Cũng đúng thôi, khi mà đặc trưng của báo chí vốn là thông tin, cho nên thông điệp báo chí truyền tải đến người đọc luôn phải là những thông tin tươi mới, nóng hổi nhất từ đời sống. Báo chí là gương phản chiếu chân thực và trung thực hiện thực đời sống, cho nên khả năng mang đến sự rung động “đậm chất thơ” của nó, có đôi khi bị xem nhẹ, thậm chí bị gạt ra ngoài trong quá trình hoàn thiện tác phẩm. Thế nhưng, đã có không ít minh chứng về sự pha trộn - hài hòa giữa báo chí và văn chương có thể mang đến kết quả bất ngờ. Những thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng, được viết từ những năm đầu thế XX cho đến nay vẫn được xem là một mẫu mực. Các ấn phẩm báo xuân hiện nay, kể cả báo Trung ương lẫn địa phương, cũng là một minh chứng về tính hiệu quả và hấp dẫn của tác phẩm báo chí, khi có sự hài hòa các yếu tố văn chương như hình tượng nghệ thuật, điển tích, điển cố, câu từ, thủ pháp ẩn dụ, so sánh… Nhờ  “chất văn” ấy mà các tác phẩm trên báo xuân có thể “ngấm” rất sâu, thậm chí vượt qua giới hạn thời gian sống của một bài báo thông thường. Báo chí gắn với tính thời sự, trong khi văn chương hướng đến những vấn đề thuộc về chiều sâu đời sống nhưng có sức ảnh hưởng rộng rãi. Bởi vậy, sự hòa quện giữa văn chương và báo chí có thể tạo nên những tác phẩm báo chí đầy tính hàm súc và nhân văn.

Sinh thời, nhà văn - chiến sĩ Nguyễn Minh Châu - cây bút của những tác phẩm văn chương hiện thực đậm chất thơ, từng nói: “Nhà văn phải là người đi tìm hạt ngọc ẩn giấu bên trong tâm hồn con người… Nhà văn tồn tại trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường, bênh vực cho những con người không còn được ai bênh vực”. Nhận định ấy không chỉ đúng với nhà văn, mà càng đúng với những người làm báo. Văn chương và báo chí đã gặp nhau ở mục đích cao cả ấy, mục đích hướng đến con người, vì con người, cũng chính là vì những giá trị sống tốt đẹp và góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội. Để có được những tác phẩm báo chí mang giá trị nhân văn, nhân sinh, thiết nghĩ phải bắt đầu từ ý thức tự thân hướng đến nhân văn của người viết được truyền tải, gửi gắm trong tác phẩm của mình. Có như vậy, người làm báo mới như con tằm đã “chắt hết nhựa sống” mà nhả ra sợi tơ óng ánh là những tác phẩm, ấn phẩm đẹp và chất lượng cả về hình thức lẫn nội dung.

Hoàng Xuân

 

Các tin khác:
  • Xuân mới nhiều ước vọng… (11/02/2017-10:13)
  • Để nghề báo thêm vinh quang và cao quý (18/01/2017-8:31)
  • Báo chí đang nhìn lại mình và tìm hướng đi mới (18/01/2017-7:50)
  • Cái gì bền vững sẽ là bền vững… (03/01/2017-6:37)
  • Sinh động, sát thực tế đời sống (31/12/2016-8:54)
  • “Dăm hôm lại đau tim một lần…” (23/12/2016-9:50)
  • Phải viết làm sao để chạm tới trái tim độc giả?! (17/12/2016-7:46)
  • Tôi thích ảnh gắn với cuộc sống (15/12/2016-7:43)
  • Đừng để con số ảo đánh bại giá trị thực (12/12/2016-17:22)
  • Nhà báo Cao Kim: Giản dị, mực thước với đời, với nghề (12/12/2016-17:19)